Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vụ thừa kế 6 tỷ và nỗi đau của phận đàn bà

“Chị ông yêu cầu chia một phần di sản thừa kế, ý ông sao?”. “Không chia chác chi hết”. “Của cha mẹ để lại mà không chia à?”. “Tui là con trai, thay cha mẹ quản lý đất hương hỏa. Chia hết rồi, ngày đơm tháng kỵ ai lo?".

Người chị: “Nếu hắn không tàn nhẫn với mẹ con tui, thì tui cũng đã có nhà có cửa, chứ mô mà cực khổ như chừ…”

“Trọng nam khinh nữ”

Chiều mùa đông, mưa rả rích. Bà lão đã ngoài tuổi 60 co ro trong chiếc áo cũ kỹ, chậm chạp leo từng bậc cầu thang lên tầng 2 TAND TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Dáng bà gầy guộc. Mái tóc lưa thưa búi sau đầu, ướt nhẹp nước mưa.

Bà là nguyên đơn trong vụ án “tranh chấp chia di sản thừa kế”. Em trai bà, là bị đơn trong vụ án. Khối tài sản cha mẹ để lại là hai thửa đất, theo định giá của tòa có giá trị hơn 6 tỷ đồng (giá thị trường gần chục tỷ).

Khán phòng nhỏ, chật chội. Bà lão chọn ngồi ở chiếc ghế ngoài cùng, mặt ngoảnh ra ngoài cửa. Em trai bà đến tòa cùng vợ con. Họ chọn những chiếc ghế ngoài rìa phía bên kia. Ngăn cách giữa họ là hai chiếc ghế trống. 

Cha mẹ họ có 5 người con. 2 người con trai đã qua đời (một người đã có vợ con), chỉ còn lại hai người con gái và người con trai út. Ngày trước, cha mẹ lập được hai thửa đất. Một thửa hơn 1.000 m2, trên có dựng một ngôi nhà để cả gia đình sinh sống.

Một thửa khác hơn 600 m2, làm nơi trồng rau xanh mưu sinh. Con cái lớn lên, dựng vợ, gả chồng. Con gái lấy chồng, theo chồng ra riêng. Người cha qua đời từ trước năm 1975, nên người con trai út sau khi lấy vợ, sống cùng người mẹ già. 

Năm 2002, người mẹ qua đời, toàn bộ đất đai nói trên, đều do người con trai út quản lý, sử dụng. Một người con gái chồng mất, một thân một mình bươn chải khắp nơi nuôi con. Bà xuôi Nam, ngược Bắc đủ cả, nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn, phải lay lắt thuê nhà ở trọ.

Không có đất đai, nhà cửa, trong khi cha mẹ để lại hai thửa đất, thửa lớn giờ có giá 5,3 tỷ đồng, thửa nhỏ cũng có giá hơn 1,2 tỷ, đều do em út quản lý. Người chị muốn em trai cho mình dựng nhà trên thửa đất nhỏ, để yên bề cuộc sống khi tuổi đã xế bóng, nhưng người em không đồng ý. Thương lượng bất thành, họ đành kéo nhau ra tòa.

Tòa hỏi bị đơn: “Nguyên đơn yêu cầu chia di sản thành 4 phần, ý ông sao?”. 

Bị đơn: “Tôi phản đối. Ba mẹ tôi có 5 người con, một người là liệt sĩ. Ba mẹ tôi, và anh trai tôi mất, đều do tôi thờ phụng, nhang khói. Nếu chia 4 phần, thì việc thờ phụng, nhang khói đó do ai đảm trách?”.

Tòa giải thích, liệt sĩ, người có công với cách mạng, nhà nước đã có khoản tiền trợ cấp hàng tháng cho người thờ cúng. Riêng việc thờ cúng cha mẹ, anh em trong nhà tự giải quyết, không liên quan đến tòa, và không ảnh hưởng đến việc chia di sản thừa kế. Bị đơn tỏ vẻ ấm ức.

Tòa hỏi tiếp: “Nguyên đơn yêu cầu chia cho bà 1 phần di sản, ý ông sao?”. 

Bị đơn: “Tôi không đồng ý. Không chia chác chi hết. Tòa cứ xử theo ý của tòa. Nếu không đúng ý tui, tui đi kháng cáo”.

Tòa: “Của cha mẹ để lại, mà không chia cho chị gái sao?”

Bị đơn: “Nhất định không chia. Tui là con trai, thay cha mẹ quản lý đất hương hỏa. Chia hết rồi, ngày đơm tháng kỵ ai lo? Mẹ bệnh tật, đau ốm, sao không về thăm nuôi, giờ thì chăm chăm đòi chia tài sản?”.

Người chị vẻ tức tối. Bảo em trai ra ngoài toàn nói lời ngon ngọt, chứ mẹ ở trong nhà, chẳng được sống tử tế một ngày. Bà bảo mình mới 11 tuổi, đòn gánh đã đè nặng trên vai. Cả ngày còng lưng làm ngoài đồng, phụ mẹ nuôi em.

“Ổng là con trai út trong nhà. Ngày xưa trọng nam khinh nữ. Toàn tui đi làm nuôi mẹ, nuôi ông. Ông toàn ăn không ngồi rồi, có đâu mà lo cho tui với mẹ”. Rồi bà khóc, bảo em mình ăn ở tệ, mẹ bà đến lúc chết cũng không được no lòng. Thấy hai chị em bêu xấu nhau, tòa yêu cầu chuyện riêng trong nhà không được đem ra nói ở tòa.

“Chia ít, tui kháng cáo”

Theo bị đơn, người cha mất không để lại di chúc. Người mẹ qua đời có để lại di chúc, giao lại toàn bộ tài sản cho ông quản lý thay cha mẹ. Ông không đồng ý việc chị gái yêu cầu chia di sản thừa kế. Ông yêu cầu tòa xử công nhận bản di chúc. Theo bị đơn, bản di chúc gốc đã bị chị gái giấu đi.

Nguyên đơn có nộp tại tòa bản di chúc của mẹ để lại, nhưng chỉ là bản photo và cho rằng mình không giữ bản gốc. Bà cho rằng bản di chúc không hợp pháp, đề nghị tòa không công nhận bản di chúc và yêu cầu tòa phân chia di sản thừa kế. Bà xin nhận thửa đất nhỏ có giá 1,2 tỷ. Thửa đất lớn hơn có giá 5,3 tỷ giao lại cho 3 đồng thừa kế còn lại.

Khi nghe chị chồng nói bà không giữ bản di chúc gốc, người em dâu chồm người lên, bảo chị chồng “ngậm máu phun người”. Còn người em trai đứng phắt dậy thề thốt, bảo nếu ông thật sự không đưa bản di chúc cho chị gái, ông “sẽ xin không nhận thừa kế, xin dọn nhà ra khỏi đất, để lại toàn bộ tài sản cho những người còn lại”.

Người chị cho biết, mẹ bà lập di chúc trước lúc mất những 4 năm, nhưng anh em trong nhà không ai biết. Sau khi mẹ mất, người con trai út mới “chìa” di chúc ra. Theo di chúc, người mẹ giao tài sản cho người con út quản lý, để lo ngày đơm tháng kỵ. Nhưng người mẹ cũng ghi rõ, người con út phải tạo điều kiện, giúp đỡ, san sẻ nếu sau này những người con khác gặp hoạn nạn khó khăn.

“Thay cha mẹ quản lý, chứ đâu phải một mình ôm hết tài sản của cha mẹ. Ham dữ rứa”, người chị nhìn em trai. Người em trừng mắt đáp trả: “Nếu bà không trả lại tờ di chúc, tui không đồng ý chia cho bà cái chi hết”.

Tòa hỏi người chị: “Bà ở đâu?”. “Tôi ở nhà thuê”. “Bà có tài sản gì không?”. “Tôi không có chi hết. Tôi vô sản”. “Bà làm gì để sinh sống?”. “Tui làm thuê làm mướn. Ai thuê gì làm nấy”. Nói đoạn, bà lại nhìn em trai, mắt ươn ướt: “Nếu hắn không tàn nhẫn với mẹ con tui, thì tui cũng đã có nhà có cửa, chứ mô mà cực khổ như chừ…”

Tòa lại hỏi người em: “Theo ông, nguyên đơn có cực khổ không?”. Người em giãy nảy: “Không. Bà không hề cực khổ. Nếu cực khổ sao bà còn có tiền đi thuê luật sư kiện tui”. Người chị cãi: “Luật sư họ giúp không công đó đó. Tiền mô mà tiền”.

Tòa hỏi tiếp: “Nếu người mẹ di chúc giao tài sản cho ông quản lý. Nếu những người khác khó khăn, ông là em, ông có thực hiện di chúc của bà, chia cho các anh chị em khác không?”.

Người em bảo mình không phải là người không có đạo đức. Cũng mấy lần có ý định chia đất đai cho chị và những người khác, nhưng cắt đất thế nào họ cũng không chịu, nên vụ việc mới kéo dài suốt cả chục năm qua.

“Ông chỉ đồng ý chia thửa đất nhỏ mấy trăm mét cho họ phải không?”. “Đúng vậy”. “Ông nghĩ sao mấy trăm mét mà đem chia cho 3 người, còn mình ông giữ hơn 1 ngàn mét vuông, ông không thấy quá đáng sao?”. Bị đơn im lặng.

Phiên tòa ồn ào

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn đề nghị tòa cho phép xét hỏi bị đơn. Bị đơn vùng vằng, bảo luật sư không phải là tòa, ông không trả lời. Theo luật sư, nguyên đơn và bị đơn từng tranh chấp đất đai vào năm 2006, lúc đó cả hai từng nhờ UBND phường hòa giải. Bị đơn cho biết, do chị gái giữ tờ di chúc, rồi yêu cầu ông cắt cho bà 400 m2, bà sẽ giao lại tờ di chúc gốc.

Vì muốn lấy lại tờ di chúc của mẹ, ông đồng ý. Cả hai có làm biên bản thỏa thuận, nhưng vì bà không giao tờ di chúc cho ông, nên ông cũng nuốt lời, không giao đất cho chị gái.

“Trong biên bản làm việc với UBND, ông có ký. Ông nói rằng tài sản ông quản lý thay mẹ, nên không có quyền định đoạt, không có quyền cắt đất cho chị ông phải không?”. Bị đơn bảo lúc đó ông nói vậy để khỏi chia đất cho chị gái.

Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa đưa ra quan điểm xử lý vụ án, đề nghị chia cho nguyên đơn 1/2 thửa đất nhỏ. Người chị nói như gào lên, bảo kiểm sát viên không phải quan tòa, không được tuyên án. “Phải chia cho tui cả thửa đó. Chia ít, tui kháng cáo”, người chị nói.

Bị đơn cũng không vừa, bảo chị gái: “Mẹ để lại tài sản, ủy quyền cho tui quản lý, mà bà kiện tui, là coi như kiện mẹ còn gì. Nếu có tòa án nào xử tội bất hiếu, tui sẽ đi kiện bà, vì bà dám không nghe lời mẹ”.

Sau 1 tuần nghị án, HĐXX nhận định, do người cha mất đã lâu, hết thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế. 1/2 di sản của người mẹ, vẫn trong thời hiệu khởi kiện, nên tòa chấp nhận. Tổng tài sản chia làm hai phần, phần người mẹ là 3,2 tỷ. Người em yêu cầu xem xét công sức bảo quản, gìn giữ tài sản nhiều năm qua của ông, tương đương 30% giá trị tài sản.

Tuy nhiên tòa chỉ chấp nhận 10%. Tòa chia di sản của người mẹ để lại thành 4 phần, mỗi phần hơn 700 triệu. Do người chị yêu cầu lấy thửa đất nhỏ, không lấy tiền, nên tòa chấp nhận 1 phần yêu cầu của bà, chia cho bà 314 m2 đất ở thửa đất nhỏ, có lối đi riêng, tương đương với 622 triệu đồng.

Người em út và những người thừa kế khác phải có trách nhiệm bù số tiền còn thiếu trong kỷ phần cho nguyên đơn. Do những người khác không yêu cầu chia di sản, nên tòa tạm thời giao cả 3 phần còn lại cho bị đơn quản lý. 

Tòa vừa tuyên xong, người chị mặt phừng phừng, bảo: “Chia chi lạ rứa? Miếng đất của người ta, sao cứ cắt năm xẻ bảy ra mà chia. Tui không đồng ý. Khi nào có bản án, tui kháng cáo”. Bên này, người em quay lưng đi một mạch. Thấy người mẹ còn tần ngần đứng lại, cô con gái kéo tay bà, đuổi theo người cha phía trước, bảo: “Đi nhanh nhanh, coi chừng đứng đó lại có đánh nhau to”.

Tác giả bài viết: Hà Lê

Nguồn tin: