Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh huyện Quỳ Châu - Đôi điều trăn trở
- 10:57 13-12-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quỳ Châu là địa phương nằm trong vành đai văn hóa Phủ Quỳ vốn giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Tập trung nhiều trong di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn bó mật thiết với các hoạt động mang tính chất tâm linh tại các thiết chế tín ngưỡng.
Theo Quyết định số 1017/2003/QĐ-UBND ngày 01/4/2003 của UBND tỉnh Nghệ An về việc Phân cấp quản lý di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An, huyện Quỳ Châu có 14 di tích danh lam thắng cảnh; trong đó giao UBND huyện quản lý 06 di tích gồm di tích Hang Bua, Đền Chiềng Ngam tại bản Hồng Tiến 2 xã Châu Tiến; Cây táo - Mộ đốc binh Lang Văn Thiết tại xã Châu Hội và xã Châu Nga; di tích Thẳm Ồm, Hang Tôn Thạt tại xã Châu Thuận; Đền bà Hưng Án thuộc Thị trấn Tân Lạc. Số di tích còn lại chưa xếp hạng giao cho UBND các xã, thị trấn quản lý gồm: Danh thắng Tạt Ngoi, thác Đũa thuộc xã Châu Hạnh; di tích Bến Mong, Bù Đằng thuộc xã Châu Hội; di tích hang Cỏ Ngụn và núi Phá Xăng xã Châu Bính; di tích Hang Luồng xã Châu Phong.
Lễ Đại tế tại Đền thờ Mường Chiêng Ngam
Năm 2016 Ban quản lý di tích tỉnh Nghệ An đã phối hợp với ngành Văn hóa thông tin thể thao huyện Quỳ Châu kiểm kê các di tích trên địa bàn, ngoài 14 di tích đã kiểm kê trước đây đã phát hiện và bổ sung vào kiểm kê thêm 8 di tích nâng tổng số di tích trên toàn huyện là 22 gồm các thể loại: Loại hình di tích lịch sử 12; di tích thuộc loại hình Khảo cổ học 04; di tích danh lam thắng cảnh 06; trong đó 02 di tích đã xếp hạng cấp Quốc gia đó là: Di tích Hang Bua thuộc xã Châu Tiến, di tích Mộ - Cây táo Đốc binh Lang văn Thiết tại xã Châu Hội và xã Châu Nga; di tích Hang Thẳm Ồm thuộc xã Châu Thuận đủ điều kiện lập hồ sơ xếp hạng cấp Quốc gia; di tích Hang Có Ngụn và núi Phá Xăng thuộc xã Châu Bính; Đền Chiềng Ngam thuộc xã Châu Tiến sẽ làm hồ sơ xếp hạng cấp Tỉnh; các di tích còn lại thuộc các xã Châu Phong, Châu Hoàn, Diên lãm, Châu Bình, Châu Hội, Châu Nga sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung tư liệu. Nhìn chung các di tích đều có giá trị lớn về văn hóa và giá trị lịch sử, danh lam, thắng cảnh có thể khai thác phát huy giá trị giáo dục truyền thống và phục vụ khách tham quan du lịch.
Lễ hội Thăm Ngụn - Núi Fá Xăng do xã Châu Bính tổ chức thu hút đông đảo nhân dân tham gia
Trong những năm gần đây việc quan tâm khôi phục và phát huy giá trị di tích đã được cấp ủy chính quyền quan tâm bằng nhiều hình thức như: Tổ chức lễ hội hàng năm cùng với việc từng bước khôi phục các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tại di tích danh thắng Hang Bua; chỉ đạo xã Châu Bính tổ chức lễ hội hang Có Ngụn và leo núi Phá Xăng cùng với các hoạt động văn hóa truyền thống. Di tích Mộ và cây táo Đốc binh Lang văn Thiết là địa chỉ để các em học sinh khu vực xã Châu Hội, Châu Nga thường xuyên chăm nom và có những giờ học giáo dục truyền thống đầy ý nghĩa. Đặc biệt việc trùng tu, khôi phục Đền Chiềng Ngam tại xã Châu Tiến là một trong những sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy chính quyền trong việc tạo điều kiện để bảo tồn di tích trên trên địa bàn huyện.
Lễ hội Hang Bua hàng năm được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc của đồng bào Thái miền tây Nghệ An
Bên cạnh những mặt chúng ta đã làm được thì còn nhiều trăn trở trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện. Mặc dù đã rất nhiều cố gắng nhưng việc bảo tồn, trùng tu, phát huy các giá trị di tích vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu; ngân sách chỉ đảm bảo một phần kinh phí tu bổ, trùng tu di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia, chưa đủ để thi công đồng bộ dự án tổng thể để khai thác phục vụ du lịch. Cụ thể như di tích Hang Bua sau nhiều năm vẫn chưa thực hiện được cắm mốc quy hoạch do thiếu kinh phí, di tích Đốc binh Lang Văn Thiết vẫn xuống cấp cùng thời gian; hơn nữa tất cả di tích còn lại đều chưa được quy hoạch cắm mốc bảo vệ. Việc phân cấp, xây dựng quy chế quản lý cấp huyện và xã chưa cụ thể, rõ ràng. Trong hệ thống 22 di tích chỉ có 02 di tích thành lập tổ bảo vệ với nguồn kinh phí hỗ trợ với 150.000 đồng /tháng di tích, các di tích khảo cổ học, lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng chưa có người trông coi, bảo vệ nên việc xâm lấn phá hoại nguyên trạng là điều khó tránh khỏi; mặt khác những thành viên làm công tác bảo vệ thì chưa được tập huấn các kỹ năng cơ bản về bảo vệ di tích, chưa đáp ứng được nhu cầu khi du khách đến tham quan.
Khu Cây Táo- Mộ đốc binh Lang Văn Thiết tại xã Châu Hội cần sự đầu tư nhiều hơn nữa.
Để các di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Quỳ Châu tồn tại và phát huy được tác dụng trong việc giáo dục truyền thống trước hết phải tăng cường vai trò quản lý nhà nước từ huyện đến cơ sở; xây dựng quy chế quản lý đối với các di tích phân cấp cho xã, nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng trong công tác bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.Tiếp tục quy hoạch phân vùng bảo vệ để tiến tới thiết kế bản đồ di tích danh lam thắng cảnh trên toàn huyện; chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng hồ sơ tư liệu lịch sử để bảo vệ, hạn chế sự xâm lấn, biến dạng. Hàng năm, huyện nên hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách cho công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích phục vụ du lịch. Đây là một trong những giải pháp thiết thực để thực hiện thành công Chương trình số 10-CT/HU về phát triển văn hóa thông tin thể thao, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch huyện Quỳ Châu, giai đoạn 2016-2020./.
Tác giả bài viết: Lô Thị Hương - Phó Ban TGHU, (Ảnh: Hùng Sơn)
Nguồn tin: