Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những sự xâm hại quyền riêng tư trên mạng mà người dùng cần biết (P1)

Mark Weinstein, nhà sáng lập của mạng xã hội MeWe vừa công bố một loạt danh sách các hành vi vi phạm quyền riêng tư và bảo mật hàng đầu trong năm 2016. Những điều này sẽ làm cho bạn suy nghĩ lại tất cả mọi thứ bạn sử dụng trực tuyến và chúng ta cần học cách để tự bảo vệ mình.
1. WhatsApp chia sẻ thông tin cá nhân của bạn
 

WhatsApp luôn tự hào về sự riêng tư trước khi nó được bán cho Facebook vào năm 2014.

Gần một năm sau đó, WhatsApp thông báo rằng, theo các điều khoản và điều kiện mới, ứng dụng này sẽ chia sẻ thông tin cá nhân của họ với công ty mẹ, đó là Facebook.

WhatsApp cho rằng những thay đổi này là vì lợi ích tốt nhất của người sử dụng (chống thư rác và tăng giao tiếp kinh doanh với người tiêu dùng).

Tuy nhiên, vào tháng 10 vừa qua, Whats App đã bị ban quản lý quyền riêng tư của Châu Âu cảnh cáo khi chia sẻ dữ liệu người dùng đến Facebook. Thậm chí, các nhà bảo vệ quyền riêng tư tại Châu Âu đã gửi thư đến hãng yêu cầu ngừng ngay hành động chia sẻ này cho đến khi có biện pháp bảo vệ pháp lý thích hợp.

2. Uber theo dõi vị trí người dùng khi họ không mở ứng dụng

 

Năm qua, Uber dính nghi án theo dõi vị trí của người sử dụng ngay cả khi họ không sử dụng ứng dụng. Nhiều người tố giác và cho rằng, Uber đang ngầm theo dõi người dùng.

Uber phủ nhận chuyện này và cho biết đó chỉ là tính năng mới nhằm thu thập và phân tích dữ liệu để cải thiện việc đón khách và khởi hành.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu hãng này bị tố theo dõi người dùng mà đầu năm 2016, Uber cũng đã phải đóng 20.000 USD tiền phạt cho chính quyền thành phố New York khi dính đến một bê bối về việc sử dụng tính năng God View - tính năng theo dõi dữ liệu hành trình của khách hàng khi chưa được sự cho phép của họ.

Mark Weinstein hy vọng rằng hành động như vậy không trở thành tiêu chuẩn.

3. "Cửa hậu" từ các smartphone android đến từ Trung Quốc

Tháng 11 vừa qua, tờ New York Times của Mỹ bất ngờ công bố thông tin hơn 700.000 điện thoại Android đang bán tại Mỹ đã bị cài đặt cửa hậu (backdoor) và bí mật gửi dữ liệu người dùng về một máy chủ đặt tại Trung Quốc.

Đáng chú ý, New York Times cho biết, backdoor được phát hiện đã cài đặt trên các điện thoại Android phần lớn đến từ Trung Quốc. Chúng sẽ liên tục theo dõi người dùng, từ thông tin cuộc gọi cho đến các nội dung liên quan đến tin nhắn văn bản.

Theo các nhà nghiên cứu, cổng hậu bí mật được phát hiện lần này được cố tình đưa vào trong các điện thoại. Tuy nhiên, các nhà chức trách tại Mỹ vẫn chưa thể công bố rằng, các dữ liệu được thu thập cho mục đích nào? mục đích quảng cáo hay là giám sát của chính phủ.

4. Mối nguy từ thiết bị đeo thông minh

 

Năm 2016 đã chứng kiến ​một sự tăng đột biến của những thiết bị theo dõi sức khỏe. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà chúng đem lại, những máy theo dõi này cũng phần nào cho thấy sự thiếu bảo mật về mặt dữ liệu của người dùng.

Dựa theo điều Luật Bảo vệ Quyền Riêng Tư trong lĩnh vực y tế, viết tắt là HIPAA, bảo vệ dữ liệu nhạy cảm về bệnh nhân từ năm 1996. Những quy định này có trước sự ra đời của các thiết bị di động và sự phổ biến của Internet. Bước vào thế kỷ 21, thông tin về sức khỏe của chúng ta đang rất ít được bảo vệ online. Người dùng chia sẻ mọi thứ với những sản phẩm từ các công ty như Fitbit và các công ty này lại bán những thông tin đó cho các nhà quảng cáo.

5. Pokémon Go - dữ liệu của bạn là của hãng

 

Một làn sóng phản đối đang dâng lên về Pokemon Go vì Game này đòi hỏi truy cập toàn bộ tài khoản Google của người dùng trên iOS, bao gồm cả dữ liệu vị trí, email và lịch sử duyệt web nếu người dùng muốn có đầy đủ chức năng của Game này.

Pokémon Go cho biết, họ phải khai thác nơi bạn đi, làm thế nào bạn đến đó và bạn ở lại đó bao lâu. Nhưng tại sao phải đòi hỏi thông tin email của bạn? Điều này có vẻ kỳ lạ và đáng sợ. Các ứng dụng vị trí khác như Foursquare và Tinder cũng làm điều tương tự, như Facebook đã làm. Tuy nhiên, Pokémon Go có thể làm điều đó với một mức độ mà không có ứng dụng nào có thể làm được như vậy trước đây khi game này theo dõi từng bước đi của người dùng, theo nghĩa đen. Đó không phải là loại trò chơi mà chúng ta nhất thiết phải chơi.

Game thì để giải trí rất tốt, nhưng sự riêng tư đằng sau nó và sự riêng tư của bạn thì cần phải lưu ý. Khi game lưu trữ, theo dõi và mở đường cho những mục đích khác thì thực sự đáng lo ngại.

6. Kính Snapchat đang theo dõi bạn

 

Kính giúp chúng ta nhìn mọi thứ rõ nét hơn. Và kính của Snapchat giúp chúng ta khảo sát, ghi nhận và đăng những hình ảnh chúng ta thấy, mà không hề có sự cho phép của những người có trong video. Thậm chí, chỉ cần chạm nhẹ trên kính, giọng nói của ai đó sẽ bị thu âm lại.

Qua đó, nhiều người sẽ nghi ngại về việc thể hiện mình một cách tự do hay bất an nếu họ cảm thấy mình đang bị ghi hình lại mọi nơi mọi lúc.

Không phải ai cũng yêu thích những công nghệ đang "xâm chiếm" và "gây trở ngại" cho cuộc sống con người như vậy.

(Còn tiếp...)

Tác giả bài viết: Phan Tuấn

Nguồn tin: