Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và một thời 'ba chìm bảy nổi'

Quan điểm “không nên nóng nội” trong cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam của ông Nguyễn Văn Linh trước ĐH VI chưa được Trung ương chấp nhận. Ông ra khỏi Bộ Chính trị, lần lượt phụ trách công tác dân vận, công đoàn…
Người nắm giữ 'chìa khoá' Đổi mới
► Công cuộc 'sắp xếp lại giang sơn' trước đại hội Đổi mới 1986
► 
Những chuyện 'cười ra nước mắt' thời tem phiếu

 

Đại hội VI của Đảng diễn ra tại Hội trường Ba Đình. Ảnh: TTXVN

Với kinh nghiệm công tác liên tục 50 năm ở Ban Tổ chức Trung ương (từ 1956 đến 2005), ông Nguyễn Đình Hương cho hay, để chuẩn bị cho các Đại hội toàn quốc của Đảng, bên cạnh việc xây dựng văn kiện thì chuẩn bị nhân sự là khâu quan trọng và được quan tâm nhất, đặc biệt là câu hỏi: “Ai sẽ đảm nhiệm cương vị Tổng bí thư?”.

Hai tháng trước khi diễn ra Đại hội VI, tại một Hội nghị của Bộ Chính trị, Tổng bí thư Trường Chinh nhấn mạnh: Bố trí đúng cán bộ lúc này trước hết phải căn cứ vào quan điểm của cán bộ đó; phải là cán bộ có năng lực và phẩm chất tốt. Năng lực, phẩm chất hiện nay phải thể hiện trước hết ở sự đổi mới tư duy và ở khả năng, triển vọng tiếp thu cái mới, đóng góp tích cực và có hiệu quả vào việc làm chuyển biến tình hình.

“Cho đến lúc này, nhân vật được quy hoạch để trở thành người cầm lái số một là ông Nguyễn Văn Linh. Nhưng chưa phải trên dưới đã thống nhất hoàn toàn mà vẫn còn ý kiến khác nhau”, ông Hương nhớ lại.

Theo lời kể của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Trong thời gian chuẩn bị nhân sự, một số lãnh đạo địa phương lặn lội từ miền Nam ra, tới xin gặp Tổng bí thư Trường Chinh để “năn nỉ” ông tiếp tục làm thêm một nhiệm kỳ nữa.

“Bối cảnh trước thềm Đại hội VI, ông Trường Chinh với uy tín của một nhà cách mạng thuộc thế hệ khai quốc công thần và đặc biệt là tư duy đổi mới rõ ràng, nên nhiều người muốn ông ở lại để chèo lái, ít nhất là trong một, hai năm đầu sau Đại hội”, ông Hương nói.

Ông Nguyễn Đức Tâm (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương từ 1980 đến 1991) cho biết thêm, giai đoạn này còn có ý kiến đề nghị ông Lê Đức Thọ làm Tổng bí thư.

“Một lần tôi nói riêng với anh Sáu Thọ, tình hình khó khăn quá, anh nên nhận chức Tổng bí thư đi, dễ thống nhất ý kiến hơn. Anh Thọ gạt đi và nói: Mình đã nhiều tuổi rồi, sức khoẻ cũng kém, để đồng chí khác làm tốt hơn”, ông Tâm kể và cho hay ông Lê Đức Thọ với cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng tiểu ban nhân sự Đại hội VI đã kiên trì giữ ý kiến để ông Nguyễn Văn Linh làm Tổng bí thư.



Hai lần làm Bí thư Thành ủy TP HCM


Từ năm 1975 đến năm 1986, ông Nguyễn Văn Linh đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, mà như có lần ông nói, đó là thời kỳ "ba chìm bảy nổi trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi". Ông hai lần làm Bí thư Thành uỷ TP HCM tổng cộng hơn sáu năm.

Lần thứ nhất, ông lãnh đạo TP HCM trong hai năm 1977-1978 đầy sóng gió và cam go, rồi được điều về Trung ương làm Trưởng ban Cải tạo công thương nghiệp miền Nam.

Ông chủ trương không nóng vội, không nên áp dụng ngay phương thức cải tạo xã hội chủ nghĩa với nông nghiệp miền Nam như ở miền Bắc, ép buộc người nông dân phải vào hợp tác xã hay tập đoàn sản xuất, bởi hàng trăm năm nay bà con chỉ quen sản xuất theo lối cá thể, quen với mảnh ruộng mà mình đã đầu tư chăm bón qua nhiều đời.

Hồi đó, gia đình ông Linh ở 117 đường Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng), đối diện  cửa hàng lương thực, hằng ngày hễ mở cửa nhìn sang là thấy cảnh từng hàng người đứng chầu chực mua gạo. Ông rất buồn và day dứt tự hỏi: "Miền Nam là vựa lúa mà giờ đến nỗi này là vì sao?".

Quan điểm “không nên nóng nội” trong cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, cả trong nông nghiệp cũng như công thương nghiệp của ông Nguyễn Văn Linh lúc bấy giờ chưa được Trung ương chấp nhận. Ông ra khỏi Bộ Chính trị, lần lượt phụ trách công tác dân vận, công đoàn…

Tháng 12/1981, ông được Bộ Chính trị phân công trở lại làm Bí thư Thành ủy TP HCM. Trên cương vị này, ông đóng góp tích cực vào những mũi đột phá và chuyển biến của thành phố những năm đầu thập kỷ 1980.

Cuộc đổi mới thử nghiệm ở TP HCM dưới sự đứng mũi chịu sào của Bí thư Nguyễn Văn Linh thành công, cũng là lúc những sai lầm của cách làm kinh tế theo tư duy cũ được chính thức nhìn nhận, ông Linh trở lại Trung ương, tham gia Bộ Chính trị và là Thường trực Ban bí thư.


Từ phải qua, hai nhà lãnh đạo Nguyễn Văn Linh và Trường Chinh trò chuyện với các thành viên trong ban soạn thảo Văn kiện Đại hội VI. Ảnh: TTXVN

Chuyển giao hạt nhân lãnh đạo

Đại hội VI bắt đầu tiến hành công tác nhân sự trong ngày làm việc thứ ba (17/2/1986). Đúng 11h45, Ủy viên Bộ chính trị Phạm Hùng thay mặt Đoàn chủ tịch phát biểu về việc thể theo đề nghị của các nhà lãnh đạo Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ, Đoàn chủ tịch Đại hội nhất trí tôn trọng quyền không ứng cử vào Trung ương khoá mới của ba vị vì tuổi cao sức yếu.

Cả hội trường đứng dậy vỗ tay kéo dài hồi lâu để tuyên dương công trạng ba nhà cách mạng lão thành. Đại hội nhất trí trao trách nhiệm cho các ông Trường Chinh (79 tuổi), Phạm Văn Đồng (80 tuổi), Lê Đức Thọ (75 tuổi) làm cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Chiều 18/12, ông Nguyễn Đức Tâm thay mặt Đoàn chủ tịch thông báo kết quả bầu cử. Theo đó, toàn thể Ban chấp hành Trung ương khoá mới đã bầu ông Nguyễn Văn Linh làm Tổng bí thư của Đảng.

Giáo sư Phạm Như Cương (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng Viện triết học) kể, trúng cử vào Trung ương tại Đại hội VI, ngay trong phiên họp đầu tiên, tôi có ấn tượng rất sâu sắc với Tổng bí thư mới là ông Nguyễn Văn Linh.

“Hôm đó, ông đứng trước anh em chúng tôi và nói một cách chân tình rằng: Các thế hệ đàn anh đi trước chúng ta đều cao hơn hẳn chúng ta một hoặc nhiều cái đầu. Còn bây giờ, thế hệ chúng ta ở đây với nhau chắc hơn kém nhau chỉ ly lai như sợi tóc. Vì thế, trong quan hệ giữa tôi và các đồng chí cũng như giữa các đồng chí với nhau, phải có thái độ hết sức khiêm tốn, học hỏi lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng gánh vác sự nghiệp nặng nề của Đảng và Nhân dân giao phó. Có như thế thì chúng ta mới hoàn thành trách nhiệm được”.

Theo GS Cương, sau khi Tổng bí thư nói câu đó, không riêng ông, mà hầu hết các thành viên trong Trung ương đều rất hồ hởi, vui mừng trước một không khí dân chủ, chân tình, cởi mở mà Tổng bí thư là đại diện.

Từ lúc này, "người cầm lái số một" Nguyễn Văn Linh đứng trước bộn bề "những việc cần làm ngay".

Với mô hình quản lý kinh tế, xã hội tập trung, bao cấp, Việt Nam trải qua nhiều khủng hoảng. Mùa đông năm 1986, Đại hội VI của Đảng diễn ra từ 15 đến 18/12, Tổng bí thư Trường Chinh ra lời hiệu triệu “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Ông cùng đội ngũ lãnh đạo đất nước đã quyết định “bẻ lái”. Nhân dịp này, VnExpress đăng loạt bài về một thời khó quên trước, trong và sau Đổi mới.

Tác giả bài viết: Võ Văn Thành - Hoàng Phương

Nguồn tin: