Những đầu mối khiến CIA cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ
- 07:48 14-12-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước tại Điện Kremlin. CIA cho rằng ông đã điều tin tặc can thiệp quá trình bầu cử tổng thống Mỹ nhằm giành lợi thế về cho ông Donald Trump. Ảnh: NYTimes
Tuần trước, các viên chức Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đưa ra một cáo buộc gây tranh cãi. Họ nói Nga đã can thiệp quá trình bầu cử Mỹ với mục đích chính là giúp ông Donald Trump trở thành tổng thống, theo New York Times.
Các quan chức Mỹ cho rằng kết luận CIA đưa ra dường như không phải kết quả tình báo mới thu thập sau cuộc bầu cử mà là một bài phân tích tổng hợp những bằng chứng cho thấy Nga đã góp phần đưa cán cân nghiêng về phía ông Trump và thu về kết quả như họ mong muốn.
Chưa rõ vì sao CIA không công bố đánh giá này trước cuộc bầu cử, dù nhiều quan chức Mỹ khẳng định vài phần của nó đã được trình lên Tổng thống Barack Obama trong bản tóm tắt công việc hàng ngày.
Để đáp trả, ông Trump bác bỏ các báo cáo bằng cách trích dẫn một đánh giá tình báo nổi tiếng từ năm 2002 kết luận rằng lãnh đạo Iraq Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời gọi tình báo Mỹ là vụng về và thiên vị.
"Tôi nghĩ nó thật lố bịch. Tôi nghĩ nó chỉ là một cái cớ khác. Tôi không tin điều đó", ông Trump cho biết hôm 11/12 trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News.
Vài nghị sĩ hàng đầu đảng Cộng hòa cũng có ý như vậy, mặc dù với ngôn từ nhã nhặn hơn. Theo họ, không có bằng chứng rõ ràng cho thấy người Nga đã tìm cách giúp ông Trump gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những luồng ý kiến trái chiều. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain đến từ bang Arizona, công khai cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử.
Đại biểu Adam B. Schiff từ California, thành viên hàng đầu của đảng Dân chủ tại Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho hay chỉ cần dựa vào các bằng chứng công khai cũng đủ thấy Moscow đã can thiệp nhằm giúp "ứng viên thân Nga lộ liễu nhất lịch sử".
"Nếu người Nga can thiệp, làm sao họ có thể gây phương hại cho ứng viên thân Nga chứ?", ông Schiff đặt câu hỏi.
Tranh cãi đào sâu đến tận cốt lõi bài phân tích tình báo. Ông Mark M. Lowenthal, cựu nhân viên phân tích cao cấp CIA, cho rằng việc xác định động cơ của các nhà lãnh đạo nước ngoài, trong trường hợp này, lý do khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tấn công mạng Mỹ, là nhiệm vụ quan trọng hơn cả đối với CIA.
Dấu hiệu
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Các quan chức tình báo và tư pháp Mỹ đều đồng tình rằng có rất nhiều dấu hiệu cho thấy hành động tấn công mạng của Nga chủ yếu nhằm mục đích giúp Trump, đồng thời gây tổn hại đến đối thủ của ông, bà Hillary Clinton.
Hồi tháng 7, vụ tấn công máy chủ Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ đã làm lộ các email tai tiếng cùng những tài liệu nội bộ khác trong đảng, kích động một phản ứng dữ dội từ công chúng, dẫn đến việc chủ tịch ủy ban Debbie Wasserman Schultz và các nhân viên hàng đầu phải từ chức.
Vài tuần trước cuộc bầu cử, các email bị hack từ tài khoản của John D. Podesta, quản lý chiến dịch tranh cử cho bà Clinton, bị công bố và làm dấy lên nhiều câu chuyện về nội bộ chiến dịch.
Các quan chức tình báo Mỹ suy đoán Nga cũng xâm nhập cơ sở dữ liệu của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa nhưng quyết định chỉ công khai những tài liệu từ đảng Dân chủ. Tuy nhiên, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa phủ nhận, tuyên bố không có cuộc tấn công nào như vậy.
Các quan chức Mỹ bên cạnh đó cũng dẫn nhiều bằng chứng cho thấy ông Putin và chính phủ Nga ủng hộ ông Trump thay vì bà Clinton.
Năm 2011, ông Putin công khai cáo buộc bà Clinton, lúc bấy giờ đảm nhận cương vị ngoại trưởng Mỹ, kích động các cuộc biểu tình chống đối ở Nga. Một số cựu quan chức chính quyền Obama cho hay khi bà Clinton lãnh đạo Bộ Ngoại giao, bà là quan chức Mỹ tích cực và thẳng thắn nhất trong việc chống lại nỗ lực củng cố quyền lực trong nước và mở rộng ảnh hưởng trong và ngoài khu vực của ông Putin. Bà giữ lập trường đối nghịch với ông Putin trước một loạt vấn đề, bao gồm sự hỗ trợ của Nga với Iran và Syria. Bà Clinton còn từng phát biểu rằng ông Putin cố gắng tái tạo Liên Xô.
Ngược lại, ông Trump và ông Putin thường xuyên công khai tán dương lẫn nhau. Hồi tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Nga gọi ông Trump là người "rất đa màu sắc", "tài năng" và "là ứng viên dẫn đầu trong cuộc đua tới chức tổng thống Mỹ". Đáp lại, nhà tài phiệt New York ca ngợi Tổng thống Nga Putin là "một lãnh đạo mạnh mẽ".
Truyền hình Nga thường mô tả ông Trump như một đối tác tin cậy, thân thiện, tiềm năng, nhưng lại đưa ra những đánh giá gay gắt về bà Clinton, theo NYTimes.
Dù vậy, trong nội bộ chính phủ Mỹ, đặc biệt là Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), vẫn tồn tại những hoài nghi trước câu hỏi liệu mục tiêu thực sự của Nga có phải là giúp ông Trump đắc cử không.
Một quan chức tư pháp cấp cao Mỹ tiết lộ FBI tin rằng phía Nga có lẽ nhắm tới nhiều mục tiêu, chẳng hạn như gây tổn hại cho bà Clinton và phá hoại các tổ chức dân chủ Mỹ, nhưng chưa rõ trong đó có bao gồm mục tiêu đưa ông Trump lên làm tổng thống không.
Chuyên gia nhận định khác biệt trong tuyên bố giữa FBI và CIA có thể phản ánh hai phương pháp điều tra khác nhau trước sự việc. FBI, với vai trò thực thi pháp luật và tình báo, cần những bằng chứng xác đáng, bởi họ hướng đến việc xét xử tội phạm sau cùng. CIA lại nghiêng nhiều hơn về phía thực hiện các đánh giá tình báo.
FBI đã điều tra việc Nga tìm cách can thiệp cuộc bầu cử Mỹ trong suốt mùa hè. Các đặc vụ dò xét rất nhiều mối liên hệ có thể tồn tại giữa Nga và những thành viên thân cận ông Trump, trong đó bao gồm cả các cựu phụ tá cho nhà tài phiệt New York như Paul Manafort hay Carter Page, cũng như một dấu vết trao đổi bí ẩn giữa Trump Organization và một tài khoản email tại ngân hàng Nga Alfa Bank.
Thời điểm cao trào của cuộc điều tra trước bầu cử, FBI tìm ra một số dấu hiệu cho thấy người Nga có thể đang cố gắng giúp ông Trump đắc cử, các nguồn tin am hiểu vấn đề tiết lộ. Cơ quan điều tra đã thu thập chứng cứ trực tuyến và tiến hành phỏng vấn ở nước ngoài cũng như bên trong Mỹ để kiểm tra giả thuyết trên.
Nhưng những nghi ngờ của FBI về một nỗ lực trực tiếp giúp ông Trump từ phía Nga, hoặc về các mối liên kết tiềm ẩn giữa hai phe, dường như suy giảm khi cuộc điều tra tiếp tục vào tháng 9 và tháng 10. Lý do đưa ra không hoàn toàn rõ ràng và các quan chức FBI cũng từ chối bình luận.
Giờ đây, khi tranh cãi đảng phái về vai trò chính xác của Nga trong việc tác động tới cuộc bầu cử bùng phát , ngày càng có thêm nhiều động cơ để cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tiến hành một cuộc điều tra quốc hội, giới quan sát nhận xét.
"Tôi không có ý định tranh cãi về cuộc bầu cử", Thượng nghị sĩ độc lập Angus King từ Maine, một trong những nhà lập pháp kêu gọi điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, nói. "Tôi chỉ muốn ngăn chặn việc này tái diễn".
Tác giả bài viết: Hiếu Phạm
Nguồn tin: