Đừng mang cáu gắt về nhà, con cái sẽ là người hứng chịu đầu tiên
- 10:45 26-12-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Hương lúc này có những biểu hiện lạ lắm mẹ ơi”, cô giáo chủ nhiệm mở đầu câu chuyện về cô con gái đang học lớp 7 của tôi như thế, tôi không khỏi chột dạ. “Con cáu gắt rất vô cớ, la lối bạn bè chẳng vì một lý do gì. Tôi theo dõi con từ đầu năm học đến giờ, thấy cường độ cáu gắt cứ tăng lên, đôi khi rất vô lý.
Hôm qua, khi phát kết quả kiểm tra, bạn ngồi kế bên mới chồm người qua xem điểm, Hương liền xé toạc tờ kiểm tra, xô ngã bạn rồi bỏ ra ngoài. Chiều tôi có ngồi nói chuyện với con, tôi rất mong đó chỉ là sự bực dọc bình thường của tuổi ẩm ương, nhưng hình như không phải, tôi e là cháu bắt chước ai đó. Đây là tuổi bắt đầu hình thành tính cách đến khi trưởng thành, mẹ lưu ý nhé!”.
Ảnh minh họa
“Tôi e là cháu bắt chước ai đó…”, những lời của cô giáo làm tôi hoang mang tột cùng. Tôi nghĩ đến mình, đến những gì đã dành cho con. Có những hôm vì áp lực công việc, vừa về đến nhà, tôi đã la toáng lên: “Đừng đến gần mẹ, mẹ đang bực mình lắm đó”, con bé không dám đến gần, chỉ lảng vảng chút xíu rồi lên phòng. Nhưng vì mệt mỏi quá, tôi không để ý đến con. Vả lại, tôi nghĩ con cũng lớn và tự lo cho mình được rồi.
Tháng trước, cả nhà lên kế hoạch đi Vũng Tàu chơi vào Chủ nhật. Chiều thứ Bảy về nhà, do cơ quan có quá nhiều chuyện bực dọc, tôi hủy chuyến đi bằng hai chữ “mẹ chán”, quát tháo ông xã và con bé om sòm. Nghe ông xã nói sáng hôm sau, hai bố con đi ăn sáng, con bé khóc quá chừng.
Từ lúc sinh con bé đến giờ, bất cứ bực dọc nào tôi cũng “xả” hết ra bằng cách la lối, kể lể, thậm chí khóc lóc. Bữa cơm nhà, tối nào tôi cũng mang chuyện cơ quan ra nói, từ chuyện cô tiếp tân xấu tính, đến chuyện cô bé phòng kinh doanh có thai ngoài ý muốn. Rồi luôn luôn kèm theo những lời bình phẩm khó nghe.
Tôi nào để ý đến cảm giác của con. Thậm chí tôi còn than van khó chịu vì kẹt xe, ngập đường, chuyện ca sĩ, hoa hậu nọ kia. Có lần ông xã góp ý, nhưng tôi trả lời vu vơ “nói chuyện với chồng con chứ phải với ai đâu mà ngại…”. Thực sự tôi không lưu tâm lắm về hành động và lời nói của mình.
Tôi mang câu chuyện ra trao đổi trong một buổi hội thảo, thật ngạc nhiên khi rất nhiều bậc cha mẹ ít lưu ý về vấn đề này. Ít ai để ý rằng hành động hàng ngày của mình lại tác động đến con lớn như thế. Rất vô thức, con cứ hành xử theo cha mẹ kiểu “mưa dầm thấm lâu”, mặc cho cha mẹ có thể suốt ngày rao giảng những bài học làm người, những ứng xử văn minh.
Khi cha mẹ mang những cáu gắt về nhà thì chính con cái phải hứng chịu đầu tiên. Hình ảnh của cha mẹ tác động đến hành xử của trẻ rất nhiều. Cha mẹ, vẫn luôn được xem là hình mẫu về nhân cách con trẻ, nên các con soi vào đó mà làm theo. Tôi tự nhủ, từ nay phải nhìn trước ngó sau, cẩn trọng với thái độ và lời nói của mình, bằng giá nào cũng phải kiềm chế và cư xử đúng mực với con. Nếu không, chính tôi sẽ lãnh hậu quả.
Tác giả bài viết: Ái Nhân
Nguồn tin: