Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghi Lộc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng Nông thôn mới

Về Nghi Lộc hôm nay, có thể nhận thấy sự đổi thay rõ rệt của một vùng quê anh hùng. Những ngôi nhà cao tầng san sát, những con đường rải nhựa thẳng tắp, trường học được xây dựng khang trang… góp phần làm đẹp thêm cho bức tranh nông thôn mới của huyện nhà.
Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra 2 mục tiêu lớn. Đó là đưa Nghi Lộc trở thành một trong những huyện khá nhất tỉnh và đạt huyện nông thôn mới vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, Huyện ủy đã tập trung vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên thông qua các đợt học tập chuyên đề.
 
Một góc thị trấn Quán Hành

Tại xã Nghi Văn, cấp ủy các cấp đã xác định phải tập trung lãnh đạo và huy động cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Nhiều nghị quyết chuyên đề đã được đề ra và được giao cho mỗi tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện. Nhờ đó, mặc dù là xã miền núi, đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng xã cũng đã có 15 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.

Gia đình ông Nguyễn Xuân Cầm - xóm 5A xã Nghi Văn là một trong những điển hình của phong trào này. Con trai ông, do đi làm ăn xa lâu ngày nên chưa nắm bắt được chủ trương, dứt khoát chỉ hiến đất còn công trình bờ rào 29m thì nhà nước phải đề bù. Phát huy tinh thần gương mẫu của một đảng viên lâu năm, ông Cầm kiên trì vận động. Và rồi, con trai ông đã chấp nhận dỡ bỏ tường bao mà không đòi hỏi đền bù.

 
ĐVTN xã Phúc Thọ ra quân dọn vệ sinh môi trường ven sông Lam

Phương châm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là “Cán bộ, đảng viên bắt tay làm trước để người dân học tập noi theo". Bởi vậy, hơn 8000 Đảng viên của 74 tổ chức cơ sở Đảng đã gương mẫu, đi đầu thực hiện các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhất là trong việc giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường, đóng góp ngày công để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Nhiều xã nhờ phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là các chi bộ cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị. Nhiều hộ dân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển của quê hương đã tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất, tự tháo dỡ tường rào, công trình dân sinh, đóng góp tiền của, công sức để xây dựng NTM.

 
Người dân xã Nghi Kiều làm đường giao thông

Sau gần 5 năm triển khai, toàn huyện đã xây dựng được gần 300km đường được bê tông hóa. Gắn với phong trào đó đã có hơn 8000 hộ hiến đất. Trong đó, có 75.000 m2đất vườn, đất ở và hơn 650.000 m2 đất nông nghiệp. Đồng thời, phá dỡ hơn 10.000m bờ bao, huy động 90 ngàn ngày công để xây dựng NTM. Nhờ đó, đến nay, số tiêu chí nông thôn mới bình quân toàn huyện đạt 15,2 tiêu chí, tăng 10 tiêu chí so với năm 2010; Đến nay, toàn huyện đã có 11 xã: Nghi Xuân, Nghi Thái, Nghi Lâm, Nghi Trung, Nghi Hoa, Nghi Long, Nghi Thịnh, Nghi Hợp, Nghi Trường, Nghi Mỹ và Phúc Thọ được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
 
Mô hình trồng rau hàng hóa cho thu nhập cao ở xã Nghi Long

Đồng chí Phan Sĩ Dương - Bí thư Huyện ủy cho biết: Trong thời gian tới, tiếp tục quan tâm thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực để phát triển để đẩy nhanh tốc độ phát triển và chuyển dịch kinh tế theo hướng tăng cao tỷ trọng khu vực sản xuất công nghiệp, thường mại và dịch vụ. Tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách để phát triển kinh tế biển, kinh tế đồi rừng, kinh tế trang trại của vùng miền núi phía tây và phát triển thương mại dịch vụ ở vùng ven đô, tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 12,5 đến 13,5% năm và nâng giá trị sản xuất bình quân đầu người lên mức 68 đến 70 triệu đồng vào năm 2020. Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới, và đến năm 2020 sẽ có 80 đến 85% xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Tác giả bài viết: Hồng Vinh

Nguồn tin: