Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đại gia nào 'kiếm tiền' giỏi nhất năm 2016?

Danh sách những đại gia kiếm được nhiều tiền nhất trong năm 2016 ghi tên nhiều nữ tỷ phú, cũng như những bất ngờ về người đứng đầu bảng xếp hạng giàu nhất sàn chứng khoán.
Thị trường chứng khoán năm 2016 ghi nhận nhiều thăng trầm, nhất là sự biến động tài sản của các đại gia. Nhiều người thừa nhận để đứng vững trong top người giàu nhất sàn chứng khoán năm qua là rất vất vả.

Tài sản ông Trịnh Văn Quyết tăng 70 lần 

Đầu năm 2016, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) FLC sở hữu hơn 69,5 triệu cổ phiếu FLC, tổng tài sản chỉ có khoảng 450 tỷ đồng. 

Trước ngày 1/9, ông Quyết sở hữu hơn 93 triệu cổ phiếu FLC. Khi giá cổ phiếu này lên cao nhất, đạt 8.000 đồng/cổ phiếu, tổng tài sản của ông cũng mới đạt 744 tỷ đồng. Doanh nhân này chưa từng lọt vào top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán thời điểm đó.

Ông Quyết chỉ nổi lên từ khi hơn 179,7 triệu cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng FLC Faros (tên cũ là Công ty CP Xây dựng Faros) được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán ngày 1/9/2016. Ngay phiên chào sàn, với giá 12.600 đồng/cổ phiếu, ROS đã nâng tổng tài sản của ông Quyết lên 2.961 tỷ đồng.

Cổ phiếu ROS liên tục tăng phi mã, chỉ sau 2 tháng đã lên 86.300 đồng/cổ phiếu, đẩy tổng tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết lên hơn 24.856 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD.

 
Biến động tổng tài sản ông Trịnh Văn Quyết trong năm 2016. Đơn vị: tỷ đồng. Đồ hoạ: Quang Thắng.
 
Đã có thời điểm giá cổ phiếu ROS đạt đỉnh 124.000 đồng/cổ phiếu, khiến tổng tài sản của ông đạt trên 35.308 tỷ đồng.

Tính đến ngày 23/12, ông Quyết nắm giữ gần 114,2 triệu cổ phiếu FLC, và 279,56 triệu cổ phiếu ROS. Theo mức giá thị trường của 2 mã cổ phiếu vào cùng ngày, thì tài sản trên sàn chứng khoán của vị này đã đạt 31.366,9 tỷ đồng, gấp 70 lần so với đầu năm.

Xét về giá trị tuyệt đối, tổng tài sản ông Trịnh Văn Quyết đã tăng hơn 30.917 tỷ đồng chỉ trong năm 2016, và trở thành người kiếm nhiều tiền nhất năm 2016.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng kiếm gần 5.200 tỷ đồng

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup là người giàu nhất trên sàn chứng khoán 7 năm liên tiếp, từ năm 2010-2016. Nhưng đến cuối năm nay đã bị ông Trịnh Văn Quyết soán ngôi.

Dù không duy trì được ngôi vị người giàu nhất sàn chứng khoán Việt, năm 2016 cũng ghi nhận tổng tài sản tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam gia tăng hơn 5.000 tỷ đồng.

Đầu năm, ông Vượng nắm giữ hơn 532,4 triệu cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup. Xét theo giá cổ phiếu VIC tại phiên giao dịch đầu tiên trong năm 2016 là 47.500 đồng/cổ phiếu, tổng tài sản của ông Vượng hồi đầu năm đạt 25.289 tỷ đồng.

 
Không duy trì được ngôi vị người giàu nhất trên sàn chứng khoán nhưng trong năm 2016 tổng tài sản ông Vượng cũng đã tăng hơn 5.000 tỷ đồng.
 
Tính đến ngày 23/12, ông Vượng đang nắm giữ hơn 724 triệu cổ phiếu VIC. Với giá thị trường hiện tại của cổ phiếu này là 42.100 đồng/cổ phiếu, tổng tài sản của tỷ phú Vượng đạt khoảng 30.483 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 5.195 tỷ đồng trong năm 2016, và là người kiếm nhiều tiền thứ 2 trong năm 2016.

Ông chủ tập đoàn Hoà Phát: Tài sản tăng 2.608 tỷ đồng

Là người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt tính đến thời điểm này, nhưng khối lượng tài sản của ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát cách rất xa hai người xếp phía trên.

Hiện tại ông Long đang nắm giữ 184,3 triệu cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát. Với mức giá ngày 23/12 của cổ phiếu HPG là 42.950 đồng, tổng tài sản của ông Long đạt 7.917 tỷ đồng. Nếu so với đầu năm, tài sản của ông Long đã tăng hơn 2.608 tỷ đồng.

Tại phiên giao dịch đầu tiên trong năm 2016 vào ngày 4/1, giá cổ phiếu HPG ở mức 28.800 đồng/cổ phiếu, tài sản của ông Long khi đó là 5.309 tỷ đồng.

Hiện nay Hoà Phát chính là doanh nghiệp sản xuất thép số 1 thị trường trong nước.

Tài sản của ông Đỗ Hữu Hạ tăng gần 2.600 tỷ đồng

Cũng giống như ông Trịnh Văn Quyết, đầu năm 2016, ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy chưa hề có tên trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Khối tài sản vào thời điểm đó của ông Hạ chỉ khoảng 60 tỷ đồng, nhờ việc sở hữu khoảng 4,3 triệu cổ phiếu HHS của Công ty CP đầu tư dịch vụ Hoàng Huy.

Ông Hạ lọt vào Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán khi Công ty CP Đầu tư tài chính Hoàng Huy (TCH) nơi ông Hạ là Chủ tịch HĐQT, niêm yết gần 363 triệu cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

Với việc nắm giữ hơn 151 triệu cổ phiếu tại TCH, tính đến ngày 23/12, khi giá mỗi cổ phiếu TCH khoảng 17.350 đồng, đưa tổng tài sản mà cổ phiếu TCH mang lại cho ông Hạ đạt hơn 2.600 tỷ đồng.

 
Top 10 người kiếm nhiều tiền nhất năm 2016. Đơn vị: tỷ đồng. Đồ hoạ: Quang Thắng.  
 
Hiện nay, tổng tài sản của ông Hạ khoảng 2.639 tỷ đồng. Như vậy khối lượng tài sản của ông Hạ đã tăng hơn 2.579 tỷ đồng trong năm 2016.

Xuất hiện thêm người phụ nữ nghìn tỷ

Một cái tên từ trước đến nay chưa hề xuất hiện trên sàn chứng khoán, nhưng từ khi cổ phiếu ROS niêm yết trên sàn thì bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Trịnh Văn Quyết) đã lọt Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Hiện tại, bà Diệp đang nắm giữ 20,2 triệu cổ phiếu ROS, tương đương tổng tài sản trên sàn chứng khoán của bà khoảng 2.226 tỷ đồng.

 Điều đặc biệt là bà Diệp chỉ sở hữu duy nhất cổ phiếu ROS và không tham gia vào bất kỳ hoạt động quản trị hay điều hành nào của doanh nghiệp. Trước đó, không có bất kỳ thống kê nào về khối lượng tài sản mà bà Diệp nắm giữ.

Cũng là một người phụ nữ khá kín tiếng, nhưng tên tuổi của bà Phạm Thu Hương, vợ của ông chủ Tập đoàn Vingroup được nhiều người biết đến từ lâu. Bà Hương cũng là Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, và còn được biết đến là thành viên sáng lập Tập đoàn Technocom Ukraina.

Trong năm 2016, tổng tài sản của bà Hương đã tăng hơn 1.786 tỷ đồng, nhờ việc nâng khối lượng sở hữu cổ phiếu VIC từ 73 triệu lên 124,8 triệu cổ phiếu. Hiện tại, tổng tài sản của bà Hương đạt khoảng 5.253 tỷ đồng.

Tác giả bài viết: Quang Thắng

Nguồn tin: