Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đừng xem thường khi Google làm phần cứng

Tham vọng của Google ngày càng thể hiện rõ qua các sản phẩm mà hãng này tung ra, khiến sân chơi công nghệ trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Google từng tham gia mảng phần cứng khi mua lại Motorola với giá 12,5 tỷ USD hồi năm 2011. Tuy nhiên, thương vụ này không mấy thành công khi gã khổng lồ tìm kiếm quyết định bán lại cho Lenovo với giá chỉ 3 tỷ USD.

Dù trước đó chưa chính thức tham gia sản xuất phần cứng, Google đã có tầm ảnh hưởng rất lớn đến thị trường này. Trừ iPhone, hàng triệu smartphone đang hoạt động dựa trên nền tảng hệ điều hành Android của Google.

Giờ đây, theo Venture Beat, Google đã bắt đầu có những hành động quyết liệt hơn nhằm lấn sân sâu rộng vào mảng phần cứng smartphone bằng việc ra mắt bộ đôi Google Pixel.

Việc Google muốn tự làm chủ cả phần cứng lẫn phần mềm trên smartphone khiến nhiều hãng công nghệ cảm thấy lo lắng cho số phận của mình.

 
Bộ đôi Pixel đã đặt các hãng di động vào vị trí bấp bênh. Ảnh: Cnet.

Trong khi Samsung phải đối mặt với đợt thu hồi smartphone lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp điện thoại di động, cùng lúc đó là một Apple đang chịu nhiều chỉ trích khi sản xuất một chiếc iPhone mà không có jack cắm tai nghe, dường như đây chính là thời cơ của Google.

Theo IDC, Google hiện nắm giữ gần 88% thị phần hệ điều hành smartphone. Giới phân tích nhận định, Google sẽ chinh phục thị trường phần cứng smartphone tương tự như cách mà hãng đã thống trị công cụ tìm kiếm.

Samsung, LG cùng nhiều công ty sản xuất smartphone Android đang ở vị trí vô cùng bấp bênh. Họ sẽ khó khăn hơn để cạnh tranh khi Google bắt đầu cung cấp nhiều ưu đãi cho thiết bị riêng của hãng, thông qua các bản cập nhật phần mềm và nhiều tính năng khác.

Lo lắng này là hoàn toàn có thật. Trong lần Google tham gia thị trường phần cứng bằng việc mua lại Motorola, Samsung đã có ý định từ bỏ Android để chuyển sang hệ điều hành Tizen mà họ tự phát triển.

Không những vậy, điều này còn buộc các công ty di động tìm kiếm lợi nhuận từ bên ngoài thị trường smartphone. Nhà sản xuất thiết bị gốc của Pixel là HTC đã bắt đầu đa dạng hóa các danh mục sản phẩm của mình khi sản xuất thêm mẫu kính thực tế ảo Vive.

 
Samsung đang phát triển Tizen nhằm thoát khỏi Android. Ảnh: Theindianexpress.

Điều làm nên sự khác biệt giữa sản phẩm của Google với các đối thủ cạnh tranh đến từ kho dữ liệu khổng lồ của hãng. Google Assistant của Pixel có lợi thế hơn Cortana của Microsoft hay Siri của Apple, nhờ việc có thể thâm nhập sâu vào tài khoản Google của người dùng nhằm cá nhân hóa mọi tương tác.

Việc sở hữu trợ lý ảo nhỉnh hơn so với các đối thủ cũng sẽ giúp Pixel thu hút được một bộ phận người dùng nhất định, đặc biệt là những người bận rộn cần smartphone tự động đặt lịch hẹn, tìm kiếm đường đi, đưa ra các thông báo quan trọng,...

Google đã có được hàng tỷ người dùng thông qua các dịch vụ của mình, cho họ một lợi thế đáng kinh ngạc so với các đối thủ cạnh tranh.

Dù vài người có thể lấy ví dụ về những thất bại của Amazon hay Microsoft khi tham gia thị trường phần cứng smartphone, số khác cho rằng tham vọng của Google sẽ châm ngòi cho xung đột. Bộ đôi Pixel cho thấy tiềm năng chiếm lĩnh thị trường rất lớn mà sản phẩm này có thể tạo ra.

 
Google Daydream đang có tiềm năng rất lớn. Ảnh: Android Authority.

Bên cạnh đó, Google cho thấy hãng không chỉ muốn dừng lại ở mảng smartphone. Khi nhìn vào danh sách hàng loạt sản phẩm khác nhau của công ty, có thể thấy Google Home sẽ đối đầu với Echo của Amazon, Google Wi-Fi được thiết kế để làm tất cả bộ định tuyến khác trở nên lỗi thời, và Google Daydream có tiềm năng rất lớn để chiếm lĩnh thị trường VR non trẻ.

Tham vọng của Google trở thành thách thức đối với nhiều đối thủ, đặc biệt là Apple khi công ty này cũng đang tiếp cận cuộc chơi với cách không quá khác biệt so với gã khổng lồ tìm kiếm.

Đối với người dùng, khi sân chơi ngày càng trở nên khốc liệt hơn cũng là thời điểm để các đột phá công nghệ mới xuất hiện. Hãy cùng hy vọng và chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Tác giả bài viết: Đại Việt

Nguồn tin: