Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cuộc sống người Mông trên đỉnh Pà Khốm hôm nay đã đổi thay

Bản Pà Khốm (xã Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An) nằm ở độ cao hơn 1000 m so với mặt nước biển. Cư dân bản địa trên đỉnh núi quanh năm sương mù giăng phủ này là đồng bào dân tộc Mông, chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi gia súc lớn, nghề rèn…...
Cuộc sống của đồng bào trên đỉnh Pà Khốm nay vẫn còn nhiều khó khăn với gần 90% hộ nghèo...


Bản Pà Khốm quanh năm sương mù bao phủ

Từ trung tâm xã Tri Lễ nhìn về đỉnh Pà Khốm tưởng chừng sẽ chỉ mất chưa đầy nửa giờ đồng hồ là có thể lên đến bản. Nhưng người dẫn đường quả quyết, để lên đến đỉnh, người bản thượng thì mất hơn 1 giờ đồng hồ, người dưới xuôi leo núi cũng mất vài giờ. Chưa kể, bất chợt cơn mưa rừng trút xuống thì con đường lên đỉnh Pà Khốm sẽ trở nên xa xôi lắm!

Giữa trưa, ánh sáng xuyên lá chiếu xuống trung tâm xã Tri Lễ từng tia yếu ớt, cái lạnh đang len lỏi, mơn man qua từng thớ thịt. Người dẫn đường nói với chúng tôi, lên Pà Khốm giờ này, nếu muốn quay lại trung tâm xã trong ngày thì hơi muộn. Trời đang nắng nhưng phải “phòng thân” bởi buổi chiều tà, Pà Khốm sẽ đổ mưa. Mặc cho người dân bản địa can ngăn, chúng tôi vẫn quyết lên đường…

Đến Pà Khốm nhanh nhất là đi xuyên qua bản Yên Sơn của người Thái. Trên đường đi chúng tôi bị mê hoặc bởi những vườn chanh leo xanh mướt, trĩu quả đang vào mùa thu hoạch; những vườn mét đầy sức sống mọc giữa đại ngàn; tiếng suối chảy róc rách không ngừng… Từng đàn lợn bản, gà đen địa phương tìm ăn cạnh bìa rừng, nghe tiếng động lạ, chốc chốc chúng quay đầu lại dò chừng rồi chạy vụt vào bụi rậm.

Mải nói chuyện, không biết chúng tôi đã qua bao nhiêu đèo dốc, bao nhiêu ngôi nhà cheo leo trên triền núi. Chỉ về ngôi nhà nằm vắt vẻo bên triền núi, một người bản địa giải thích: “Nếu đồng bào Thái thường làm nhà cạnh con nước, người Khơ Mú sống ở lưng chừng đồi thì đồng bào Mông lại chọn những ngọn núi cao nhất để cất nhà. Nhà của người Mông thường được thưng bằng gỗ tấm, lợp bằng những miếng gỗ được đẽo, gọt kỳ công, chủ yếu là gỗ sa mu dầu. Chúng có thể tồn tại dưới thời tiết khắc nghiệt cả hàng trăm năm.

Chúng tôi dừng lại dưới một con dốc lớn, phía trên là một trạm canh gác của Đồn biên phòng Tri Lễ. Người dẫn đường khuyến khích: “Xe máy chạy một chút nữa thôi, vượt qua vài chục con con dao quăng là đã đến Pà Khốm rồi!”

Thấy chúng tôi chưa hiểu, người dẫn đường cười bảo: “Người bản địa khi đi đường rừng thường ước lượng quãng đường bằng việc ném con dao đi rừng. Mỗi lần ném được coi là một đơn vị tính chiều dài. Nhưng cũng lâu rồi, đơn vị con dao quăng không còn thông dụng nữa”.

Chúng tôi dừng chân tại căn nhà nhỏ được lợp bằng gỗ sa mu dầu nằm ngay trên con dốc sương mù chạm đến mái. Và Chá Tồng, chủ nhân căn nhà cho biết, vợ đi lên rẫy, ông ở nhà canh quầy hàng tạp hóa cùng với đứa con nhỏ lên ba. Mặt đứa bé lem luốc, ăn mặc bẩn thỉu, cầm con dao “mẹo” nhọn hoắt, mắt ngây thơ nhìn những người lạ. Có lẽ, cũng giống như cha mẹ chúng, những đứa trẻ này đã học cách cầm dao từ khi còn rất nhỏ.
Một ngôi nhà lợp bằng gỗ sa mu của người Mông Quế Phong

Món ăn duy nhất của khách qua đường khi bước chân đến quán ông Tồng là mì tôm, trứng. Gian hàng của ông, ngoài các loại hàng tạp hóa khác thì có thêm những chiếc dao “mẹo” do chính người Mông bản địa tự sản xuất.

Ông Tồng dẫn chúng tôi ra bếp rèn, nơi trước đây ông từng rèn dao bán kiếm sống: “Ngày trước, ta tìm mua những chiếc nhíp ô tô, tự rèn dao, dùng sừng trâu làm cán. Nhưng giờ người mua nhiều, ta đi mua lại của những hộ khác, mua sừng trâu tự tra cán rồi bán. Vợ và 2 đứa lớn thì lên rẫy, có khi 3-4 ngày mới về”.

Thấy chúng tôi xuýt xoa khen những chiếc dao “mẹo” sắc lẹm, ông Tồng không giấu giếm: “Ngày xưa thôi! Bây giờ, sắt thép rèn dao không tốt lắm nữa. Chỉ những chiếc làm để dùng mới sử dụng nhíp xe ô tô, còn bán ra ngoài thì phải mua sắt thép dưới chợ về rèn. Không tốt lắm đâu!”

Rời quán ông Tồng, tấp xe máy cạnh bìa rừng, chúng tôi leo leo lên đỉnh Pà Khốm thăm trang trại chăn nuôi gia súc của ông Lỳ Nỏ Pó. Phải mất 2 chặng nghỉ chúng tôi mới leo lên đến một khoảng đất trống thoai thoải đầy phân trâu bò. Thấy lữ khách mệt lả, ông Pó động viên: “Sắp rồi! Vượt qua khoảng đất trống này, rồi qua một khoảng đồi thoai thoải nữa, một cánh rừng nữa… là đến trang trại rồi”.


Ông Pó từng là một thợ rèn dao “mẹo” nổi tiếng ở Pà Khốm

Tất cả những gì chúng tôi nhìn thấy ở trang trại này chỉ là một khoảng đất rộng, bằng phẳng, nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng nghèo kiệt, tịnh không thấy bóng dáng đàn gia súc đâu.

Thế nhưng, chỉ khoảng 15 phút, sau khi người đàn ông trạc tuổi ngũ tuần này phát ra âm thanh theo tiếng Mông thì từ tứ phía, đàn gia súc đồng loạt chạy về. Âm thanh long cong phát ra từ những chiếc chuông đeo cổ của gia súc nghe thật vui tai. Cảnh tượng diễn ra chỉ trong chớp mắt, chúng chạy quá nhanh khiến các vị khách miền xuôi chưa kịp trở tay quay, tay máy.

Ông Pó cầm trên tay một bao muối trắng, vừa rải đều trên các tảng đá vừa gãi đầu những chú ngựa khó gần vừa giải thích: “Cách gọi chúng về nhanh nhất là dùng một âm thanh nhất định. Khi chúng về phải có muối để chúng “giải khát”, còn thức ăn thì trong rừng không thiếu”.

Hỏi trang trại có bao nhiêu gia súc, ông Pó gãi đầu rồi dè dặt: “Ờ, ngựa thì cũng 14-15 con chi đó. Trâu bò thì chắc cũng hơn 30 con”.


Những chú ngựa trên “thảo nguyên” Pà Khốm

Cán bộ dự án 30a đi cùng cười giải thích: “Hỏi trâu bò ở trên này, họ có bao nhiêu con cũng giống như hỏi quãng đường thôi! Trâu bò đồng bào thả trong rừng từ năm này qua năm khác, đến khi bò mẹ đem bê con về thì họ mới biết có thêm tài sản mới. Ở đây, họ chỉ biết lúc thả đàn bao nhiêu con, họ tính bình quân mỗi năm trâu bò cái sinh thêm một con, có bao nhiêu trâu bò nái thì khoảng chừng ấy con bê con thôi”!

Nói về tài sản của mình thì không ai khiêm tốn hơn đồng bào Mông: “Ơ! Khôông nhiều mô (đâu-PV)! Mỗi năm ta cũng bán 3- 4 con chi đó, cũng được 50-60 triệu thôi!” – ông Pó cho biết.

“Bản Pà Khốm là 1 trong 23 bản của xã Tri Lễ chưa có điện lưới, có 57 hộ đồng bào dân tộc Mông. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của dân bản đã có nhiều bước chuyển biến những vẫn còn rất nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo gần 90%. Một số hộ đã vận dụng các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, khoanh đất rừng, đồi chăn nuôi gia súc nhỏ. Cả bản có 7 hộ chăn nuôi gia súc lớn với số lượng từ 20-80 con trâu, bò, ngựa” – ông Lữ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ.

Tác giả bài viết: Văn Dũng

Nguồn tin: