Nền công vụ 'thương nhau' khó đánh giá cán bộ
- 15:16 20-12-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Luật quy định 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì phải cho thôi việc nhưng ở ta là nền công vụ thương nhau, hôm trước xếp loại không hoàn thành, hôm sau họp đánh giá lại.
Đây là trăn trở của PGS.TS Ngô Thành Can, Phó trưởng khoa Tổ chức nhân sự, Học viện Hành chính quốc gia tại toạ đàm “Đánh giá và phân loại cán bộ công chức, viên chức sao cho thực chất” diễn ra hôm qua ở Hà Nội.
Nghị định 56 của Chính phủ thực hiện hơn 1 năm qua về đánh giá và phân loại cán bộ công chức, viên chức (CB-CC-VC) là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, đào tạo cán bộ, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển... Tuy nhiên một số quy định về đánh giá chưa sát với thực tiễn.
Nghị định 56 của Chính phủ thực hiện hơn 1 năm qua về đánh giá và phân loại cán bộ công chức, viên chức (CB-CC-VC) là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, đào tạo cán bộ, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển... Tuy nhiên một số quy định về đánh giá chưa sát với thực tiễn.
Ông Ngô Thành Can (giữa) và ông Trương Hải Long
Trong đó có nội dung quy định khi đánh giá CB-CC-VC ở cả 3 mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ đều phải có đề tài sáng kiến được áp dụng và được cấp có thẩm quyền công nhận.
“Đây là quy định bất cập. Viên chức ở một số loại hình còn đo đếm được nhưng công chức đặc thù chuyên môn nặng về hành chính sẽ khó theo dõi. Chưa kể không phải ai cũng được phân đề tài vì phân theo chỉ tiêu, sáng kiến không phải vị trí nào cũng có, do đó gây ảnh hưởng đến quá trình đánh giá, phân loại”, PGS Can chỉ ra điểm bất cập.
Ông Trương Hải Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội vụ chia sẻ thêm, vừa rồi ngành y tế TP.HCM có rất nhiều ý kiến về quy định phải có sáng kiến.
“Nhiều nơi làm quá cẩn thận, có nơi lại quá cẩu thả, tháo khoán cho ai làm cũng được là xu hướng không hay. Bộ Nội vụ đang nghiên cứu sớm trình Chính phủ sửa đổi những bất cập này để sát thực tiễn hơn”, ông Long nói.
Có tâm lý không thừa nhận mình kém
Ông Trương Hải Long dẫn quy định luật Cán bộ, công chức nêu rõ, nếu trong 2 năm liên tiếp công chức không hoàn thành nhiệm vụ thì giải quyết cho thôi việc.
“Mục tiêu cao nhất không phải là loại những cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ ra khỏi bộ máy, mà là nâng cao chất lượng cán bộ qua khâu đánh giá. Đánh giá công chức thời gian qua chưa phản ánh thực chất là do nể nang, người đứng đầu cũng chưa làm hết trách nhiệm, sợ ảnh hưởng thành tích chung. Hơn nữa là do công tác phê bình, tự phê bình của công chức chưa tốt, có tâm lý không chịu thừa nhận mình kém”, ông Long chỉ rõ.
Điều này dẫn tới tình trạng cuối năm ngồi lại đánh giá phân loại thì bắt đầu xuề xoà, dĩ hoà vi quý.
PGS.TS Ngô Thành Can cũng thốt lên: “Con số 99,5% công chức hoàn thành nhiệm vụ làm tôi thấy xấu hổ. Hoá ra đánh giá không đi vào thực chất. Đúng thực chất thì phải tách bạch ra những người làm tốt, người làm bình thường”.
PGS Can cho rằng, trên mọi diễn đàn đều đánh giá, thực chất cán bộ hoàn thành nhiệm vụ chỉ 1/3, 1/3 làm việc bình thường còn lại "sáng cắp ô đi, tối cắp về". Do đó con số báo cáo chỉ 0,5-0,6% không hoàn thành là chưa thực chất.
Ông cho rằng sở dĩ có việc này do nền công vụ ở nước ta là nền công vụ thương nhau, pháp luật không cho phép nhưng thực tế vẫn xảy ra, làm ăn chểnh mảng, không có hiệu quả.
“Một số người làm việc không tốt lắm, cơ quan bình xét không hoàn thành nhưng hôm sau lại yêu cầu họp lại, đánh giá hoàn thành vì sợ ảnh hưởng tới thi đua tập thể”, ông Can phân tích.
Trước câu hỏi việc đánh giá, phân loại cán bộ công chức đều được cấp có thẩm quyền xem xét, nhưng vẫn còn hiện tượng chưa hoàn thành nhiệm vụ được bổ nhiệm, đề bạt, nâng lương. Theo quy định người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm, vậy thực tế đã có ai chịu trách nhiệm về những sai sót này?
Ông Trương Hải Long cho rằng, việc bổ nhiệm cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ như vừa qua là do chưa đảm bảo quy định, chưa kịp thời thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm, chưa có cơ chế kiểm soát đối với người có quyền sử dụng cán bộ, công chức. Đó là yêu cầu đặt ra trong thời gian tới.
Ông Long cho rằng phải đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu, không thể “dĩ hoà vi quý” để phục vụ công tác thi đua khen thưởng. Khi chỉnh sửa, nội dung này sẽ được quy định cụ thể hơn.
Tác giả bài viết: Thúy Hạnh
Nguồn tin: