Nghệ An: Bữa ăn ca công nhân chưa đủ chất, vì đâu?
- 11:22 26-12-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Qua giám sát định kỳ các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, LĐLĐ tỉnh Nghệ An nhận định chất lượng bữa ăn ca của một số đơn vị vẫn còn chưa bảo đảm. Đây là thực trạng đã diễn ra từ lâu, ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân (CN) và tương lai lâu dài của DN.
Bữa ăn ca tại Cty Haivina Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Bữa ăn ca chưa đủ chất
Đó là nhận định của một cán bộ công đoàn Khu kinh tế Đông Nam sau quá trình thâm nhập, tìm hiểu về đời sống CN tại các nhà máy, khu công nghiệp. “Có DN, CN đưa cơm từ nhà đi, đến trưa cơm nguội hết, mấy anh chị em nhai trệu trạo với quả trứng, vài miếng đậu phụ, nhìn rất xót xa” - cán bộ này nói thêm. Bên cạnh những đơn vị quan tâm có bữa ăn ca ngon, sạch sẽ, chất lượng, thì vẫn còn không ít DN, bữa ăn ca chất lượng kém, không đảm bảo vệ sinh. Điển hình như tại Cty Matrix Vinh, vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, 2.500 CN đã đình công đòi quyền lợi, trong đó có nội dung bữa cơm ca chất lượng kém (chỉ 12.000 đồng/suất); nhiều CN không ăn nổi cơm của Cty đã đưa cơm từ nhà đi. Sau đó, DN đã đồng ý nâng lên 15.000 đồng/suất.
Một số DN khác, tuy CN không tổ chức đình công, song vẫn phản ánh bữa ăn ca ít thức ăn, chất lượng không đảm bảo. Vừa qua, một số CN tại Cty điện tử BSE có gần 5.000 lao động đã chụp ảnh bữa cơm ca gửi cho PV, trong đó bữa ăn chỉ có vài ba miếng thịt ba chỉ, ít lạc rang, đậu xào, và cơm, canh lỏng; một bữa khác chỉ có miếng cá nhỏ, vài miếng thịt viên, rau xào. Bữa ăn tại DN này được công bố trị giá 18.000 đồng/suất, bao gồm cả chi phí nấu (DN thuê nấu ngoài). Qua giám sát, LĐLĐ tỉnh Nghệ An đã kiến nghị Cty BSE cần có giải pháp nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho CN. Vừa qua, CN một Cty may mặc tại Khu công nghiệp Bắc Vinh phản ánh bữa ăn ca kém chất lượng, gửi kèm theo ảnh. Tuy nhiên, khi PV đến làm việc, Giám đốc Cty không thừa nhận bữa cơm chưa đạt chất lượng, mà cho rằng đã có nhiều cố gắng tăng hàm lượng dinh dưỡng cho bữa ăn CN, mặc dù vẫn công nhận ảnh bữa cơm mà CN gửi là
của Cty.
Đâu là nguyên nhân?
Vừa qua, Tổng LĐLĐVN đã có nghị quyết, nêu rõ các DN cần cung cấp bữa ăn ca tối thiểu 15.000 đồng/suất cho CN. Qua khảo sát, LĐLĐ tỉnh Nghệ An ghi nhận vẫn còn một số DN cung cấp bữa ăn ca dưới 15.000 đồng/suất. Một số DN khác, mặc dù bữa ăn ca đã hơn 15.000 đồng, nhưng chất lượng vẫn chưa đạt như mong muốn. Theo LĐLĐ tỉnh Nghệ An là do từ phía nhà thầu cung cấp bữa ăn. Một số DN tổ chức nấu ăn, thuê người làm dịch vụ nấu ăn và bộ phận này được coi là người lao động của Cty; một số DN khác thì thuê DN ngoài cung cấp bữa ăn theo giá định sẵn.
Với phương thức thuê DN cung cấp bữa ăn, chi phí bữa cơm ca phải “gánh” tất cả chi phí và bao gồm lợi nhuận của đơn vị này. Nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, đấu thầu công khai, thì các đơn vị cung cấp thức ăn cho CN sẽ có xu hướng tìm cách “bớt xén” bữa cơm CN để tăng lợi nhuận. Đối với DN có hàng nghìn CN, thì lợi nhuận của các đơn vị cung cấp thức ăn cho CN không nhỏ. Các DN này sẽ tìm cách mua thực phẩm giá rẻ, chất lượng kém, để tăng lợi nhuận. Không ít CN phản ánh cơm không ngon, hạt cơm nở to nhưng không dẻo, không thơm; do gạo giá rẻ. Một nguyên nhân nữa là đối với DN có đông CN, trong thời buổi giá cả thị trường biến động, tăng cao, thì với định mức trên-dưới 15.000 đồng/suất, để lo một bữa ăn cho CN tươm tất cũng chật vật.
Nhiệm vụ nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho CN đang được đặt ra một cách bức thiết. Trước hết, cần thay đổi tư duy, quan niệm của DN về bữa ăn ca. Cần xem đây là một khâu đầu tư quan trọng, có tính chiến lược, như mục tiêu của Cty Haivina Kim Liên (đóng tại Nam Đàn, Nghệ An). “Sức khỏe của công nhân lao động là sức mạnh cạnh tranh của Công ty Haivina Kim Liên” là khẩu hiệu treo trong khu nhà ăn tập thể của Cty này và Cty được đánh giá là một trong các đơn vị có bữa ăn ca tốt nhất. Khi chủ DN có sự quan tâm, thì sẽ tìm ra giải pháp. Đó là tăng cường kiểm soát, tổ chức đấu thầu công khai, rộng rãi để tìm kiếm nhà cung cấp bữa ăn ca có chất lượng tốt nhất; và chấm dứt hợp đồng, yêu cầu bồi thường nếu vi phạm. Đối với đơn vị tự tổ chức nấu ăn, thành lập các tổ kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm về nguồn gốc, giá cả, chất lượng, vệ sinh thực phẩm.
Đối với tổ chức công đoàn, Ban quản lý các khu công nghiệp, cần thành lập đường dây nóng tiếp nhận các phản ánh của CN, trong đó có bữa ăn ca, tổ chức xác minh, có giải pháp kịp thời. Cần có chế tài xử lý nghiêm khắc các DN có bữa ăn ca không đảm bảo chất lượng, vệ sinh; cũng như tuyên dương, khen thưởng các đơn vị làm tốt. Cần thay đổi quan niệm bữa ăn ca không phải là do chủ DN bỏ tiền túi “cho” CN, mà thực chất đó là công sức của người lao động, vì vậy, CN cần có bữa ăn ca xứng đáng, đủ chất dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe, làm việc lâu dài.
Tác giả bài viết: Quang Đại
Nguồn tin: