Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Giao lại ấn tín nghi của vua, người dân có được thưởng?

Luật Di sản văn hóa quy định mọi di sản văn hóa ở trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, ở vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam đều thuộc sở hữu toàn dân.
Vụ dân nhặt được “ấn vua”: Sẽ thành lập hội đồng thẩm định
Ấn tín nghi của vua tại Nghệ An không quá 30 năm tuổi?
Nghệ An: Đào được vật lạ nghi ấn tín vua chúa

 
vatthelabgxl qjsd
Ông Sửu - người trình báo đào được vật thể lạ nghi ấn tín của vua chúa ngày xưa. Ảnh: Đ.LAM

Vừa qua, báo chí có đăng việc UBND xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) yêu cầu trường hợp vợ chồng ông Trương Văn Sửu (55 tuổi, trú xã Nghi Lâm) giao nộp vật lạ nặng 1,6 kg có khắc chữ Hán và hình đầu rồng để bảo quản chờ cơ quan chức năng làm rõ vật này. Trường hợp này, pháp luật quy định ra sao? Người tìm được có được Nhà nước trả công gì không nếu nó là cổ vật?
 
                                         Phùng Tuấn Tú (phungtantu_stodays@...)
 
Luật sư LÊ VĂN HOAN, Trưởng Văn phòng luật sư Lê Văn, trả lời:

Điều 6 Luật Di sản văn hóa quy định mọi di sản văn hóa ở trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, ở vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều thuộc sở hữu toàn dân.

Tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 98/2010 hướng dẫn luật trên quy định: “Mọi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ở trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, ở vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định tại Điều 6 Luật Di sản văn hóa, khi phát hiện hoặc tìm thấy đều thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật về dân sự”.

“Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia” được xác định theo quy định của Luật Di sản văn hóa và do các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền tiến hành.



Căn cứ vào quy định nêu trên thì di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do cá nhân, tổ chức phát hiện, giao nộp sẽ được xác lập quyền sở hữu theo Điều 240 Bộ luật Dân sự.

Có thể chia làm hai trường hợp cụ thể như sau:

Một là nếu vật được tìm thấy là di tích lịch sử, văn hóa thì thuộc Nhà nước; người tìm thấy vật đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, người giao nộp sẽ được thưởng theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 96/2009. Mức tiền thưởng được tính theo phương pháp lũy thoái từng phần, cụ thể như sau:

- Phần giá trị của tài sản đến 10 triệu đồng thì tỉ lệ trích thưởng là 30%.

- Phần giá trị của tài sản trên 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì tỉ lệ trích thưởng là 15%.

- Phần giá trị của tài sản trên 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng thì tỉ lệ trích thưởng là 7%.

- Phần giá trị của tài sản trên 1 tỉ đồng đến 10 tỉ đồng thì tỉ lệ trích thưởng là 1%.

- Phần giá trị của tài sản trên 10 tỉ đồng thì tỉ lệ trích thưởng là 0,5%.

Hai là nếu vật được tìm thấy không phải là di tích lịch sử, văn hóa mà có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu vật tìm thấy có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.

Đối với trường hợp đã xác định vật được tìm thấy là di tích lịch sử, văn hóa mà không giao nộp có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự: Nếu vật tìm thấy là cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa thì người cố tình không giao nộp bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Nếu cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hóa có giá trị đặc biệt thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự thì bị xử phạt hành chính từ 2.000.000 đến 5.000.000 đồng theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật.

Như vậy, bạn có thể tham khảo quy định nêu trên để hiểu thêm về việc bạn hỏi.

Tác giả bài viết: KIM PHỤNG ghi

Nguồn tin: