Bảo mẫu hành hạ trẻ, trách nhiệm thuộc về ai?
- 16:24 28-11-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đoạn clip dài gần 1 phút, ghi lại cảnh một giáo viên mầm non đang dùng tay tát mạnh vào miệng trẻ mặc cho bé này than khóc thảm thiết, đã có hàng trăm ngàn lượt xem và hàng ngàn lượt chia sẻ. Cộng đồng mạng cho rằng, vụ việc xảy ra tại một trường mầm non thuộc thị trấn Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Bảo mẫu hành hạ trẻ em. Ảnh minh họa, nguồn: kienthuc.net.vn.
Phải khẳng định ngay trách nhiệm hành vi mang tính bạo lực đối với trẻ này phải thuộc về bảo mẫu thiếu đạo đức, yếu kém kỹ năng chuyên môn.
Ngoài những đòi hỏi về chuyên môn, nghiệp vụ như bao nhiêu nghề khác trong xã hội, người làm nghề bảo mẫu còn phải hội đủ những phẩm chất cao đẹp mà một người hành nghề bình thường khó có được như lòng yêu nghề, mến trẻ, sự thấu hiểu, quan tâm sâu sắc đến nhân cách chưa hoàn thiện của từng đối tượng (trẻ em), lòng khoan dung độ lượng, tha thứ và ngay cả… sự hy sinh nữa.
Những vụ lùm xùm về bảo mẫu hành hạ trẻ em đã xảy ra ở một số tỉnh thành không phải mới có, mà từ nhiều năm nay. Gần đây nhất là vụ xét xử tại Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức (TP.HCM) với bản án 3 năm tù giam cho từng bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý….
Một phiên toà có đến hàng ngàn người dân dự khán. Hội trường không đủ chỗ, tivi bố trí bên ngoài cũng không đủ. Toà án phải cần đến loa phóng thanh để đáp ứng. Ngoài ra, còn có biết bao người theo dõi sát sao vụ án qua các phương tiện truyền thông khác.
Tiếp đến không thể không nói đến trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ. Xã hội càng ngày càng văn minh tiến bộ, các bậc làm cha mẹ không còn cái thời “sanh năm đẻ bảy” nữa. Hiện tượng “quí tử nam, quí tử nữ” không còn dành riêng cho những gia đình giàu có mà đã trở nên khá phổ biến đối với mọi tầng lớp gia đình. Ngoài việc chăm lo cho con cái ăn ngon mặc đẹp, các bậc làm cha mẹ còn nhiều thứ để lo: Chọn trường, chọn lớp, chọn luôn cái…. nhất của con - giỏi nhất lớp, nhất trường, nhất quận….. Sự cưng chiều, chăm lo cho trẻ thái quá mà bỏ quên việc hoàn thiện nhân cách ở độ tuổi nhân cách còn khiếm khuyết, đôi khi làm lệnh chuẩn cách nghĩ và cách làm của trẻ.
Các “ông hoàng” , “bà chúa” ở trong gia đình bị “sốc” như người trên trời rơi xuống đất khi chúng bắt đầu vào các lớp mầm non, nhà trẻ - tức là lúc thay đổi cách ứng xử từ sự nuông chiều thái quá sang rèn nề nếp, nội quy…. ít nhiều gây khó khăn, trở ngại cho các bảo mẫu, nhất là trước áp lực làm sao cho trẻ ăn uống tăng cân, học hành tiến bộ theo ý các bậc cha mẹ chúng.
Trẻ em nếu được cha mẹ định hình sớm một nhân cách tốt khi còn ở gia đình, khi vào trường mầm non sẽ không còn là gánh nặng cho các bảo mẫu. Nói như vậy không có nghĩa là mọi việc sẽ suôn sẻ khi họ không có đủ những phẩm chất cần thiết ở người nuôi dạy trẻ mà trên hết là lòng yêu nghề mến trẻ.
Có yêu nghề mới chết sống vì nghề, mới yêu được trẻ. Vào trường lớp, không phải trẻ nào cũng được cha mẹ giáo dục nhân cách sớm. Ở lứa tuổi này, các cháu vẫn có sự khiếm khuyết về nhân cách và đó chính là lý do đòi hỏi bảo mẫu phải có những phẩm chất tốt đẹp để vừa dạy dỗ vừa hoàn chỉnh nhân cách các cháu.
Tôi có một cháu gái hiện là bảo mẫu ở một trường công lập. Những chuyện về trẻ mà tôi được nghe cháu kể lại có lúc phải dở khóc dở cười. Mới về nhận nhiệm sở được vài hôm, cháu bị ngay một bé đi đại tiện tại chỗ trong giờ sinh hoạt. Cháu thú thật là vì chưa có gia đình nên chuyện làm vệ sinh cho trẻ cháu rất sợ, dù vậy cháu vẫn hoàn thành công việc của mình với tình yêu thương của người mẹ và sau đó không quên ân cần dặn dò: “Lần sau nếu có… thì con… gọi cô”. Từ đó về sau, bé không còn tình trạng đó nữa. Cháu nói: “Đây là một bài học về lòng yêu nghề mến trẻ”.
Một lần khác, khi nghe tiếng sấm, một bé vội chạy đến ôm chân cháu vừa khóc vừa nói: “Con sợ lắm cô ơi, cô ôm con đi; cô không ôm, con về nói lại với mẹ thì mẹ… không cho tiền cô nữa!?" Cháu nói với tôi, khi nghe bé nói như vậy, vì lòng tự trọng cháu muốn bỏ nghề ngay tức khắc! Tất nhiên lỗi này không do bé mà do cha mẹ bé thiếu cẩn trọng với con.
Trách nhiệm cũng từ các trường đào tạo giáo viên mầm non khi những nơi này tuyển sinh chỉ qua kiến thức phổ thông và các kỹ năng khác như nhạc, họa… mà quên đi một số tố chất không kém phần quan trọng của thí sinh: Ý chí chọn ngành, đạo đức cần thiết của một ngành giáo dục đặc thù. Khi mà trách nhiệm từ nhiều phía được cộng hưởng, chắc chắn, những hệ lụy không mong muốn từ bảo mẫu và trẻ sẽ giảm thiểu đi rất nhiều nếu không muốn nói là không còn nữa.
Tác giả bài viết: Tú Nguyên
Nguồn tin: