Tình nguyện ra đảo 'trồng người'
- 09:35 01-12-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thầy Vũ với học sinh đảo Hòn Tre
Vượt khó giảng dạy
Sinh ra và lớn lên tại xã Quới Thành (H.Châu Thành, Bến Tre), năm 1992, sau khi tốt nghiệp THPT, cậu “tú” Phan Ngọc Vũ đã tình nguyện ra đảo Hòn Tre công tác. Thời điểm đó, huyện đảo Kiên Hải thiếu giáo viên trầm trọng nên tỉnh có chủ trương cho các giáo viên vừa dạy, vừa học. Chính vì vậy, thầy Vũ vừa tham gia giảng dạy tại Trường tiểu học Hòn Tre, vừa học ở Trường trung học sư phạm Kiên Giang (nay là Trường CĐ sư phạm Kiên Giang). Sau khi hoàn thành khóa học, thầy tiếp tục học ĐH từ xa và tốt nghiệp cử nhân giáo dục tiểu học.
Thầy Vũ tâm sự thời điểm thầy ra đảo cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, nhiều đêm thầy phải thắp đèn dầu để soạn giáo án. Bên cạnh đó, lương giáo viên thấp, không đủ trang trải cuộc sống nhưng nhờ đồng nghiệp động viên chia sẻ, sự hồn nhiên của học sinh trên đảo giúp thầy có thêm quyết tâm gắn bó với hòn đảo này.
Thời gian qua, tuy Trường tiểu học Hòn Tre thuộc địa bàn hải đảo với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng trong suốt quá trình công tác, thầy Vũ luôn nêu cao tinh thần tự lực, sáng tạo để tổ chức đầy đủ các hoạt động theo yêu cầu của việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Thầy được chính quyền địa phương, Phòng GD-ĐT huyện đánh giá cao về chuyên môn; được học sinh tin yêu, đồng nghiệp mến phục. Nhiều năm liền thầy Vũ là giáo viên dạy giỏi cấp huyện.
Tình thầy trò trên đảo
Hơn 24 năm gắn bó, biết bao thế hệ học sinh của thầy đã trưởng thành, có người tốt nghiệp ĐH và trở thành cán bộ ở xã, huyện làm thầy vô cùng hạnh phúc. Trong số đó phải kể đến học trò “cưng” Lê Thanh Phong. Phong sinh ra và lớn lên tại xã đảo Hòn Tre, được thầy Vũ dìu dắt từng con chữ từ khi mới vào lớp 1. Bây giờ, anh Phong trở lại huyện đảo Kiên Hải công tác với vai trò Phó bí thư Huyện đoàn Kiên Hải.
Anh Phong bộc bạch: “Mỗi khi đến Ngày nhà giáo Việt Nam (20.11) là tôi nhớ các thầy cô, trong đó hình ảnh thầy Vũ là không bao giờ quên được. Thầy luôn tận tình trong giảng dạy, biết động viên, chia sẻ để học sinh an tâm bám lớp, bám trường. Trong lứa của chúng tôi cũng có những trường hợp gia đình nghèo phải nghỉ học sớm cùng cha đi biển, nhưng khi hay tin, thầy Vũ đến tận nhà động viên và các bạn tiếp tục đến trường”.
Thầy Vũ chia sẻ: “Nghề giáo ở xã đảo tuy vất vả nhưng cho tôi niềm vui không gì so sánh được. Tôi đến với các em bằng tình thương và ngược lại cũng nhận từ học trò nhiều tình cảm to lớn”. Điều thầy Vũ nhớ nhất trong suốt những năm bám trường, bám lớp ở đảo mà đến nay khi nhắc lại thầy vẫn còn nhớ như in đó là những năm đầu ra đảo. Lúc này, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng đến ngày 20.11, các em nhớ và háo hức bày tỏ tình cảm với thầy. Không có tiền, các em lên núi hái hoa rừng, bó lại thành bó to, rồi đến tận nhà vừa tặng hoa và chúc mừng làm thầy vô cùng cảm động.
“Chính hành động đơn giản nhưng chứa chan tình thầy trò cao đẹp làm tôi cảm thấy yêu thương các em nhiều hơn, đồng thời phải làm điều gì đó cho các em”, thầy Vũ bộc bạch. Còn thầy Đỗ Quang Hùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòn Tre, cho biết thầy Vũ luôn tận tụy với nghề và quan tâm từng hoàn cảnh học trò. Bên cạnh đó, thầy còn có nhiều sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong bồi dưỡng học sinh giỏi toán lớp 5. Kết quả có một em đạt giải nhất cấp huyện; giải ba cấp tỉnh trong kỳ thi toán tuổi thơ dành cho học sinh lớp 5.
Với những thành tích trong công tác, thầy Vũ vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhiều bằng khen của UBND tỉnh Kiên Giang. Mới đây, thầy là một trong 42 giáo viên tiêu biểu xuất sắc đang giảng dạy ở các huyện đảo, xã đảo được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; bằng khen của T.Ư Hội LHTN Việt Nam trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016” tại thủ đô Hà Nội. |
Tác giả bài viết: Anh Phương
Nguồn tin: