Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: "Nhà nước lập ra không phải để đi kinh doanh vốn"
- 14:42 07-12-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sáng nay (7/12) tại trụ sở Chính phủ.
Với tên gọi của cơ quan chuyên trách được đề xuất là “Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp”, dù đã cho cơ quan soạn thảo Đề án là Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiều thời gian để tập trung soạn thảo, nhưng trong buổi lấy ý kiến lần thứ 2 này các nội dung Đề án vấn bị “chê” nhiều hơn khen.
Trước sự “lung túng” này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề là do cơ quan soạn thảo không chịu đọc Luật và Nghị quyết đã có sẵn. “Đề án này nếu là tôi làm thì chỉ 2 ngày là xong. Trong Luật đã có rồi, Nghị quyết của Quốc hội có rồi, Đề án này không phải là đi xin chủ trương mà là thực hiện chủ trương, vấn đề là các đồng chí xây dựng đề án mà không đọc để làm” - Phó Thủ tướng nhắc nhở cơ quan soạn thảo.
Lãnh đạo Chính phủ khẳng định, chủ trương thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được quán triệt tại Đại hội 12 và Nghị quyết 05 của Hội nghị Trung ương 4 về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của kinh tế là tách chức năng chủ sở hữu tài sản vốn của Nhà nước và chức năng quản lý Nhà nước của doanh nghiệp Nhà nước, sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các Bộ, UBND đầu tư vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.
“Đầu tư vốn chỉ là một chức năng của đại diện chủ sở hữu thôi, Nhà nước lập ra không phải để đi kinh doanh vốn. Chủ trương Đảng có rồi, Nghị quyết của Quốc hội có rồi, đừng có tranh cãi làm gì nữa", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp sáng 7/12, tại trụ sở Chính phủ
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Đề án phải nêu ra được thực trạng về quản lý và chức năng của đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước hiện nay như thế nào, nói rõ việc tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và chức năng chủ sở hữu vốn Nhà nước.
Tổng quan về vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, kết quả thực hiện sắp xếp tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước dự báo từ nay đến sau năm 2020, doanh nghiệp Nhà nước được xác định tập trung vào các lĩnh vực then chốt như quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực tư nhân và các thành phần kinh tế khác không muốn đầu tư và nhiều lĩnh vực thiết yếu mà doanh nghiệp Nhà nước vẫn nắm giữ các doanh nghiệp tư nhân không thể tham gia...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ đây là cơ quan thực hiện tập trung chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp và phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thay vì phân tán tai các bộ ngành như hiện nay. Đồng thời thực hiện chủ trương tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các Bộ, UBND để nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước và tại doanh nghiệp mà Nhà nước góp vốn. Thực chất, cách thức hoạt động này không có gì mới, chỉ chuyển từ phân tán sang tập trung.
Lãnh đạo Chính phủ “chốt” hạn 1 tuần để cơ quan soạn thảo hoàn thiện Đề án, sau đó sẽ trình ra thường trực Chính phủ xem xét, thông qua và ủy nhiệm cho Ban cán sự đảng Chính phủ sớm trình lên Bộ Chính trị.
Tác giả bài viết: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: