Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Người đàn ông bí ẩn giúp Donald Trump kết nối với Tập Cận Bình

Terry Branstad vốn không phải là một cái tên nổi danh. Nhưng giờ đây ông được nhiều người để ý tới khi là bạn lâu năm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bên cạnh lựa chọn cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ vô cùng quan trọng, dư luận còn đặc biệt chú ý đến xem ai sẽ là nhân vật được Tổng thống đắc cử Donald Trump giao trọng trách trở thành đại sứ Mỹ ở Trung Quốc giúp ông giải quyết một số vấn đề trong quan hệ với quốc gia này.
 

Thống đốc Iowa Terry Branstad là gương mặt sáng giá cho vai trò đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh.


Thống đốc bang Iowa Terry Branstad - một người bạn lâu năm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - đang là người được nhắc đến nhiều nhất cho vai trò đặc phái viên tới cường quốc châu Á.

Một quyết định có thể sớm được đưa ra sau cuộc họp giữa ông Branstad và các thành viên nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống Donald Trump ở New York trong tuần tới.

Động thái điền tên Branstad vào danh sách ứng cử viên tiềm tàng đưa ra vào thời điểm căng thẳng Mỹ-Trung đang gia tăng sức nóng sau khi vị tổng thống mới của nước Mỹ trực tiếp điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.

Mặc dù sau đó, Nhà Trắng tái khẳng định việc ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc" và cho biết "không có thay đổi trong chính sách lâu dài về quan hệ ở eo biển Đài Loan". Tuy nhiên, Trung Quốc đang hết sức cảnh giác trước động thái mới từ Donald Trump.

Là thành viên đảng Cộng hòa, ông Branstad bắt đầu trở lại vai trò thống đốc lần thứ hai vào năm 2011. Ông từng nắm giữ vị trí này từ năm 1983 đến năm 1999. Quyết định giao phó cho một người đàn ông 70 tuổi trong vai trò một đặc phái viên ngoại giao ở Trung Quốc cũng gặp phải nhiều rào cản khi ông vẫn chưa có ý định rời bỏ công việc ở Iowa, bên cạnh áp lực lực từ phía gia đình.

Lý do Tổng thống đắc cử Donald Trump để mắt tới Branstad có thể là vì quan hệ khá thân thiết giữa ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều năm trước.

Hai ngày trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra, trong một cuộc tụ họp ở Sioux City, ông Trump đã tuyên bố Branstad là một kết nối lý tưởng tới Trung Quốc.

"Bạn sẽ là ứng cử viên của chúng tôi trong việc giám sát các vấn đề với Trung Quốc", ông Trump nói trong lúc gọi vị thống đốc lên sân khấu.

Ông Branstad và ông Tập Cận Bình gặp nhau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc có chuyến đi lần đầu tới Iowa vào năm 1985. Vào thời điểm đó, ông Tập là một quan chức nông nghiệp trẻ đến từ tỉnh Hà Bắc và là giám đốc của Hiệp hội Lương thực thuộc Văn phòng tỉnh trưởng Thạch Gia Trang.

Ông Tập Cận Bình đến ăn tối
 

Hai người đàn ông đã liên lạc lại với nhau nhiều lần kể từ đó. Mặc dù có sự khác biệt văn hóa nhưng niềm đam mê về nông nghiệp đã thu hẹp khoảng cách giữa hai người bạn, bất chấp việc hai quốc gia có những căng thẳng về kinh tế cũng như các vấn đề khác.

Vào năm 2012 Thống đốc bang Iowa đã có buổi tiếp đón ông Tập khi đó là phó chủ tịch nhà nước Trung Quốc, trong một bữa tiệc tối nhiệt thành tại thủ phủ Des Moines. Và chỉ một ngày sau cuộc bầu cử Mỹ diễn ra, Branstad cũng đã có chuyến đi lần thứ 4 của ông tới Trung Quốc trong 7 năm qua với vai trò thành viên của một phái đoàn thương mại.

Thống đốc phục vụ lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ, Branstad sẽ ở lại New York làm việc thêm với đội ngũ của ông Trump trong vài ngày tới đây.

Không giống như một số đảng viên kỳ cựu của đảng Cộng hòa ở một số tiểu bang khác, Branstads là một trong những người ủng hộ nhiệt tình nhất dành cho ông Trump, ngoài ra con trai lớn của vị thống đốc này cũng từng là cố vấn chiến dịch của tổng thống đắc cử. Bang của ông cũng lần đầu tiên dành cho một ứng viên Cộng hòa giành chiến thắng kể từ năm 1980.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của bang Iowa, sau Canada. Số liệu từ Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc cho thấy Iowa xuất khẩu 2,3 ​​tỷ USD hàng hóa tới quốc gia châu Á này.

Nếu trở thành phái viên của Mỹ, ông Branstad sẽ phải tạm quên đi những thảo luận buôn bán nông nghiêp đơn thuần về ngô hay đậu tương để tập trung cho những vấn đề phức tạp hơn như Tổng thống đắc cử Trump nhiều lần từng đề cập tới.

Nhà tỷ phú đã chỉ ra những bất cập tồn tại trong quan hệ Mỹ-Trung khi từng gọi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ; bảo trợ cho các cuộc tấn công mạng; và những căng thẳng xung quanh yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Giới phân tích từng đánh giá các chính sách của Donald Trump dành cho Trung Quốc sẽ có phần cứng rắn hơn dưới thời chính quyền Obama, đặc biệt sau khi ông có những phát ngôn công kích mạnh mẽ vào hành động bành trướng quân sự của Trung Quốc.

Ông Terry Branstad dự kiến sẽ phải đảm nhận nhiệm vụ hết sức nhạy cảm và quan trọng trong thời điểm hai nước có thể sẽ còn có nhiều căng thẳng trong thời gian tới.

Có lẽ Tổng thống đắc cử Donald Trump tin rằng, với quan hệ khá thân tình với nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Branstad sẽ là nhân tố dung hòa hợp lý giữa các nhiệm vụ cần phải làm triệt để, bên cạnh việc duy trì quan hệ hòa hảo với quốc gia châu Á.

Tác giả bài viết: Quốc Vinh

Nguồn tin: