Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ: Trách nhiệm, thẳng thắn và tâm huyết

Chiều 14/12, kỳ họp thứ 3 – HĐND tỉnh đã tiến hành phiên thảo luận tại 8 tổ. Với trách nhiệm cao trước cử tri, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN năm 2016 và các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2017, cùng nhiều vấn đề an sinh xã hội mà cử tri quan tâm.
Tại các tổ thảo luận, đại biểu HĐND tỉnh đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng thẳng thắn nêu lên một số tồn tại, khó khăn.

Giải quyết các vấn đề “hậu” thủy điện.

Đại biểu Lô Thị Kim Ngân (Quế Phong), cho rằng: Trong báo cáo kinh tế - xã hội được UBND tỉnh trình bày tại kỳ họp đã nêu “Đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn”; mà một bộ phận này chủ yếu tập trung ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc. Bởi vậy, cần rõ làm rõ kết quả cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành và các địa phương trong việc triển khai các chương trình, dự án; các chính sách giảm nghèo vùng miền núi, dân tộc, kể cả việc giải quyết các vấn đề “hậu” tái định cư thủy điện, nhất là vấn đề tạo sinh kế bền vững cho người dân. Trên cơ sở đó có giải pháp tốt hơn cho để giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc nói riêng.

 
Đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 4

Đại biểu Trần Duy Ngoãn (TX Hoàng Mai) đưa ra một số cụ thể: 3 huyện miền núi của tỉnh có đến 24 dự án thủy điện đã và đang xây dựng, từ đó, đại biểu đặt câu hỏi: Hiệu quả từ dự án điện cho mang lại người được bao nhiêu khi mà người dân sống nhờ con khe con suối thì khe suối giờ đã cạn, nước sinh hoạt, nước sản xuất đều thiếu trầm trọng. Do vậy, đại biểu đề nghị tỉnh phải có đánh giá về tác động của thủy điện đối với cuộc sống người dân miền núi để có sự điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời.
 
Đại biểu Trần Duy Ngoãn: Phải có đánh giá về tác động của thủy điện đối với cuộc sống người dân miền núi

Đại biểu Lữ Đình Thi (Quế Phong) đề nghị tỉnh để lại 10 – 15% nguồn thu từ thủy điện cho địa phương để giải quyết các vấn đề đề khó khăn ở địa phương.

Giải quyết nợ xây dựng cơ bản và nợ xây dựng NTM.

Nhiều đại băn khoăn về vấn đề nợ đọng xây dựng công trình cơ bản. Theo đại biểu Nguyễn Đình Hòa (TP Vinh), nhiều công trình xây dựng cơ bản mặc dù đã hoàn thành thi công nhưng chủ đầu tư (cả cấp tỉnh và cấp huyện) đều chưa cân đối được nguồn trả cho đơn vị thi công, đã làm ảnh hưởng đến năng lực của đơn vị đối với các công trình mới.

Về vấn đề nợ đọng xây dựng NTM, một số ý kiến cho rằng, nợ đọng trong xây dựng NTM còn nhiều và cần phân cấp rõ nợ của từng cấp để có phương án.

 
Đại biểu Hồ Phúc Hợp: Số nợ đọng xây dựng NTM trên thực tế sẽ còn nhiều hơn con số gần 700 tỷ đồng như trong báo cáo

Theo đại biểu Hồ Phúc Hợp (TX Hoàng Mai), số nợ đọng trên thực tế sẽ còn nhiều hơn con số gần 700 tỷ đồng như trong báo cáo, bởi tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn xã đều phục vụ cho mục tiêu xây dựng NTM. Trong xây dựng xã đạt NTM, việc nợ chỉ tiêu và chỉ tiêu đã hoàn thành nhưng sau một thời gian thì giảm chất lượng, BCĐ của tỉnh cần có giải pháp rà soát tiêu chí và có sự điều chỉnh theo sát thực tiễn.
 
Đại biểu tham gia thảo luận tại tổ 1

Đại biểu Nguyễn Văn Thông – huyện Con Cuông cho rằng: Việc thực hiện xây dựng NTM cần tập trung vào 2 nội dung: Thứ nhất, việc xây dựng NTM theo hướng bền vững và ổn định. Các địa phương cần thống nhất, nhận thức lại mục tiêu thực hiện xây dựng NTM, chú trọng dựa vào 3 trụ cột cơ bản gồm: Không ngừng nâng mức sống của người dân; Tạo ra sự tiến bộ vượt bậc về văn hóa ở nông thôn và đảm bảo an ninh trật tự. Thứ hai là thực hiện tốt việc phát triển kinh tế tại các địa phương, trong đó, khuyến khích người dân tham gia vào chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị nông nghiệp có giá trị cao.

Đầu tư phát triển “tam nông” bền vững

Về đầu tư cho nông nghiệp, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời nhưng đời sống của bà con nông dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, hạn hán và cả chất lượng giống, phân bón... Đại biểu Trần Đình Toàn – huyện Thanh Chương đề xuất phải rà soát lại các chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp và phải coi đây là chính sách đầu tư, sử dụng nguồn chi đầu tư phát triển chứ không phải chi thường xuyên; có chính sách hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp, quan tâm tái cơ cấu và hỗ trợ các mô hình sản xuất Nông nghiệp hiệu quả.

 
Đại biểu Trần Đình Toàn: Rà soát lại các chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp

Đại biểu Vương Quang Minh (Yên Thành) nêu thực trạng khó quản lý chất lượng, hạn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tại thị trường miền núi, nông thôn. Do vậy, các ngành chức năng phải “bắt tay” xử lí thực trạng này để đảm bảo an toàn trong sản xuất Nông nghiệp của người nông dân. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ việc một số Doanh nghiệp lợi dụng chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” để tiêu thụ hàng kém chất lượng.

Cùng đề cập đến vấn đề nâng cao đời sống cho người dân miền núi, vùng dân tộc, đại biểu Ngô Đức Thuận (Quỳ Châu) đề nghị tỉnh cần nghiên cứu và ban hành chính sách cho các bản miền núi, vùng dân tộc. Đồng thời sớm xử lý dứt điểm việc thu hồi đất từ các nông, lâm trường để bàn giao cho người dân sản xuất.

Theo đại biểu Phạm Ngọc Hóa (Tân Kỳ), vấn đề điện nông thôn yếu, chập chờn, mặc dù đã được cử tri đề cập nhiều nhưng vẫn chưa được giải quyết. Tỉnh cần kiến nghị Trung ương có giải pháp tháo gỡ chứ không nên ngồi chờ Doanh nghiệp vào cuộc.

 
Đại biểu Nguyễn Như Khôi: Bởi làm theo kiểu chắp vá nên đến bây giờ, ngành điện chỉ mới đáp ứng được khoảng 30% trong việc đầu tư nâng cấp lưới điện.

Cũng về vấn đề nay, đại biểu Nguyễn Như Khôi cho rằng, ngành điện đã không lường được gánh nặng đè lên vai mình khi tiếp nhận hệ thống lưới điện nông thôn. Bởi làm theo kiểu chắp vá nên đến bây giờ, ngành điện chỉ mới đáp ứng được khoảng 30% trong việc đầu tư nâng cấp lưới điện.

Sự cố môi trường Formusa chưa có hướng khắc phục.

 
Đại biểu thảo luận tại tổ 5

Sự cố Formusa tuy không diễn ra trên vùng biển Nghệ An nhưng sự ảnh hưởng của nó đối với ngành chế biến thủy sản, du lịch biển Nghệ An là không hề nhỏ.
 
Đại biểu Võ Thị Dung: Tỉnh không giải pháp cụ thể để giải quyết hậu quả sự cố môi trường biển Formusa

Theo đại biểu Võ Thị Dung (TX Cửa Lò), mặc dù tỉnh đã có chỉ đạo về phát triển du lịch biển rất tốt nhưng khi sự cố môi trường xảy ra thì tỉnh lại không đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết. Là người dân và người đại biểu của TX biển, đại biểu Võ Thị Dung đã không khỏi xót xa về tình trạng ế hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tấn hải sản. Lượng khách du lịch giảm quá nhiều so với mùa du lịch trước khiến mục tiêu tăng trưởng từ du lịch không đạt kế hoạch đề ra.

Cấp phép xây dựng và khai thác: Vừa lỏng lẻo, vừa cứng nhắc.

Nhiều đại biểu thể hiện sự bức xúc khi nhắc lại vụ sập cần cẩu từ công trình chung cư thương mại và biệt thự liền kề Trường Thành 2 đang trong quá trình xây dựng nằm kề Trường THPT Lê Viết Thuật đã gây tử vong một nam sinh của trường. Đặc biệt, đây lại công trình chưa được cấp phép. Câu hỏi mà nhiều đại biểu đặt ra là: Tại sao một công trình lớn như thế lại “qua mặt” được chính quyền sở tại, trong khi người dân xây dựng, sửa chữa nhà cửa, chỉ cần đổ một đống cát là đã có lực lượng chức năng đến kiểm tra.

 
Đại biểu Nguyễn Văn Lư: Công trình chung cư "mọc như nấm" nhưng lại thiếu quy hoạch các hạng mục phụ trợ

Về việc cấp phép khai thác cát sỏi, theo đại biểu Trần Đình Toàn (Thanh Chương), đang có một nghịch lí xảy ra: Trong khi người dân có ý kiến phản đối việc cấp phép thì nhiều Doanh nghiệp mong  muốn được cấp phép khai thác, mà cơ chế cấp phép đòi hỏi 100% ý kiến đồng tình thì mới được cấp phép là quá khó khăn cho Doanh nghiệp. Do đó, cần có sự hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và Nhà nước.

Tình trạng chung cư “mọc như nấm” trên địa bàn TP Vinh nhưng thiếu quy hoạch các công trình phụ trợ cũng được nhiều đại biểu quan tâm và đề xuất xem xét lại quy hoạch chung cư trên địa bàn để lựa chọn dự án đáp ứng đầy đủ các yếu tố của một khu dân cư trong lòng thành phố văn minh, hiện đại.

 
Đại biểu Nguyễn Đình Hòa: Xử lí nghiêm các doanh nghiệp cố tình giữ đất, chờ chuyển giao

Việc tỉnh Nghệ An "mạnh tay"  thu hồi 22 dự án chậm tiến độ, dự án cố tình giữ đất chờ chuyển giao đã được các đại biểu đồng tình cao. Đại biểu Nguyễn Đình Hòa khẳng định: Đây là một việc làm cần thiết. Trong khi nhiều doanh nghiệp có nhu cầu thiết thực về đất để xây dựng lại không còn quỹ đất để bố trí, thì nhiều vùng đất dự án để hoang, cỏ mọc um tùm vừa lãng phí tài nguyên, vừa gây mất mỹ quan đô thị.

Thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường: Trách nhiệm thuộc về ai?

Tại một số tổ thảo luận, các đại biểu bày tỏ sự lo lắng về thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn. Lĩnh vực này liên quan đến nhiều ngành, liệu có hay không tình trạng “đá bóng” trách nhiệm khi thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường.

 
Đại biểu Nguyễn Văn Hải: Phải tăng cường lực lượng và phân cấp cho các huyện để kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm

Đại biểu Nguyễn Văn Hải (Yên Thành) yêu cầu phải tăng cường lực lượng và phân cấp cho các huyện để kiểm soát tốt hơn nguồn hàng hóa phục vụ cuộc sống người dân hàng ngày.

Về quy hoạch các bãi rác thải, một số đại biểu cho rằng chưa có tính  bền vững, lâu dài. Người dân nông thôn, thành thị sống chung với rác là một thực trạng đáng báo động trong khi công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, nhất là môi trường khu công nghiệp, làng nghề, môi trường nông thôn...

Đại biểu Nguyễn Như Khôi - huyện Quỳnh Lưu nêu một dẫn chứng cụ thể: Bãi rác Nghi Yên đang được thực hiện theo một quy trình ngược. Đáng ra nên di dời dân mới xây dựng bãi rác thì đến bây giờ, lúc bị ô nhiễm nặng mới bắt đầu bàn chuyện di dời dân. Trong khi dân ăn cơm phải mắc màn vì ruồi, nước sông Cấm chảy ra Cửa Lò, mùa mưa vừa rồi, cá xung quanh mương đó chết hết vì nước thải quá nhiều.

Bất cập trường học VNEN

Sau một thời gian triển khai áp dụng, mô hình dạy học mới VNEN vấp phải sự phản ứng từ phía phụ huynh học sinh. Tại phiên thảo luận tại tổ chiều 14/12, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo lắng đến tính hiệu quả của mô hình này. Đại biểu Lê Bá Hùng – huyện Yên Thành có ý kiến đề nghị sở Giáo dục và đào tạo cần có tổng hợp, đánh giá hiệu quả một cách chính xác để phản hồi cụ thể cho phụ huynh, học sinh, đặc biệt là đối với bậc THCS đang thí điểm thực hiện. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng cần được chú trọng để giáo viên, phụ huynh, học sinh hiểu, từ đó tạo sự đồng thuận trong việc triển khai mô hình này.

 
Đại biểu Lê Bá Hùng: Cần tổng hợp, đánh giá hiệu quả một cách chính xác để phản hồi cụ thể cho phụ huynh, học sinh bậc THCS đang thí điểm thực hiện VNEN

Về vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Hồng Toan (TP Vinh) cũng bày tỏ sự lo lắng về tính khả thi bởi hiện nay điều kiện cơ sở vật chất tại địa phương chưa đảm bảo, phương pháp thực hiện chưa phù hợp, chất lượng giáo viên chưa đồng đều…gây khó khăn cho việc triển khai mô hình dạy học VNEN.

Tại các tổ thảo luận, các đại biểu cũng tập trung thảo luận các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017. Một số ý kiến cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2017 từ 8 đến 9% là biên độ quá rộng, một số chỉ tiêu giao cho huyện tăng cao so với năm 2016 nên rất khó thực hiện; Cần tinh giản biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước...

 
Đại biểu tham gia thảo luận tại tổ 5

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất một số kiến nghị cụ thể của cử tri các địa phương; Cho ý kiến vào một số dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp; đánh giá về hoạt động của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh, công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh.  

Các ý kiến thảo luận của đại biểu trong phiên thảo luận chiều nay sẽ được tổng hợp và được các ngành liên quan giải trình cụ thể trong phiên thảo luận tại hội trường vào sáng 15/12.

Tác giả bài viết: Thùy Linh – Lê Trang – Minh Quý –Văn Nhân

Nguồn tin: