Phụ huynh “kêu” đề thi học kỳ vừa khó vừa thiếu
- 14:07 27-12-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phụ huynh ở Hà Nam phản ánh đề thi học kỳ môn Ngữ văn của con quá khó, thậm chí thiếu hẳn phần Tiếng Việt. VietNamNet đã liên hệ với Sở GD-ĐT của tỉnh để tìm câu trả lời.
Năm học này, học sinh khối 6 trên địa bàn toàn tỉnh Hà Nam được kiểm tra chất lượng học kì 1 theo đề kiểm tra do Sở GD-ĐT.
Kỳ thi học kỳ vừa diễn ra mới đây, tuy nhiên, theo vị phụ huynh này, các em học sinh phản ánh đề thi rất khó và thắc mắc liệu có thiếu sót khi không có câu hỏi nào về phần Tiếng Việt.
“Trong chương trình Ngữ văn các cháu học có 3 phân môn gồm: Văn bản, Tiếng Việt và Tập làm văn. Vậy đề thi học kỳ này đã có thiếu sót lớn vì không có tính bao quát các đơn vị kiến thức cơ bản nhất – không có kiến thức phần Tiếng Việt.
Hơn nữa, trong đề thi bao giờ cũng cần cân đối hợp lí về tỉ lệ những câu hỏi ở 3 mức độ: nhận biết, thông hiểu, nâng cao. Nhưng trong đề thi này, phần II- Làm văn với câu hỏi “Hãy tưởng tượng và kể lại cuộc trò chuyện tâm sự giữa các đồ dùng học tập của em” là câu hỏi ở mức độ nâng cao lại chiếm 6 điểm, tương ứng 60% điểm toàn bài. Đề này thường ra với đối tượng học sinh giỏi trong các kì thi chọn học sinh giỏi mà thôi. Chưa kể, ở phần I- Đọc hiểu của đề thi này cũng đã có ít nhất trên 1 điểm thuộc phần kiến thức ở mức độ nâng cao. Vậy đề kiểm tra có tới 70% câu hỏi ở mức độ nâng cao”, vị phụ huynh phân tích.
Như vậy, theo vị này, nhìn chung đây là một đề kiểm tra khó và không phù hợp với một đề kiểm tra chất lượng chung cho tất cả các đối tượng học sinh.
“Với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, lấy người học làm trung tâm mà lại ra đề như thế này thì liệu người học có là trung tâm nữa hay không? Trong khi cả một học kì các em ôn luyện vất vả mà đến khi kiểm tra thì lại bị đánh đố”, vị phụ huynh chia sẻ.
Tiếp nhận phản ánh của phụ huynh, PV VietNamNet đã gửi những băn khoăn này đến lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Hà Nam.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Diện, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nam cho hay, năm nay Sở tổ chức ra đề một số môn để khảo sát xem việc dạy và học ở các trường ra sao từ đó tiếp tục điều chỉnh cách dạy, cách học đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giáo dục.
“Đầu tiên phải nói đây là đề thi với mục tiêu của Sở chủ yếu là khảo sát để từ đó điều chỉnh cách dạy học theo tinh thần đổi mới. Có nghĩa là không phải là thi và có lấy điểm đó vào điểm tổng kết luôn hay không thì tùy các nhà trường”.
Theo ông Diện, có thể so với một số lần ra đề trước đây thì đề thi năm nay có khác một chút và làm cho phụ huynh và học sinh nghĩ rằng có gì đó khó hơn. Thế nhưng qua xem xét, nghiên cứu trên cơ sở báo cáo của cán bộ ra đề thì đây là một đề thi không có phần Tiếng Việt riêng nhưng không đồng nghĩa bỏ qua phần Tiếng Việt trong việc kiểm tra của để khảo sát này.
“Đề các năm trước thì rạch ròi ra câu hoặc ý về Tiếng Việt nhưng giờ đây quan niệm trong đổi mới, hướng đến năng lực của học sinh nhiều hơn. Do đó, cần kiểm tra việc các cháu đọc thông viết thạo, dùng câu chính xác, viết không sai từ, không sai chính tả. Trong giáo dục có yếu tố tích hợp, như vậy có thể kiểm tra phần Tiếng Việt trong phần đọc hiểu hay làm văn qua đánh giá năng lực dùng từ, đặt câu, chính tả,… của học sinh. Vì vậy không nhất thiết phải có một câu Tiếng Việt tách biệt riêng mà vẫn có thể đánh giá được năng lực Tiếng Việt của học sinh, và nếu mắc lỗi thì trừ điểm ra sao, trong hướng dẫn chấm chung sẽ có đánh giá điều đó”, ông Diện lý giải.
Về phản ánh đề thi khó, ông Diện cho rằng nếu bám sát chương trình học của học sinh trên lớp thì phụ huynh sẽ không có suy nghĩ như vậy.
“Ở phần Làm văn (6 điểm) phụ huynh không hiểu nên cho rằng đề khó vì thấy kể chuyện tưởng tượng về cuộc trò chuyện tâm sự giữa các đồ dùng học tập của các em. Nhưng trong chương trình học có hẳn một bài về việc này, chưa kể còn có một bài luyện tập về kể chuyện tưởng tượng. Xưa nay các thầy cô ít ra đề dạng này nhưng thực tế đây không phải là lần đầu tiên. Sở đã từng ra đề yêu cầu học sinh tưởng tượng trên cơ sở câu chuyện dân gian. Các phụ huynh không nắm rõ chương trình con học nên cứ tưởng là khó nhưng không phải vậy. Kể chuyện tưởng tượng nghe có vẻ lạ nhưng học sinh đã được học hẳn một bài trong SGK, chứ không phải là chương trình nâng cao. Như vậy nếu xếp câu này vào % số câu hỏi khó thì tôi cho rằng không thỏa đáng”.
Ông Diện cũng mong qua đây phụ huynh tìm hiểu và nắm được mục đích của Sở là khảo sát nhiều hơn việc lấy điểm. Sở GD-ĐT Hà Nam cũng không bắt buộc các trường lấy kết quả đề thi này đưa vào tổng kết cuối năm mà có thể tổ chức bài kiểm tra riêng để lấy điểm học kỳ.
Tác giả bài viết: Thanh Hùng
Nguồn tin: