Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tài sản của những người giàu nhất Việt Nam có bao nhiêu?

Trong danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt, xuất hiện những cái tên mới. Và để được xếp vào hàng đại gia này, giá trị cổ phiếu tối thiểu phải là 2.237 tỷ đồng
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là kết thúc năm 2016. Đây cũng là thời điểm bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán sẽ được công bố.

Năm 2016 này, bảng xếp hạng này có khá nhiều biến động, đặc biệt là ở vị trí top 10. Nhiều cái tên mới xuất hiện trong nhóm và cũng có một vài cái tên bị tụt hạng so với năm 2015.

Tính đến hết phiên giao dịch ngày hôm nay, 21/12/2016, ghi nhận vị trí đứng đầu bảng xếp hạng là ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, cổ đông chiến hơn 65% cổ phần của CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS).

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/12, tổng tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết đạt gần 30.938 tỷ đồng. Nguyên nhân là do trong gần 1 năm qua, ông Quyết đã tích cực mua vào rất nhiều cổ phiếu của FLC cũng như ROS.

Mặc dù FLC giảm 2.840 đồng nhưng ROS lại tăng đến 98.100 đồng mỗi cổ phiếu nên tính chung, tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết vẫn tăng 30 nghìn tỷ đồng so với năm 2015.

 
Ông Trịnh Văn Quyết
 
Trong khi đó, gần 1 năm qua, mã cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup do tỷ phú Phạm Nhật Vượng nắm giữ lại có mức giảm nhẹ.

Theo đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 31/12/2015, VIC đứng giá 45.700 đồng/cổ phiếu nhưng đến 21/12/2016, VIC chỉ còn 41.400 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, tài sản của ông đạt 29.976 tỷ đồng.

Ông Vượng nắm vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt từ năm 2010. Tuy nhiên, trước sức tăng mạnh mẽ của ROS, ông Vượng phải rời bỏ vị trí này, nhường lại cho ông Trịnh Văn Quyết.

Tuy nhiên, do mức chêch lệch về tài sản của ông chủ FLC và Vingroup trên sàn chứng khoán khá "mong manh" nên ngôi vị này trong hơn 1 tháng đã đổi chủ 3 lần.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng
 
Hiện tại, vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng thuộc về ông chủ Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long. Gần 1 năm qua, ông Long có thêm 2.381 tỷ đồng nhưng vẫn bị tụt 1 bậc so với năm 2015 vì sự bứt phá quá mạnh mẽ của doanh nhân đến từ Vĩnh Phúc Trịnh Văn Quyết.

Vợ ông Long là bà Vũ Thị Hiền năm nay cũng vẫn duy trì được ở vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng với tổng tài sản khoảng 2.237 tỷ đồng.

 
Ông chủ Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long
 
Vị trí thứ 4 và 6 hiện tại là 2 đại diện đến từ Vingroup, bà Phạm Thu Hương - vợ ông Vượng và bà Phạm Thúy Hằng - em vợ ông Vượng. Như vậy, có đến 3 cái tên trong top 10 là đến từ Vingroup. Tổng tài sản của 3 thành viên này ước tính đạt khoảng 38.594 tỷ đồng.

Ông chủ Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài năm nay tăng 2 bậc với tổng tài sản là 3.581 tỷ đồng. Trong năm qua, cổ phiếu do ông Tài nắm tăng mạnh, từ mức78.500 đồng lên 155.700 đồng.

So với bảng xếp hạng top 10 năm 2015, có khá nhiều cái tên mới xuất hiện là ông Đỗ Hữu Hạ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (HHS), Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy. Ông Hạ đã gom khá nhiều cổ phiếu HHS nên đã tăng thêm 16 bậc, từ vị trí thứ 23 lên vị trí số 7 với tài sản đạt 2.716 tỷ đồng.

Hai cái tên khác gồm bà Trương Thị Lệ Khanh Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn và ông Trần Lê Quân - Thành viên HĐQT độc lập CTCP Đầu tư Thế giới Di động. Bà Khanh và ông Quân năm nay đều tăng 5 bậc từ thứ 13 lên vị trí thứ 8, và từ số 14 lên số 9 với tài sản lần lượt là 2.616 và 2.256 tỷ đồng.

Người ở vị trí thứ 4 năm ngoái là ông bầu Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai và Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đã biến mất khỏi top 10, hiện đứng ở vị trí thứ 13 với 1.951 tỷ đồng do trong năm 2016, cả 2 doanh nghiệp ông Đức làm chủ đều gặp khó khăn trong vấn đề tài chính, kéo theo giá cổ phiếu giảm sâu.

 

Tác giả bài viết: Pha Lê

Nguồn tin: