Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bất ngờ lộ hợp đồng ‘khủng’ mua ‘cụ’ sưa 200 tuổi giá 49 tỷ

Một bản hợp đồng mua bán “cụ” sưa 200 tuổi với giá 49 tỷ được ký kết giữa lãnh đạo thôn Đông Cốc với “nữ đại gia” năm 2014 “lộ diện” khiến chính quyền “đau đầu”.
► Thực hư cây sưa 200 tuổi giá 50 tỷ: Cuộc 'hỗn chiến' đổ máu
► Chuyện các cụ già thay nhau bảo vệ ‘cụ’ sưa trăm tỷ… cụt đầu!
► Chuyện ly kỳ quanh hai 'cụ' sưa có giá 150 tỷ ở Hà Nội

Khi cuộc đấu giá “cụ” sưa 200 tuổi ở đình làng Đông Cốc (thôn Đông Cốc – xã Hà Mãn – Thuận Thành – Bắc Ninh) với giá là 24,5 tỷ đồng thành công và sắp sửa hạ giải thì một bản hợp đồng mua bán khác liên quan đến “cụ” sưa này với giá 49 tỷ đồng đã bất ngờ “lộ diện” vào phút “chót” khiến chính quyền địa phương cũng bất ngờ.

Theo tài liệu do lãnh đạo UBND xã Hà Mãn cung cấp, bản hợp đồng mua - bán cây sưa 200 tuổi được ký kết vào giữa tháng 3/2014.


Cây sưa 200 tuổi ở đình làng Đông Cốc (Hà Mãn - Thuận Thành - Bắc Ninh) được bảo vệ nghiêm ngặt.

Theo bản hợp đồng mua – bán này, đại diện bên A (bên bán) là ông Nguyễn Văn Ngư – Trưởng thôn Đông Cốc thời điểm đó cùng 9 người khác gồm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Mặt trận, Kế toán, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, Trưởng ban Quản lý di tích, Thủ từ, đại diện các cụ cao tuổi cùng 19 người khác tham gia ký vào biên bản.

Bên B (bên mua) là bà Nguyễn Thị Hợp (SN 1950, ở TP. Bắc Ninh). Theo hợp đồng mua bán này giá cây sưa 200 tuổi được bên A bán cho bên B là 49 tỷ đồng.

Biên bản kèm theo 7 điều với các nội dung như: Bà Hợp phải lo toàn bộ giấy tờ, thủ tục về xin phép, khai thác cây sưa. Sau khi ký kết hợp đồng xong nếu có quyết định cho phép hạ giải của UBND tỉnh Bắc Ninh thì bà Hợp phải đặt một khoản tiền tự thỏa thuận cho địa phương… Đặc biệt, tại điều 5 trong bản hợp đồng có nêu: “Trong khi thực hiện hợp đồng nếu bên nào tự ý thay đổi hợp đồng hoặc tự ý thanh lý mà không có sự thống nhất thông báo của 2 bên thì bên nào vi phạm bên đó phải bị phạt hoặc bị khởi kiện ra tòa kinh tế. Mức phạt tương ứng với 1/3 giá trị hợp đồng này…”.

Hợp đồng mua bán cũng nêu: “Sau khi ký kết hợp đồng chờ giấy phép hạ giải của UBND tỉnh, nếu bên nào có lý do thay đổi người chủ thực hiện hợp đồng, hoặc vì một lý do nào đó thay đổi thì người được chỉ định của 2 bên được phép thực hiện hợp đồng này”.

Nói về hợp đồng “khủng” này, lãnh đạo UBND xã Hà Mãn cho biết, trước đây chưa từng hay biết và chỉ đến khi việc đấu giá cây sưa thành công, chuẩn bị đến thời điểm cho người trúng đấu giá hạ giải, khai thác thì chính quyền mới “bất ngờ”.

Ông Nguyễn Văn Hiến – Chủ tịch UBND xã Hà Mãn nói: “Sau khi đấu thầu giá cây sưa 24,5 tỷ thành công. Dự kiến ngày 22/9, địa phương sẽ cho bên trúng đấu giá hạ giải, khai thác cây sưa thì chiều 21/9, tại cuộc họp thông qua kế hoạch khai thác bà Hợp đã bất ngờ xuất hiện bản hợp đồng đã ký với thôn”.

Lãnh đạo xã Hà Mãn cho biết, cuộc họp sau đó phải dừng lại vì trong hợp đồng mà bà Hợp trưng ra có chữ ký của số đông. Bà Hợp cũng khẳng định rằng sẽ mua cây sưa như hợp đồng đã thỏa thuận.

Đến ngày 3/10, một cuộc họp giữa cấp ủy và ban quản lý thôn, tổ hội đồng, lãnh đạo xã, ban ngành đoàn thể và bà Hợp diễn ra để xem phía “nữ đại gia” có thực mua cây sưa không? Và nếu mua thì trong vòng 10 ngày, bà Hợp phải cắm cọc 2 tỷ đồng, trong vòng 1 tháng phải nộp đủ số tiền còn lại.

Bà Hợp với lý do ngày 13 xấu ngày xin cho đến ngày 19/10 thì nộp tiền và đến ngày 30/10 sẽ nộp hết. Tuy nhiên, dù đến hạn đã hứa bà Hợp vẫn không nộp.

Lúc này, ông Ngư (nguyên trưởng thôn) đến xin gia hạn đến ngày 30/10, tiếp đó xin đến 9/11. Vì không thấy “nữ đại gia” thực hiện lời hứa nên đến ngày 11/11, UBND xã đã xác định bà Hợp không thực hiện nên hủy hợp đồng mà thôn ký với bà này.

Vị Chủ tịch UBND xã Hà Mãn cho rằng, bà Hợp làm hợp đồng này để ai vào mà trúng giá thì phải qua tay bà Hợp.

Chủ tịch UBND xã Hà Mãn cũng cho rằng, lý do khiến tình hình địa phương phức tạp cũng bắt nguồn từ bản hợp đồng này.

“Nếu không có hợp đồng đó thì không bao giờ có sự việc như thế này”, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn nói. Đồng thời cho hay, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra vụ việc.

Liên quan đến vụ việc, UBND xã Hà Mãn cũng đã có công văn số 19/BC-UBND gửi đến UBND huyện Thuận Thành cho rằng, có một số đối tượng lợi dụng hợp đồng giữa thôn và vị "nữ đại gia" để gây mất an ninh, chia rẽ nội bộ... UBND xã đề nghị UBND huyện, Công an huyện Thuận Thành xử lý các cá nhân liên quan trong việc ký hợp đồng này.

Đấu giá bán gỗ sưa là phạm luật?

Theo danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ, cây sưa (huê mộc vàng) có tên khoa học là Dalbergia tonkinensis thuộc nhóm 1A nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

Việc khai thác chỉ được nhằm mục đích nghiên cứu khoa học (kể cả để tạo nguồn giống ban đầu phục vụ cho nuôi sinh sản, trồng cấy nhân tạo), quan hệ hợp tác quốc tế.

Như vậy, mọi hành vi mua, bán cây sưa là vi phạm điều cầm của pháp luật. Và vì vi phạm điều cấm của pháp luật nên hợp đồng mua bán cây sưa ở cổng đình thôn Đông Cốc, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh không có giá trị thực hiện.

 
Người thực hiện hành vi mua bán cây sưa có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội buôn bán hàng cấm theo Điều 155 Bộ luật Hình sự.

Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm như sau:

1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng hoá mà Nhà nước cấm kinh doanh có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại các điều 153, 154, 156, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

c) Có tổ chức.

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức.

d) Có tính chất chuyên nghiệp.

đ) Hàng phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc thu lợi bất chính rất lớn.

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc thu lợi bất chính đặc biệt lớn, thì bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội)

(Còn nữa)

Tác giả bài viết: Nhất Nam

Nguồn tin: