Những điểm du lịch tâm linh cho chuyến hành hương cuối năm
- 14:51 01-12-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
1. Chùa Một Cột
Tọa lạc ở phố Chùa Một Cột (quận Ba Đình - Hà Nội), ngay gần Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chùa Một Cột là một trong những di tích lịch sử văn hóa lâu đời, là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Chùa Một Cột có kiến trúc độc đáo với kết cấu hình vuông, nằm trên một trụ đá. Phía trên gồm một hệ thống những thanh gỗ tạo thành bộ khung kiên cố, đỡ cho ngôi chùa dựng bên trên giống như một đóa hoa sen vươn thẳng lên từ mặt hồ.
Chùa Một Cột xuất hiện trong giấc mơ của vua Lý Thái Tông.
Truyền thuyết kể rằng, chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028-1054). Sau khi mơ thấy được Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt lên toà, vua kể lại chuyện đó và được nhà sư khuyên dựng chùa, dựng cột đá như trong chiêm bao. Vua cho làm toà sen của Phật bà Quan Âm như đã thấy trong mộng và cho các nhà sư đi vòng xung quanh tụng kinh cầu kéo dài sự phù hộ. Vì thế chùa mang tên Diên Hựu.
Chùa Một Cột không giống với bất cứ một tháp Phật nào, chùa mang đậm tính triết lí nhân văn với vòng ngoài hình vuông tượng trưng cho âm, và cột hình tròn tượng trưng cho dương, trong âm có dương, trong dương có âm. Đây là quy luật tuần hoàn tương sinh, tương khắc của vũ trụ. Vẻ đẹp của nó vừa có vẻ uy nghi cổ kính, lại vừa mang phong thái nhẹ nhàng thanh thoát của cõi Phật.
2. Chùa Hương
Chùa Hương là một quần thể văn hóa – tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội và nằm ven bờ sông Đáy.
Chùa Hương dịp Lễ, tết.
Ngôi chùa được xây dựng với quy mô chính vào khoảng cuối thế kỷ 17, sau đó bị huỷ hoại trong kháng chiến chống Pháp năm 1947, và được phục dựng năm 1988.
Lễ hội chùa Hương bắt đầu từ rằm Tháng Giêng, còn được coi là ngày lễ mở cửa rừng theo tục của người dân địa phương. Trước ngày hội mở, tất cả các chùa, miếu và các đình đều để khói hương nghi ngút.
Để vào chùa Hương, du khách phải đi thuyền qua sông.
Từ ngày mở hội cho đến hết hội, các sư trong chùa thường đến tụng kinh mỗi nơi có chùa chiền, đình miếu khoảng nửa giờ mỗi ngày. Hương khói lúc nào cũng nghi ngút, trên ban thờ luôn có mâm quả và nhiều đồ cúng lễ của mọi khách thập phương. Phần lễ nghi thể hiện gần như tổng thể tôn giáo tại Việt Nam, có sự sùng bái của đạo Phật và Nho giáo
3. Yên Tử
Núi Yên Tử là một dải núi cao nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam. Với hệ thống động thực vật phong phú và đa dạng, Yên Tử đã được nhà nước công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên. Núi Yên Tử hiện còn lưu giữ một hệ thống các di tích lịch sử văn hóa gắn với sự ra đời, hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Lễ hội Yên Tử diễn ra từ ngày 10 tháng Giêng cho tới hết tháng 3 âm lịch.
Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, khoác áo cà sa tu hành và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền phái Trúc lâm Yên Tử.
Nếu du khách thập phương gặp khó khăn trong việc leo núi, cáp treo cũng giúp ngắn khoảng cách và thời gian cho du khách. Điều này giúp bạn có nhiều thời gian để thưởng lãm phong cảnh đẹp tuyệt vời của núi non mây trời Yên Tử. Đặc biệt, vào những ngày quang mây, từ đỉnh núi bạn có thể nhìn thấy biển Hạ Long.
4. Chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính thuộc tỉnh Ninh Bình, là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á. Hằng năm, chùa mở vào đầu xuân, đón hàng triệu khách thập phương về dự.
Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn được biết đến với nhiều kỷ lục như chùa có diện tích lớn nhất Việt Nam, chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á…
Chùa Bái Đính nằm trong quần thể danh thắng Tràng An.
Nơi đây nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần. Đây là nơi mà Quốc sư Nguyễn Minh Không thời nhà Lý tu Phật và hành lễ trên đỉnh núi rồi đặt tên cho núi, cho chùa. Dấu chân của đức Thánh Nguyễn dày đặc khắp các nơi.
Có thể nói Bái Đính là nơi hội tụ của linh khí núi sông, của tâm linh dân tộc và của nhân kiệt xuất chúng. Thiên nhiên tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho những người con Ninh Bình phong cảnh sơn thủy kỳ tú, nhưng cũng chính con người cũng góp phần tôn vinh và làm đẹp thêm phong cảnh của tạo hóa. Tất cả những điều đó đã đưa Bái Đính trở thành một viên ngọc sáng lấp lánh, đa sắc màu, ngàn năm tâm linh, ngàn năm huyền thoại.
5. Chùa Thiên Mụ
Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nhất, kiến trúc đồ sộ nhất và cũng là ngôi chùa đẹp nhất của Huế. Chùa Thiên Mụ được xây dựng trên đồi Hà Khê thuộc địa phận xã Hương Long, cách trung tâm thành phố 5km về phía Tây.
Sự tích của danh lam này mang tính chất huyền thoại. Truyền rằng, có một bà tiên hiện ra trên đồi Hà Khê báo cho dân trong vùng biết sẽ có một vị chân chúa đến dựng chùa thờ Phật. Việc thờ cúng sẽ giúp tụ linh khí cho bền long mạch. Từ đó, ngọn đồi này được gọi là núi Thiên Mụ. Nhiều đời chúa và vua Nguyễn đã trùng tu, sửa sang, tôn tạo thêm vẻ nguy nga, đồ sộ của Thiên Mụ.
Chùa Thiên Mụ bên bờ sông Hương.
Tọa lạc bên bờ sông Hương thơ mộng của miền Trung, chùa Thiên Mụ với kiến trúc cổ kính đã góp phần điểm tô cho bức tranh thiên nhiên nơi đây càng thêm duyên dáng, thi vị. Tiếng chuông chùa như linh hồn của Huế, vang vọng mãi theo dòng nước sông Hương chảy qua trước Kinh Thành, xuôi về cửa biển, đọng lại trong lòng khách phương xa đến Huế một nỗi niềm vương vấn chốn Thiền Kinh.
6. Tượng chúa Jesus Vũng Tàu
Tượng Chúa Ki-tô hay Tượng Đức Chúa dang tay là một bức tượng Chúa Giê-su đứng trên đỉnh núi nhỏ của thành phố Vũng Tàu, được xây từ năm 1974. Bức tượng này cao 32 m, sải tay dài 18,3 m đứng trên độ cao 170 m nhìn ra biển, bên trong có cầu thang 133 bậc lên tận 2 tay của tượng.
Bức tượng có thể xem như một phiên bản tương tự tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil.
7. Khu du lịch tâm linh núi Bà Đen
Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất Nam Bộ (986m), thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hoà Thành, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
Quần thể di tích Núi Bà Đen do 3 ngọn núi tạo thành là Núi Heo – Núi Phụng – Núi Bà Đen. Đến đây, ngoài việc chiêm ngưỡng một vùng núi non hùng vĩ, thu vào tầm mắt một góc của tỉnh Tây Ninh yên bình, du khách còn có dịp chiêm bái hệ thống chùa Điện Bà gồm các chùa Hạ, Trung, Thượng và chùa Hang uy nghi lộng lẫy.
Kết hợp với chuyến hành hương, du khách được khám phá vẻ đẹp thần bí của các động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà… cũng như nghe kể về những câu chuyện truyền thuyết hấp dẫn.
8. Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc- An Giang)
Bà Chúa Xứ là nhân vật truyền thuyết được thờ tự ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang). Hàng năm, di tích này thu hút gần hai triệu lượt người đến cúng bái, tham quan. Khách hành hương, du lịch không những đến từ các tỉnh lân cận mà còn từ các tỉnh xa như miền Đông, miền Trung… tạo nên mùa lễ hội sôi nổi, đông đảo ở núi Sam suốt nhiều tháng.
Miếu Bà Chúa Xứ là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của miền Tây.
Với người dân miền Tây Nam bộ, Bà Chúa Xứ núi Sam có công đức giúp bà con sống an bình. Vì thế hàng trăm năm nay, người An Giang đã lập miếu Bà Chúa Xứ, thờ tự Bà như thần. Mỗi năm vào ngày vía bà (từ tháng 4 âm lịch kéo dài cho đến đầu tháng 6), rất đông khách hành hương từ các nơi về cúng bái, cầu may, xin phúc, vay tiền làm ăn.
Tác giả bài viết: Hoàng Ngọc (Tổng hợp)
Nguồn tin: