Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hiệu trưởng giữ quỹ phụ huynh để chi quà cáp cho thầy cô?

Cho rằng do ngân sách hạn hẹp, Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Hợp Lý (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) đã dùng quỹ của phụ huynh để chi quà cáp cho giáo viên và khen thưởng cho học sinh.
Dùng quỹ cha mẹ để khen thưởng học sinh

Theo phản ánh của phụ huynh xã Hợp Lý - một xã còn nghèo của huyện Triệu Sơn, khi nhà trường huy động xã hội hóa (XHH) để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học, người dân đều đồng tình ủng hộ. Nhưng mấy năm gần đây, dù năm học nào đóng góp cũng nhiều nhưng việc đầu tư, tu sửa, mua sắm rất hạn hẹp không tương xứng với những gì phụ huynh kỳ vọng. Không những vậy, việc thu chi không đúng và không minh bạch khiến phụ huynh vô cùng bức xúc. Điều đáng nói là ngay khoản quỹ hội cha mẹ học sinh, Ban giám hiệu trường cũng “đòi” giữ để chi tiêu.

“Khoản tiền quỹ hội phụ huynh mỗi năm đóng 70.000đ/HS, thầy hiệu trưởng cứ khăng khăng đòi giữ. Thầy nói phụ huynh giữ thì phụ huynh tự đi mua giấy khen cho học sinh, nhà trường không có ngân sách để mua. Khi có trường hợp phụ huynh của học sinh mất cũng không thấy thầy dùng quỹ cho đi hỏi thăm hay như cái trống trường rách đã lâu nhưng vẫn cố tình không thay. Khi hỏi thầy thì thầy nói khoản tiền đó chỉ dùng chi cho việc khen thưởng học sinh và quà cáp cho thầy cô thôi chứ không đủ để đi hỏi thăm đến học sinh hay phụ huynh học sinh” - ông Đào Trọng Điệp, phụ huynh học sinh trường tiểu học Hợp Lý kể lại.

 
Tiền quỹ hội cha mẹ học sinh được dùng để khen thưởng

Ông Điệp cũng khẳng định rằng đã nghiên cứu Thông tư 55 của Bộ GD rất rõ và thấy việc sử dụng quỹ này của nhà trường là hoàn toàn trái với thông tư, tiền này phụ huynh phải quản lý và sử dụng, chứ đâu phải nhà trường. Việc chi để quà cáp cho thầy cô và khen thưởng cho các cháu càng không đúng.

“Năm nào chúng tôi cũng đóng tiền XHH xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học nhưng chẳng biết nhà trường làm cái gì mà có mỗi cái trống rách nhiều năm cũng không thay mới được, nhà vệ sinh cho các cháu đã xuống cấp, ẩm thấp. Phụ huynh nhiều năm học kiến nghị sửa chữa nhưng nhà trường cứ hứa hảo rồi để đó. Mấy năm trước thì mức đóng 300-350.000đ còn năm nay HS từ lớp 2 đến lớp 5 đóng 400.000đ. HS lớp 1 do phải tự mua bàn ghế nên đóng 200.000đ” - ông Nguyễn Quốc Thông, Hội phó Hội Cha mẹ học sinh trường tiểu học Hợp Lý bức xúc.

 
Nhà vệ sinh của trường khiến học sinh phải "nhịn" cho đến khi về nhà

Cũng theo ông Thông, khi nhiều phụ huynh phản ánh về cái trống rách nhà trường cũng không chịu thay, năm học 2016 - 2017, đích thân ông phải lên UBND xã nhờ người làm chứng rồi gọi thợ đến sửa trống hết hơn 1 triệu đồng, lúc đó nhà trường mới chịu chi tiền ra trả.

Học sinh phải trả tiền điện, tiền bảo vệ, nợ cũ và tự mua bàn ghế

Bắt đầu bước vào lớp 1, Trường tiểu học xã Hợp Lý thì cứ 2 học sinh sẽ chung tiền mua 1 bộ bàn ghế để ngồi học.

“Nhà trường yêu cầu phụ huynh chúng tôi phải bỏ tiền mua bàn ghế chuẩn để cho con học nhưng khi chúng tôi đề nghị được tham gia đi mua cùng nhà trường thì nhà trường lại không cho chúng tôi đi. Qua tham khảo giá thị trường chúng tôi thấy bộ bàn ghế đó chỉ có giá 750 - 800.000 đồng. Tuy nhiên, hiệu trưởng trường tự một mình đi mua rồi báo giá 1.080.000đ và bắt phụ huynh đóng. Sự không minh bạch của nhà trường khiến chúng tôi không thể không nghi ngờ có sự gian dối trong việc mua bán này” - ông Điệp cho biết.

Không những bắt học sinh phải bỏ tiền ra mua bàn ghế, tại báo cáo kết quả thu - chi từ nguồn đóng góp hỗ trợ cơ sở vật chất của học sinh thì từ năm 2013 đến năm học 2016, Trường tiểu học Hợp Lý lại dùng tiền này chi cho việc thuê bảo vệ, chi trả tiền điện, chi trả nợ cũ… Đây là những khoản chi trái với công văn quy định của Bộ GD-ĐT.

 
Học sinh phải bỏ tiền ra mua bàn ghế để ngồi học

Đặc biệt, ngoài chi trả điện, bảo vệ, tiền hỗ trợ cơ sở vật chất của nhà trường cũng được nhà trường dùng để chi trả nợ cũ do năm nào nhà trường cũng để âm lên đến hàng chục triệu đồng.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trịnh Xuân Lam - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hợp Lý, cho biết: “Phụ huynh nói Ban giám hiệu trường giữ quỹ hội cha mẹ học sinh là đúng tuy nhiên do họ gửi thôi chứ trường không ép. Năm nay, trường sẽ không “giữ hộ” nữa. Còn việc nhà trường dùng tiền quỹ cha mẹ học sinh để chi khen thưởng và quà cáp cho thầy cô do nhà trường còn khó khăn, kinh phí nhà nước rót về còn hạn hẹp. Trường cũng biết chi như thế là không đúng nhưng do khó khăn quá”.

Về chiếc trống rách và nhà vệ sinh xuống cấp nhiều năm không xây mới, ông Lam nói trống mới rách có ít vẫn còn dùng được, nhưng khi phụ huynh có ý kiến nhà trường đã làm mới. Còn nhà vệ sinh thì quá khả năng của trường, việc xây dựng này phải do xã vì nguồn kinh phí rất lớn nếu xây theo quy định của trường chuẩn.

 
Chiếc trống trường rách nát chỉ được thay khi phụ huynh quyết định đứng ra mua

Tại buổi làm việc, rất nhiều các khoản thu - chi trái quy định được PV đặt câu hỏi, tuy nhiên ông Lam trả lời vòng vo và đổ lỗi cho ngân sách cấp hạn hẹp. Trong năm học này, ông Lam cũng bỏ qua việc báo cáo những khoản thu đối với cấp xã và cho đến thời điểm hiện tại, chưa có lãnh đạo xã hay Phòng GD-ĐT ký cho phép những khoản thu tại trường tiểu học xã Hợp Lý nhưng việc thu tiền học sinh đã được diễn ra từ lâu.

Ông Hà Huy Công - Chủ tịch UBND xã Hợp Lý cho biết: "Khi nghe phụ huynh xì xào về các khoản thu - chi của trường tiểu học không ổn lắm nên tôi đã mời đại diện hội cha mẹ học sinh và đích thân hiệu trưởng lên xã đối thoại trực tiếp".

“Tại cuộc đối thoại này, phụ huynh vô cùng bức xúc với nhiều khoản thu - chi của nhà trường như: phụ huynh phải bỏ tiền mua bàn ghế cho các cháu vào lớp 1, việc mua bán không minh bạch của hiệu trưởng, nhà vệ sinh xuống cấp nhiều năm không xây mới, chi tiền sửa cột cờ quá nhiều, trống rách nhiều năm không sửa, đóng tiền mua sách, báo nhưng không thấy có… Chúng tôi đã cho tổng hợp hết các ý kiến, sau đó yêu cầu nhà trường có báo cáo giải trình, nếu khoản nào chi sai không đúng phải trả lại cho học sinh” - ông Công quả quyết.

Cũng theo ông Công: "Nhà trường còn khó khăn, nhà vệ sinh là bức thiết cho các cháu mà đòi làm to, hoành tráng làm gì. Nếu trong năm nay nhà trường không làm được, tôi hứa qua Tết xã sẽ bỏ tiền 1 nửa, XHH một nửa để làm nhà vệ sinh cho các cháu. Còn những bức xúc của phụ huynh mà nhà trường không giải quyết được, xã sẽ báo cáo huyện cho thanh tra về làm việc, chứ không thể để như thế được".

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc!

Tác giả bài viết: Nguyễn Thùy

Nguồn tin: