Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuyện tình người thương binh mù

Lật từng trang cuốn sổ đã ố vàng ghi lại những dấu mốc thời gian, tình cảm yêu thương riêng tư của người con gái và những dòng thư người yêu gửi cho mình, bà Hồ Thị Thắng (1953, ở xã Quỳnh Châu, H. Quỳnh Lưu, Nghệ An) kể cho chúng tôi nghe chuyện tình của bà với ông Nguyễn Văn Thiềng (1949). Hơn 40 năm trôi qua, nhưng tình cảm của ông bà dường như vẫn như ngày đầu tiên mới yêu nhau...
Ở làng quê nghèo vùng trung du ngày ấy, vừa thi đỗ  đại học, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thiềng lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Trở thành lính đặc công, Tiểu đoàn 31, Quân khu IV, ông tham gia chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên, rồi Tây Nam Bộ. Trong thời gian ấy, ông về phép mấy lần, rồi tình yêu với bà Thắng nảy nở, hai bên gia đình lúc đó cũng đã đi lại với nhau, chỉ chờ hòa bình là cưới. Nhưng chiến tranh kéo dài, năm 1972, trong một trận đánh vào căn cứ địch ở Hiệp Hòa (Long An), Nguyễn Văn Thiềng bị thương nặng và bị địch bắt. Thời gian bị giam cầm, địch tra tấn dã man để khai thác thông tin nhưng ông kiên quyết không hé răng nửa lời nên bị nhốt biệt giam vào xà lim Hố Nai, Biên Hòa... Khi những lá thư ngắn, kèm đôi dòng thơ được người lính trẻ viết trong những phút dừng chân tạm nghỉ bên góc rừng vẫn gửi về đều đặn, nuôi dưỡng tình yêu của đôi bạn trẻ trong suốt năm tháng chiến tranh ác liệt bỗng dừng hẳn, bà Thắng mới hay tin người yêu bị địch bắt. “Mọi người đồn nhau nhiều lắm, có người nói anh Thiềng bị địch bắt rứa là mất tích, là hy sinh rồi. Nhưng vẫn chưa có tin tức, giấy báo gì của đơn vị anh, nên tôi vẫn cứ chờ và ngóng trông từng ngày”-  bà Thắng nhớ lại.
 
Bà Thắng lật từng trang nhật ký thời trẻ và kể về câu chuyện đời mình.

Lúc ấy, vết thương ở mắt do không có điều kiện chữa trị kịp thời nên đôi mắt Thiềng mờ dần rồi không nhìn thấy gì. Đến năm 1973, sau khi Hiệp định Paris ký kết, trao trả tù binh trở về, ông được chuyển về căn cứ của Miền rồi chuyển ra Quân khu Việt Bắc an dưỡng. Người lính trẻ bị mù cả hai mắt, sức khỏe mất 95%, vì mặc cảm nên mãi không dám viết thư về nhà. Ở quê nhà, bà Thắng biết thông tin anh bị thương chuyển ra Bắc nên đã lặn lội bắt xe ra Hà Nội tìm kiếm khắp các bệnh viện nhưng đều bặt vô âm tín. Bà Thắng kể: Năm 1974, lần về phép thăm nhà đầu tiên kể từ ngày bị thương, gặp lại người yêu, đôi mắt ông Thiềng vô định, giọng nói buồn rượi, ông bảo: “Em đi lấy người khác đi. Anh biết em thương anh, nhưng đừng lấy anh mà khổ cả đời...”. Bà trả lời không đắn đo:  “Không được, anh vì Tổ quốc mà ra trận, giờ trở về là may mắn lắm rồi. Bao nhiêu người họ đợi đến hàng chục năm rồi mà chồng hy sinh không về được, còn khổ hơn mình”. Vậy là cô gái quê Nguyễn Thị Thắng đã bất chấp những mặc cảm của chàng trai thương binh mù, mặc những lời dèm pha, dị nghị của hàng xóm để đến với anh Thiềng bằng một tình yêu chân thành, sâu nặng. Tháng 8-1975, hai người tổ chức đám cưới trong sự động viên, chúc phúc của 2 bên gia đình. Cưới xong, ông Thiềng trở lại viện điều dưỡng, bà ở quê một tay chăm sóc, lo toan công việc cả hai gia đình. “Không biết cày, bừa thì nhờ các bác, anh em họ hàng bày cho, làm mẫu trước, rồi mình cũng tự học theo, chứ có ai làm cho. Con cái thì đứa lớn trông đứa nhỏ để mẹ lo ruộng nương”-bà Thắng kể.
Hạnh phúc giản đơn là được cùng nhau lo cho cuộc sống.

Năm 1991, ông Thiềng mới được chuyển từ Bắc về Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh Nghệ An. Nhưng sức khỏe yếu, thời gian ở trung tâm điều dưỡng nhiều hơn ở nhà, vẫn là một tay bà bồng bế, nuôi nấng lần lượt 5 đứa con mà vẫn không hề than thở. Chia sẻ với bà, mọi vui buồn trong cuộc sống ông đều viết thành thơ. Bao nhiêu tâm trạng, nhớ thương và cả những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi qua đi, ông gói lại thành hơn 300 câu thơ “Đường trường nghìn dặm con đi”. Những vần thơ không đem đi đong gạo được, không đổi được những nhọc nhằn cơm áo gạo tiền nhưng giữ được cho ông vững vàng tinh thần đi qua năm tháng khó khăn, thậm chí có lúc tuyệt vọng để giữ được ấm êm, yêu thương trong mái nhà nhỏ. Giờ đây, các con của ông Thiềng, bà Thắng đã có gia đình riêng, có công việc ổn định. Riêng cậu con trai út đang là sinh viên năm thứ 4 Đại học Y khoa Hà Nội. Thời gian đã hằn trên gương mặt, mái đầu nhưng ông bà vẫn nói chuyện với nhau nhẹ nhàng, giản dị, yêu thương như thế suốt hơn 40 năm qua.
 
Tác giả bài viết: Dương Hóa
Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng