Indonesia-Việt Nam, còn 1 ngày: Những bài học từ quá khứ và từ... Thái Lan
- 10:47 02-12-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đội tuyển Việt Nam có thể nói là đang nắm đủ lợi thế để đi đến trận cuối cùng, thậm chí, còn có thể lên ngôi vô địch nếu được thời vận ủng hộ, mỉm cười. “Đầu xuôi đuôi lọt”, người xưa vẫn nói thế. Nhưng cũng còn một câu khác: “Tiền hung hậu cát”, vế này vẻ như sát hơn với bóng đá Việt Nam trong quá khứ và cả hiện tại.
Đội tuyển Việt Nam chỉ tập nhẹ trong buổi tập chiều qua do sân tập không bảo đảm được yếu tố bí mật. Ảnh: Tuân Phạm
Lịch sử là tấm gương phản chiếu mang tính tham khảo, không phải yếu tố quyết định. Rất nhiều các chuyên gia đã hiến kế, truyền thông Việt Nam theo chân đội bóng thậm chí cũng chỉ ra những 'tử huyệt', nhưng chỉ người trong cuộc mới biết rõ, rằng mình cần phải làm gì và như thế nào.
Ai chiến thắng không từng chiến bại?
Ở lần đầu tiên và duy nhất bóng đá Việt Nam chạm được tới đỉnh Đông Nam Á, đấy là kỳ AFF Suzuki Cup 2008, chúng ta đã từng thua trắng 0-2 ngay trong ngày ra quân trước chủ nhà Thái Lan tại Phuket. Đó là một giải đấu kỳ lạ, 10 năm có một, khi Thái Lan với tập hợp toàn hảo thủ đang vào độ chín, tưởng như sẽ dễ dàng lên ngôi một lần nữa. Nhưng, mãi đến sau này, ngôi sao số một của đội tuyển Thái Lan, Datsakorn Thonglao, mới thừa nhận rằng, sở dĩ họ thất bại trước đội tuyển Việt Nam khi 2 đội gặp lại nhau ở chung kết là do sự chia rẽ trong nội bộ đội bóng.
“HLV Peter Reid thực sự đã được cung cấp những cầu thủ tốt nhất của nền bóng đá, nhưng chúng tôi vẫn không thể có một đội tuyển mạnh?! Có quá nhiều cá tính lớn trong đội, bao gồm cả những ngôi sao mới nổi và các cựu trào còn sót lại. Trong nhiều trận đấu, chúng tôi không đá vì nhau và vì thành tích chung. Một trong những biểu hiện rõ nhất là trận thua Việt Nam ở Rajamangala tại chung kết lượt đi. Chúng tôi đã cảm thấy rất hối tiếc. Bất luận thế nào, đấy là giai đoạn mà bóng đá Thái Lan trải qua nhiều biến động”, cựu đội trưởng đội tuyển Thái Lan chia sẻ.
Theo Thonglao, ngôi sao vào thời điểm đó đang chơi bóng cho HAGL, giải VĐQG Thái Lan – Thai Premier League vừa mới được khai sinh (2007) trong nghi ngại, dù nó thay thế cho Thai League trước đó, vốn từng bị hoãn vì cuộc khủng hoảng diện rộng, nên tâm lý hoang mang là có thật.
“Chúng tôi đã cố gắng sửa sai trong trận chung kết lượt về ở Mỹ Đình, nhưng bàn thắng của Công Vinh về cuối trận đã làm sụp đổ tất cả. Hơn nửa thập niên sau thất bại đau đớn ấy, bóng đá Thái Lan mới gượng dậy được”, Thonglao nói với Thể thao & Văn hoá.
“Kiêu binh tất bại”, đến ngay ông vua đích thực của bóng đá Đông Nam Á như Thái Lan cũng từng nhiều lần bại, bại từ SEA Games đến AFF Suzuki Cup, thì đừng nói Việt Nam. Dưới triều đại Kiatisuk Senamuang, Thái Lan không còn mang tư tưởng bề trên khi vào trận, ngay cả với các đối thủ yếu. Và đó là lý do họ bách chiến bách thắng, kể từ SEA Games 2013 và vắt qua 2 kỳ AFF Suzuki Cup gần nhất.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh…
Một trong những nỗi sợ, thậm chí là nỗi ám ảnh, cứ đeo bám bóng đá Việt Nam và các ĐTQG khi tham chiến các giải đấu cấp khu vực, đấy là bóng ma tiêu cực. Bóng ma thì bất định và trong quá khứ nó từng xảy ra rồi, không chỉ một lần mà nhiều lần.
Tiêu cực đã len lỏi, gõ cửa cả cấp độ CLB, từ V-League, đến AFC Cup. Đây là vấn nạn chung của các nền bóng đá, cũng như các giải đấu vùng trũng, chứ chẳng riêng Việt Nam. BTC AFF Suzuki Cup 2016 đã cảnh báo về nạn dàn xếp tỷ số có thể xảy ra và Cty Sportradar đang theo dõi rất sát sao…
Về chuyên môn, không phải đội tuyển Việt Nam không có nhược điểm, nhưng ngay cả sự vắng mặt của Đình Luật ở 2 trận bán kết tới đây cũng chẳng phải vấn đề. HLV Hữu Thắng có đủ những phương án 2 đầy khả dĩ.
Đá trên sân của Indonesia, với sức ép từ các khán đài là rất dữ dội, song điều này cũng bình thường, thế nên mới có khái niệm sân nhà và sân đối phương. 'Tử huyệt' của đội tuyển Việt Nam vắt qua nhiều thời kỳ, đấy là tâm lý chiến và các vấn đề về tư tưởng. Tinh thần vừa là ưu điểm mạnh, nhưng cũng có thể là nhược điểm, nếu như lòng người không quy về một mối.
“Phù thuỷ” Henrique Calisto đã từng đầu hàng mà một đi không trở lại, khi ông cảm thấy có người đã không thi đấu đúng sức ở kỳ AFF Suzuki Cup 2010. Đấy là sự thật và chính học trò ông Calisto đã chia sẻ điều đó, chứ không phải các mâu thuẫn phát sinh giữa ông thầy người Bồ với các quan chức VFF, như ông nói. Trời hanh vật khô, cẩn thận củi lửa, bởi phòng bệnh luôn tốt hơn là chữa bệnh.
4 Tại kỳ AFF Suzuki Cup 2008, đội tuyển Việt Nam đã lên ngôi vô địch mà chỉ cần giành 4 chiến thắng/7 trận đã đấu toàn giải. Giải năm nay, chúng ta vẫn còn 4 trận đấu nữa, nếu muốn đòi lại ngôi vương, song trước đó, HLV Hữu Thắng và học trò đã có 3 trận thắng.
2 Công Vinh là cầu thủ Việt Nam duy nhất có 2 bàn thắng tại AFF Suzuki Cup 2016, ngang với 6 cầu thủ của các ĐT khác và kém Teerasil Dangda (Thái Lan) 1 bàn.
1 Trận thắng Malaysia 1-0 là lần duy nhất đội tuyển Việt Nam không để lọt lưới ở giải năm nay, khi đến ngay cả Campuchia cũng từng khiến Nguyên Mạnh vào lưới nhặt bóng.
Tác giả bài viết: Tùy Phong
Nguồn tin: