Ngôi mộ đặc biệt bên sườn núi
- 14:57 02-12-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cách thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) chừng 7 km về phía Đông có một ngôi mộ chung đặc biệt. Đây là nơi chôn cất hơn 200 bệnh nhân trong trận thả bom thảm khốc năm 1965 tại Trại phong Quỳnh Lập. Ngôi mộ nằm heo hút bên sườn núi, được bao xung quanh bởi hàng cây phi lao.
Ông Đằng, nhân chứng sống trong lần làng phong trúng bom
Ký ức hơn 50 năm
Sự kiện đau lòng xảy ra đã hơn nửa thế kỷ, nhưng những nhân chứng còn sống vẫn chưa hết bàng hoàng. Thảm cảnh cả trại phong Quỳnh Lập (đóng trên địa bàn xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) trúng bom tan tành vẫn còn hằn in trong tâm trí họ.
Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quỳnh Lập là Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, được thành lập từ năm 1957, tên gọi ban đầu là Trại phong Quỳnh Lưu. Từ năm 2000, bệnh viện có tên gọi như ngày nay. Nơi đây chuyên điều trị cho bệnh nhân phong và các di chứng do bệnh phong gây ra.
Trước đây, bệnh nhân phong không những phải gánh chịu nỗi đau về thể xác mà còn bị xã hội kì thị, hắt hủi, thậm chí ngược đãi (trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng cho thú dữ ǎn thịt). Đó là những thành kiến sai lầm trong quá khứ.
Ông Lưu Văn Đằng (SN 1939), một trong những nhân chứng sống của trong lần trại phong trúng bom năm xưa trầm ngâm nhớ lại: Đúng 13h ngày chủ nhật 13/6/1965, khi các bệnh nhân phong vừa dùng cơm trưa xong, máy bay Mỹ bất ngờ từ biển ập vào.
Sau vài vòng lượn lờ trên không trung, máy bay đồng loạt trút bom xuống khu vực sinh sống của các bệnh nhân. Chỉ trong chốc lát, cả khu điều trị, gồm 120 ngôi nhà gạch lớn nhỏ, nuôi dưỡng 2.600 bệnh nhân, bị vùi sâu trong đống đổ nát.
Chờ khi máy bay của địch bỏ đi nơi khác, tổ y tá cứu hộ của trại phong và những bệnh nhân sống sót mới dám lại gần khu vực bị đánh bom. Chứng kiến những thi thể xấu số vốn đã không lành lặn, họ vừa lau nước mắt, vừa cùng nhau thu gom các bệnh nhân rồi chôn chung trong một ngôi mộ. Mảnh đất được mọi người chọn làm nơi để chôn những con người xấu số này nằm trong khuôn viên của bệnh viện.
Ông Đằng bùi ngùi: “Tôi là một trong số những người may mắn sống sót. Lúc tỉnh dậy, nhìn bạn bè nằm bất động, có người không toàn thây, tôi vừa hoảng sợ vừa đau đớn vô cùng. Chân tay tôi lúc đó không thể đứng vững mà run run thu gom những phần cơ thể bị bom đạn đánh nát, tập trung vào một chỗ. Nhiều bệnh nhân khác đã ngất đi khi chứng kiến cảnh tượng đau lòng đó”.
Sau khi sự việc đau lòng, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó, Anh hùng lao động, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã có mặt ngay ở hiện trường để an ủi, chia buồn và dự lễ tang của hơn 200 bệnh nhân thiệt mạng.
Bản tin thời sự của Đài tiếng nói Việt Nam chiều hôm đó đã tố cáo tội ác của giặc. Mấy ngày sau, trên các mặt báo đều đăng tin, bình luận, ghi hình ảnh các nhân chứng, nạn nhân trong trận bom Mỹ thảm sát tại trại phong Quỳnh Lập.
Sự kiện này được ghi lại trong cuốn “Việt Nam - Những sự kiện lịch sử” (1945 - 1975) do Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn - Viện Sử học biên tập - NXB Giáo dục ấn hành năm 2004.
Ngôi mộ chung ở Trại phong Quỳnh Lập
Ngôi mộ chung đặc biệt
Sự kiện ấy, chứng tích vẫn còn đó, mãi mãi hằn sâu trong tâm trí những người con của làng phong. Mỗi khi đến ngày 13/6, họ lại day dứt như còn một việc làm thiếu sót với người đã khuất. Thương cho kiếp bất hạnh của người phong hủi, bằng những tình cảm chân thành và niềm thương xót vô hạn, người ta xây dựng một tượng đài gần ngôi mộ chung.
Đầu năm 2009, để tưởng nhớ những người bệnh đã ra đi trên mảnh đất này, Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Sỹ Hóa, Phó viện trưởng viện Da liễu Quốc gia (nguyên là Giám đốc Bệnh viện phong Quỳnh Lập) đã có ý tưởng và quyết định xây dựng đài tưởng niệm.
Tượng đài được xây dựng với biểu tượng là cây xương rồng vươn lên trên gió cát bỏng rát của dải đất miền Trung, tượng trưng cho ý chí, nghị lực vươn lên để sống của những bệnh nhân nơi đây.
Từ cổng vào, bên trái là tượng thiếu nữ đang dâng hoa, bên phải là người thầy thuốc. Hình ảnh đẹp và có ý nghĩa ấy đã làm cho các đoàn khách hay những người ghé chân đến đây không khỏi xúc động. Các em trong CLB “Vì tuổi thơ Quỳnh Lập” còn tình nguyện trồng hơn 200 cây bạch đàn, tượng trưng cho hơn 200 bệnh nhân đã an nghỉ dưới ngôi mộ này để tưởng nhớ đến họ.
Chính những bệnh nhân may mắn sống sót sau trận thảm sát ấy là người cầm xẻng đào móng, san nền để xây dựng bức tượng đài bề thế, cao gần 8m. Công trình này được ốp đá hoa cương, trông ra biển lớn. Gần 300 bệnh nhân phong trong buổi lễ khánh thành tượng đài rưng rưng nước mắt.
Nhạc sỹ Hoàng Lân cũng cố nén lệ, ôm đàn trình bày ca khúc “Cảm xúc qua Quỳnh Lập”, do chính ông sáng tác. 11h ngày 17/9/2009, sau 44 năm, 3 tháng, 4 ngày, mọi người đã tổ chức lễ cầu siêu và làm ngày giỗ đầu tiên cho hơn 200 người đã phải ra đi vì bom đạn kẻ thù.
Hàng năm cứ đúng ngày 13/6, con cháu làng Quỳnh Lập và thân nhân của những người xấu số lại về đây tề tựu tổ chức giỗ cho hơn 200 bệnh nhân đã yên nghỉ. Họ hy vọng những vong hồn của người đã khuất được sưởi ấm, đồng thời thắp lửa niềm tin cho những con người năm xưa còn sống sót.
Đặc biệt, vào năm 2013, những người mắc bệnh phong đang điều trị tại đây lại được chứng kiến và tham gia nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng khi Đại đức Thích Chơn Phương, trụ trì chùa Viên Đình (Ứng Hòa – Hà Nội) và đông đảo phật tử khắp nơi, thành kính tổ chức Đại lễ cầu siêu cho hơn 200 bệnh nhân phong.
Với mong muốn các linh hồn sớm được siêu sinh tịnh độ - Tăng ni, phật tử cùng hàng trăm bệnh nhân phong đang điều trị tại bệnh viện đã cùng nhau thành tâm cầu kinh, hướng Phật một lòng mỏi những bệnh nhân xấu số sớm được an lạc.
Trong không gian linh thiêng của Đại lễ cầu siêu, xem giữa lời kinh tiếng mõ là những tiếng nấc nghẹn ngào của những bệnh nhân phong. Mấy năm gần đây, ngôi mộ chung được các bô lão trong “Tổ hưu trí” của làng phong hàng ngày thay phiên nhau đến quét dọn, thắp nén hương.
Hiện nay, không những người đã khuất mà những bệnh nhân đang điều trị nơi đây đều nhận được sự quan tâm của cộng đồng, xã hội, nhà hảo tâm, trong đó có cộng đoàn Công giáo, chuyên phục vụ các bệnh nhân phong cùi. Hàng ngày, họ ân cần hỏi thăm, chuyện trò, động viên, chăm sóc, đồng thời chu cấp thuốc, tiền hỗ trợ hàng tháng cho gần 250 bệnh nhân phong.
Tác giả bài viết: Long Trần
Nguồn tin: