Lãnh đạo trẻ tuổi điều hành chính phủ: Thực tài hay may mắn?
- 07:53 12-12-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine (24 tuổi)
Cuối tháng 10/2016, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine Arsen Avakov ký quyết định bổ nhiệm Anastasia Deyeva làm thứ trưởng cơ quan này. Ở tuổi 24, cô trở thành lãnh đạo bộ trẻ nhất nước, phụ trách thúc đẩy quá trình hội nhập của Ukraine với châu Âu.
Thứ trưởng Nội vụ Ukraine Anastasia Deyeva. Ảnh: Style Insider.
Bộ trưởng Arsen Avakov cho biết Deyeva đã tốt nghiệp hạng ưu tại Đại học Quốc gia Kiev, thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, từng tham gia những dự án quan trọng... Ông cho rằng sự xuất hiện của cô gái 24 tuổi mang đến "làn gió mới" tại một trong những bộ có nhiệm vụ phức tạp như Bộ Nội vụ.
Chính phủ Ukraine đang muốn trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo. Sau cuộc cải tổ nội các hồi tháng 2, phần lớn các bộ trưởng Ukraine khoảng ngoài 30 tuổi. Tại một đất nước tham nhũng cao như Ukraine, nhiều người ủng hộ việc các nhân tài trẻ tuổi thay thế các quan chức già.
Tuy nhiên, quyết định bổ nhiệm Deyeva và một số cán bộ trẻ tuổi khác vấp phải sự phản đối của nhiều người. Họ cho rằng công việc lãnh đạo không dành cho những cô gái non nớt, thiếu kinh nghiệm.
Bộ trưởng Giáo dục Thụy Điển (27 tuổi)
Aida Hadzialic, sinh ngày 21/1/1987 trong một gia đình gốc Nam Tư cũ, trở thành một trong 3 bộ trưởng Giáo dục của Thụy Điển vào năm 2014, khi mới 27 tuổi.
Aida Hadzialic trở thành bộ trưởng Giáo dục Thụy Điển khi mới 27 tuổi. Ảnh: Stv.
Cô gia nhập đảng Dân chủ xã hội (trẻ) năm 16 tuổi. Năm 23 tuổi, Hadzialic trở thành một trong những phó thị trưởng của thành phố quê hương Halmstad, gần bờ biển phía tây Thụy Điển. Cô nói được tiếng Anh, Bosina, Croatia và Serbia.
Cô trở thành nữ bộ trưởng trẻ nhất và là tín đồ Hồi giáo đầu tiên trong chính phủ Thụy Điển đồng thời là biểu tượng cho sức trẻ, hội nhập, bình đẳng tại quốc gia Bắc Âu này.
Hadzialic được bổ nhiệm làm bộ trưởng Giáo dục dù không đạt đủ số phiếu để trở thành nghị sĩ trong kỳ bầu cử quốc hội năm đó. Cô được lựa chọn trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng Stefan Lofven đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển trong khối thanh niên nhập cư và gốc nhập cư.
Tuy nhiên, hơn 3 tháng trước, nữ bộ trưởng trẻ nhất trong lịch sử Thụy Điển đã thông báo rời chức vụ tại bộ Giáo dục sau khi bị phát hiện lái xe lúc say rượu.
Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo (31 tuổi)
Joseph Kabila, sinh ngày 4/6/1971, lên nắm quyền ngày 26/1/2001 khi mới 31 tuổi, sau khi cha ông, Tổng thống Laurent Kabila bị chính vệ sĩ của mình ám sát. Kabila "con", người được mô tả là ôn hòa và kín đáo, trở thành lãnh đạo kế nhiệm của Congo ở tuổi đời còn khá trẻ.
Joseph Kabila tuyên thệ nhậm chức Tổng thống của nước Cộng hòa Dân chủ Congo trong buổi lễ ở Kinshasa, tháng 1/2001. Ảnh: Reuters.
Ông đã làm nên lịch sử vào năm 2006 khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của Cộng hòa Dân chủ Congo và trở thành lãnh đạo được bầu cử dân chủ sau khi đất nước giành độc lập vào năm 1960.
Cuộc bầu cử đã mang lại sự ổn định tương đối cho Congo sau nhiều thập kỷ chiến tranh.
Thủ tướng Dominica (33 tuổi)
Roosevelt Skerrit, sinh ngày 8/6/1972, lên nắm quyền vào ngày 8/1/2004 khi mới 33 tuổi. Sau khi nhận được bằng cử nhân về tiếng Anh của Đại học Mississippi và bằng tâm lý học của Đại học bang New Mexico, ông trở thành giảng viên tại một trường cao đẳng cộng đồng ở Dominica.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Cộng hoà Dominica, Roosevelt Skerrit, tháng 6/2013. Ảnh: Xinhua.
Skerrit được bầu vào quốc hội năm 2000. Sau đó, ông trở thành bộ trưởng giáo dục của quốc gia Caribe nghèo đói này.
Khi cựu Thủ tướng Pierre Charles đột ngột qua đời vì một cơn đau tim, Skerrit đã được Đảng Lao động Dominica chọn làm người thay thế.
Ngay sau đó, ông đã thu hồi công nhận của Dominica đối với Đài Loan và thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp 122 triệu USD tiền viện trợ, tương đương khoảng 1.700 USD cho mỗi người dân Dominica.
Tác giả bài viết: Tuyết Mai
Nguồn tin: