Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phụ huynh bị cô lập thông tin, liên kết ngoại ngữ tha hồ tung hoành kiếm chác

Chương trình Bộ cấp phép hay Sở cấp phép đều có chung tình trạng mịt mù thông tin về nội dung nên phụ huynh muốn nắm rõ chỉ còn cách cắp cặp theo con vào lớp.
Ma trận dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường Tiểu học ở Hà Nội

LTS: Tiếp tục đề cập đến những bất cập liên quan đến liên kết ngoại ngữ trong các trường học ở Hà Nội, bài viết này chúng tôi đi sâu vào phân tích những bất cập trong việc tiếp cận thông tin của phụ huynh.

Trong hoạt động liên kết ngoại ngữ, các nhà quản lý luôn đề cao đến vai trò của phụ huynh trong lựa chọn và giám sát chương trình tiếng Anh liên kết.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy phụ huynh đang bị bưng bít thông tin nhiều chiều. Nên nói là giám sát  nhưng thực tế họ đang ở trong tình trạng bị doanh nghiệp và nhà trường "dắt mũi".


Ngược đời doanh nghiệp thích "áo gấm đi đêm"

Sau các bài viết phản ánh những bất cập trong liên kết tiếng Anh tiểu học, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều phản hồi của các bậc phụ huynh học sinh.

Trong đó các bậc phụ huynh tố rằng hiện đang có tình trạng doanh nghiệp và nhà trường đang tạo ra khó khăn trong tiếp cận thông tin nên họ không nắm được cụ thể chương trình mà con họ đang theo học.

Kể cả khi đã được công khai chương trình của doanh nghiệp nào, ai cấp phép rồi thì phụ huynh muốn tiếp cận sách giáo khoa, giáo trình, các bài học vẫn rất khó khăn.

 
Một tiết dạy mẫu của chương trình tiếng Anh liên kết (ảnh Trinh Phúc, cắt chụp từ video trên mạng).

Để tìm hiểu cụ thể các chương trình tiếng Anh đang tồn tại hiện nay trên địa bàn Hà Nội, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và được biết:

"Chương trình tiếng Anh liên kết được nghiên cứu, thẩm định, thí điểm báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép triển khai chính thức từ năm học 2008 - 2009.

Các chương trình được Bộ cấp phép gồm chương trình tiếng Anh Phonics, Victoria và Bình Minh;

Một số chương trình do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thẩm định, cấp phép như Washington, Việt Úc, Language Link, Appolo, DynEd..."

Ngoài các chương trình mà ông Phạm Xuân Tiến đã trao đổi kể trên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ở Hà Nội còn có thêm các chương trình E – Connect ; E-Study và Family&Friends...

Như vậy, đang có hơn chục chương trình tiếng Anh liên kết được giảng dạy ở Hà Nội.

Nói về nội dung các chương trình, ông Phạm Xuân Tiến giới thiệu tổng quát như sau:

"Chương trình liên kết sử dụng cùng hệ thống sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo kèm tài liệu bổ trợ nên học sinh được học theo cùng chủ điểm chủ đề.

Qua học tập tiếng Anh Liên kết sẽ giúp các em học sih phát triển đồng đều cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết.

Chương trình liên kết còn hỗ trợ tốt về mặt cơ sở vật chất cho các nhà trường và các kỳ thi tiếng Anh,

kỳ thi Olympic tiếng Anh, cung cấp hệ thống format đề Cambridge, ETS, LL,… để kiểm tra đánh giá chuẩn theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Sở Giáo dục".

Chúng tôi đã rất nỗ lực tìm hiểu thông tin về các chương trình nhằm làm rõ hiện tiếng Anh liên kết đang dạy cái gì, giáo trình nào, nguồn gốc ở đâu...?. Tuy nhiên, gần như mọi thông tin rất khó tiếp cận và luôn bị che giấu bởi nahf trường và các doanh nghiệp.

Đơn cử, chương trình của Language Link Việt Nam, có mức thu tiền cao nhất 6 triệu đồng/học sinh/năm học nhưng để một phụ huynh muốn tự tìm hiểu về nội dung chương trình học cái gì thì gần như không thể.

Ngay cả trên web site llv.edu.vn được cho là của công ty Language Link Việt Nam (62 Yên Phụ, Hà Nội) cũng chỉ có một đoạn quảng cáo mơ hồ về chương trình này, cụ thể như sau:

"Chương trình mang tính liên thông từ bậc Tiểu học đến Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông.

Kết thúc mỗi cấp học, học viên có thể tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế phù hợp với trình độ...

Nội dung học tập được thiết kế theo tiêu chuẩn của Đại học Cambridge (nước Anh) và khung tham chiếu châu Âu (CEFR)".

Cũng như chương trình Language Link, chương trình tiếng Anh DynEd (Dynamic Education) của Công ty TNHH E&D (trụ sở Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội) thông tin mờ nhạt không kém.

Trên một số trang truyền thông, DynEd được giới thiệu là chương trình tiếng Anh đa phương tiện có nguồn gốc từ Mỹ.

Từ năm 2006, chương trình này đã được thử nghiệm tại trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và hiện được nhân rộng gần 40 trường học ở tất cả các cấp tại Hà Nội.

Thông tin về chương trình tiếng Anh Victoria của Công ty Cổ phần Giáo dục và Đào tạo Victoria (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chẳng khác là mấy so với hai chương trình trên.

 
Phụ huynh thật khó khăn để giám sát chất lượng dạy và học ngoại ngữ (ảnh minh họa -  Trinh Phúc, chụp từ video tiết dạy mẫu của một chương trình tiếng Anh liên kết trên Internet).

Trên trang web Victoria.vn không đưa một lời giới thiệu nào về giáo trình tiếng Anh Victoria.

Thông tin về chương trình tiếng Anh Washington của Công ty tư vấn và đào tạo giáo dục ETC (Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng trong tình trạng tương tự.

Ở trang washingtonenglish.edu.vn chỉ giới thiệu đơn giản như sau:

"Chương trình được xây dựng theo chương trình học của trường Inlingua Washington Mỹ dành cho học sinh từ 5-7 tuổi sẽ giúp học sinh làm quen và xây dựng nền tảng kiến thức tiếng Anh.

Sách học và bài học phụ trợ đều được chuyển từ Inlingua Washington D.C về trung tâm Anh Ngữ Washingtonenglish tại Hà Nội".

Tiếp tục tìm hiểu thêm về nội dung các chương trình chúng tôi vào trang E-connect.edu.vn, của Trung tâm ngoại ngữ E - Connect (số 3 Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội) và tại đây chúng tôi còn không thể biết được hiện E - Connect dạy cái gì.

Hay như chương trình Family & Friends thì được giới thiệu đơn giản là bộ giáo trình tiếng Anh Tiểu học gồm ba cấp độ thiết kế đáp ứng khung chương trình tiếng Anh 4 tiết/tuần của Bộ Giáo Dục – Đào Tạo Việt Nam.

Các chương trình Phonics, Victoria;, E-Study cũng rất ít thông tin nên phụ huynh học sinh không thể tự tìm hiểu về nội dung chương trình.

Cố tìm hiểu thêm về thông tin, chúng tôi vào trang web của các nhà trường có liên kết ngoại ngữ như Trường Tiểu học Đăng Trần Côn A (Thanh Xuân, Hà Nội);

Trường Tiểu học Dịch Vọng A, (Cầu Giấy, Hà Nội); Trường Tiểu học Nam Thành Công, (Đống Đa, Hà Nội)...
Kết quả cũng không khá hơn vì thông tin về chương trình tiếng Anh liên kết gần như không được đề cập đến trên web site.

Giao phụ huynh giám sát chương trình chẳng khác nào thách đố

Việc cố tình không đưa thông tin về giáo trình, sách vở, tài liệu đang cho thấy có những bất ổn tồn tại trong giảng dạy tiếng Anh liên kết hiện nay.

Chị Nguyễn T.P, có con học ở Trường Tiểu học Lê Lợi, Hà Đông cho biết:

"Không phải chúng tôi không quan tâm đến con cái nhưng muốn theo dõi con học cũng không biết thực hiện bằng cách nào.

Vì, sách vở của các cháu đều để lại trường sau mỗi buổi học. Các con không được mang sách vở về nhà. Dạy học giờ không khác nào giấu diếm phụ huynh học sinh.

Nếu như các môn Toán, Văn không cho mang sách vở về nhà thì còn mua giáo trình ở hiệu sách.

Còn tiếng Anh liên kết muốn đi mua bên ngoài cũng chịu.

Đến giờ con tôi học hai năm trời rồi nhưng tôi vẫn không thể biết cháu nó học chương trình gì, giáo trình như thế nào".

Anh Uông V.H, có con học ở Trường Tiểu học Đặng Trần Côn A chia sẻ:

"Nói thực tôi không thể biết cháu nó học kiểu gì.

Bây giờ muốn biết con học hành như thế nào thì chỉ còn cách là đi dự giờ lớp học.

Nhưng thời gian, công việc của phụ huynh như chúng tôi không cho phép lúc nào cũng giám sát như vậy được".

Liên quan đến việc giám sát chương trình tiếng Anh liên kết, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đánh giá rất cao vai trò của phụ huynh trong giám sát hoạt động liên kết ngoại ngữ.

Cụ thể, theo ông Tiến:

"Phụ huynh trên tinh thần tự nguyện, đồng thuận sẽ tự lựa chọn các chương trình phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của phụ huynh.

Tất nhiên là các đơn vị đã được Sở thẩm định về chương trình.

Việc quản lý chất lượng các chương trình là một quá trình liên tục với sự tham gia giám sát của Nhà trường, Phụ huynh học sinh, Phòng giáo dục các quận huyện, Sở giáo Dục dục và Đào tạo và cả các em học sinh (ở một số cấp học lớn hơn).

Trên cơ sở lấy ý kiên phản hồi của các bên tham gia (nêu trên) sở sẽ quyết định về việc có cho các cơ sở được tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo hay không, cũng như đưa ra các hình thức sử lý nếu có các vi phạm".

Tuy nhiên, với những gì chúng tôi nắm bắt được, phụ huynh học sinh đến cuốn sách tiếng Anh của các em cũng không biết hình thù ra sao thì làm cách nào để giám sát.

Quá trình tìm hiểu về dạy tiếng Anh liên kết, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam còn phát hiện ra một điều rất lạ.

Càng lên các cấp học cao hơn thì học sinh tham gia học liên kết tiếng Anh càng ít đi.
Nếu như ở bậc Tiểu học có trường lên đến hơn 20 lớp tham gia học liên kết tiếng Anh.

Nhưng sang các bậc Trung học Cơ sở giảm xuống còn chưa đến 10 lớp và đến Trung học Phổ thông gần như không còn tồn tại.

Vậy có hay không việc khi học sinh càng lớn, càng có khả năng tự đánh giá chương trình tiếng Anh liên kết thì lúc đó hứng thú với học tiếng Anh liên kết đã không còn?

Tác giả bài viết: Trinh Phúc

Nguồn tin: