Quỳnh Lưu: Sử dụng các loại bèo, cỏ để xử lý ủ thành phân vi sinh
- 10:37 08-12-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Gia đình anh Trần Ngọc Chung ở khối 9, thị trấn Cầu Giát là hộ thứ 3 của huyện Quỳnh Lưu được Trung tâm khuyến nông khuyến ngư huyện giúp đỡ về kỹ thuật và hỗ trợ về vốn nằm trong dự án khoa học công nghệ của huyện, để thực hiện xây dựng mô hình dùng các loại bèo để xử lý ủ thành phân vi sinh. Bước đầu bắt tay vào thực hiện anh Chung cho biết: Trước tiên về nguyên liệu gồm bèo tây, phân chuồng tuy hơi mất thời gian nhưng lại rất dễ tìm kiếm. Đợt này, gia đình chuẩn bị 6 tấn bèo, 4 tấn phân chuồng. Bèo được anh cắt khúc, trộn theo tỷ lệ 2 phần bèo và 1 phần phân. Sau đó, anh dùng men vi sinh hòa cùng với nước và phun đều trên bề mặt, khi đã hoàn tất việc ủ loại phân này thì dùng bạt phủ kín khối ủ để tạo nhiệt độ cao cho các nguyên liệu trên nhanh phân hủy. Đồng thời, sau 5 ngày kể từ khi bắt đầu ủ, anh Chung chỉ cần mở ra đảo đều một lần giảm nhiệt độ khối ủ, tránh để vi sinh chết. Sau thời gian từ 25 – 30 ngày với 10 tấn bèo, phân chuồng sẽ cho ra từ 4 – 4,5 tấn phân vi sinh, dùng để bón cho cây trồng. Tuy mới bắt tay vào thực hiện nhưng anh Chung luôn tin sẽ thành công và lần sau sẽ tiếp tục mở rộng thêm các khối ủ phân để đáp ứng về nhu cầu trồng trọt của gia đình và người dân địa phương.
Thực hiện mô hình ủ phân vi sinh sẽ giải quyết lượng bèo lớn ở các sông, kênh mương góp phần lưu thông dòng chảy
Bèo tây được cắt thành khúc trước khi đem đi ủ
Trước thực trạng người nông dân phần lớn sử dụng các loại phân bón hóa học lâu dần sẽ làm cho đất bạc màu, cây không hấp thụ được chất dinh dưỡng. Hơn nữa, nhận thấy bèo tây ở các kênh, mương khá lớn gây ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của bà con. Hàng năm, Nhà nước cũng như nhân dân bỏ ra một lượng kinh phí tương đối lớn để đưa loại bèo này lên bờ. Do vậy, Trung tâm khuyến nông khuyến ngư đã nghiên cứu ra mô hình này vừa giải quyết được yếu tố về môi trường vừa có tác dụng phân giải chất độc xung quanh gốc để ngăn chặn các nấm bệnh hại cây trồng, tăng chất hữu cơ, độ mùn và độ phì nhiêu trong đất. Bên cạnh đó, nhanh chóng giảm mùi hôi thối của phân chuồng và không gây mầm bệnh. Nhờ đó, sẽ làm tăng năng suất của cây trồng. Qua quá trình thực hiện có hai hộ gia đình ở xã Quỳnh Tam đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, do việc thu gom nguyên liệu tốn nhiều thời gian nên các mô hình chưa duy trì được việc ủ phân này một cách thường xuyên. Do vậy, hiện nay Trung tâm khuyến nông khuyến ngư huyện sẽ tích cực chỉ đạo sát sao các mô hình ủ loại phân này, để có cơ chế chính sách khuyến khích để hộ gia đình làm một cách hiệu quả và đồng thời sẽ nhân rộng thêm nhiều mô hình ra trên địa bàn toàn huyện. Ông Nguyễn Anh Hùng – Trạm trưởng trạm khuyến nông huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Trên cơ sở khoa học chúng tôi muốn tạo ra một loại phân bón hữu cơ sạch hơn cho cây trồng. Bằng cách sử dụng một chế phẩm, vi sinh vật hữu ích BIO – F, dòng vi khuẩn này nó có tác dụng phân hủy nhanh các dòng xenlulô, các chất hữu cơ để trở thành phân bón cao cấp, dùng bón các loại cây trồng, đặc biệt bón các loại cây trồng cao cấp như hoa, rau màu, cây ăn quả có giá trị cao.”
Bèo tây và phân chuồng tươi được trộn trong khối ủ theo tỷ lệ 2 phần phân chuồng và 1 phần bèo
Hòa phân vi sinh tưới vào khối ủ
Các nguyên liệu phải được nén chặt trong khối ủ
Mô hình ủ phân vi sinh là một hướng đi rất hay và ý nghĩa đối với nền nông nghiệp của huyện nhà, bởi không những tăng giá trị năng suất các loại cây trồng mà còn góp phần đảm bảo yếu tố môi trường, cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Chính vì vậy mà Trung tâm khuyến nông khuyến ngư huyện cần có các biện pháp hữu ích để hướng mô hình ủ phân vi sinh phát triển một cách bền vững./.
Tác giả bài viết: Hồng Diện (Đài Quỳnh Lưu)
Nguồn tin: