Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hoàng tử của Lý Thái Tổ: Mãnh tướng tài ba, người được phong Thánh ngay khi vẫn sống!

Hoàng tử Uy Minh Vương Lý Nhật Quang sinh ở đất Thăng Long nhưng dành trọn cuộc đời của mình chống giặc ngoại xâm, chiêu dân lập làng, phát triển kinh tế ở vùng biên viễn phía Nam.
Hoàng tử thành Thăng Long

Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là hoàng tử thứ tám của vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), thân mẫu là hoàng hậu Trinh Minh, người có nguồn gốc họ Lê. Về năm sinh của Uy Minh Vương, cho đến thời điểm hiện tại chưa có tài liệu nào ghi chép một cách chính xác, còn năm mất của ngài là 1057, sau 15 năm làm Tri châu Nghệ An.

 
2 1479833776728 1480162373147
Hoàng thành Thăng Long xưa. Nguồn: Internet

Xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc cao quý, ngay từ thủa niên thiếu, cũng giống như những hoàng thân, quốc thích và chị em ruột của mình, hoàng tử Lý Nhật Quang được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi về kinh tế, chính trị và đặc biệt giáo dục theo nghi thức hoàng cung ở Thăng Long.

Trong thời gian vua Lý Thái Tổ trị vì (1009-1028), hoàng tử Lý Nhật Quang vẫn học tập, rèn luyện cũng như hưởng những đặc quyền ở kinh thành của vua cha.

Năm 1041 (đời vua Lý Thái Tông 1028-1054), lúc này hoàng tử Lý Nhật Quang đang giữ tước Uy Minh Hầu (năm 1044, vua phong tước Vương), được tin tưởng giao cho việc thu tô thuế ở vùng biên viễn phía Nam (vùng đất Nghệ An và một phần phía Bắc Hà Tĩnh ngày nay) vốn là địa bàn trọng yếu của quốc gia Đại Việt trong quá trình xác lập vương pháp và vương quyền nhà Lý.

Đây là sự kiện quan trọng cho thấy sự tin tưởng của nhà vua và triều đình đối với ông, cơ hội và thách thức này định đoạt tên tuổi của hoàng tử Lý Nhật Quang.

 
3 1479833845481
Chân dung Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Nguồn: Hùng Trần

Mãnh Tướng trấn giữ phên dậu phía Nam

Sự hiện diện của Lý Nhật Quang trên vùng đất phía Nam của Đại Việt là nỗi khiếp sợ của kẻ thù.

Trong thời bình, chính sách của ông là khoan thư sức dân, chăm lo luyện tập. Học tập các bậc tiền nhân, ông thực hiện chính sách Ngụ binh ư nông (gửi một phần quân lính ở nhà dân, giúp dân sản xuất, khi cần thiết thì huy động chiến đấu để cơ động, tránh áp lực quân lương cho quốc khố).

Ngoài ra, ông còn quan tâm chuẩn bị lương thảo, quyết định thắng lợi trong những lần hành binh bình Chiêm của tướng sĩ nhà Lý. Đây là tài thao lược, cũng là công lao trận đầu không hề nhỏ của Lý Nhật Quang trước khi xung trận diệt giặc.



Trong cuộc hành binh tiến đánh Chiêm Thành bảo vệ biên giới phía Nam của vua Lý Thái Tông, cùng tham chiến, Uy Minh Hầu đã góp nhiều chiến công vào "ca khúc khải hoàn" năm 1044 (trong trận này, tướng sĩ nhà Lý chém được vua Chiêm là Sạ Đẩu).

Trên đường trở về kinh thành Thăng Long, qua đất Nghệ An, tại hành dinh đóng tại huyện Đô Lương ngày nay, Uy Minh Hầu được phong tước Vương và cờ Tiết việt, tiếp tục cai quản và giữ chức Tri châu Nghệ An.

 
4 1479833963963
Một phần thành Nghệ An. Nguồn: Internet

Nhiều năm sau đó, nhờ tài năng, uy đức và sự chỉ huy thần dũng của Uy Minh Vương, vùng biên viễn phía Nam luôn được giữ vững, giặc Chiêm Thành không dám sang xâm phạm. Dân chúng có điều kiện ổn định và phát triển kinh tế.

Hơn vậy, Uy Minh Vương còn góp phần giúp giải quyết xung đột trong nội bộ Chiêm Thành, tạo dựng mối quan hệ hòa hiếu giữa hai đất nước.

Kể về sự hi sinh lẫm liệt của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang trong việc đánh giặc, bảo vệ biên giới phía Nam, nhân dân trên vùng đất Nghệ An còn lưu truyền một truyền thuyết như sau:

"Trong trận cuối cùng tử chiến với giặc Lão Qua bảo vệ biên cương phía Nam Đại Việt, Ngài bị trọng thương. Tuy bị giặc chém mất đầu, xong Uy Minh Vương vẫn tiếp tục đặt đầu lên cổ, cưỡi ngựa trở về.

Khi đến vùng đất xã Lam Sơn (Nghệ An ngày nay), gặp một bà bán hàng (là bà Bụt hóa thân thành). Ngài hỏi xin một mảnh đất an nghỉ, bà lão nói cứ ven theo vệ cỏ may, ngựa chạy đến đâu thì đất của ông đến đó.

Ngựa của ngài chạy đến vùng đất thuộc xã Bồi Sơn (Đô Lương, Nghệ An ngày nay) thì quỳ xuống, Lý Nhật Quang ngã ngựa, đầu lìa khỏi cổ. Ngay lập tức mối đùn lên thành mộ, dân gian gọi là thiên táng. Nhân dân lập đền thờ Quả Sơn tại đây".

Còn theo sử sách: Sau khi từ chức Tri châu, Uy Minh Vương vẫn ở lại Nghệ An, cho đến cuối đời, ra đi thanh thản: Vương đang nằm, bỗng dưng không bệnh mà chết. Đó là năm 1057.

 
5 1479834073083
Lăng mộ Uy Minh Vương (Xã Bồi Sơn, Đô Lương, Nghệ An). Nguồn: Hùng Trần

Người chiêu dân dân lập ấp

Bên cạnh một mãnh tướng anh dũng trên chiến trường, trong vai trò Tri châu vùng xứ Nghệ, Uy Minh Vương đã góp phần "thay đổi" và phát triển vùng đất này so với giai đoạn trước đó, dân chúng no đủ, làng xã trù phú, binh cường, tướng mạnh, đất nước thái bình.

Trong suốt 15 năm làm Tri châu (1041-1056), với tời kinh bang tế thế, với tầm nhìn chiến lược và những chủ trương đúng đắn, táo bạo, Uy Minh Vương đã đề ra những chính sách tiến bộ để phát triển sản xuất, khoan thư sức dân, vỗ về, lấy việc trăm họ được no ấm, yên vui làm gốc của việc cai trị.

Công lao của Uy Minh Vương là rất to lớn. Ông đã tổ chức lãnh đạo dân chúng, tù binh khai mở được 5 châu, 27 trại, 56 sách tập trung chủ yếu ở đôi bờ sông Lam (Nghệ An); sông La (Hà Tĩnh); Nam Đàn, Con Cuông, Tương Dương,… (Nghệ An).

Đồng thời, ông còn chỉ huy đắp đê sông Lam, sông Đa Cái, phân bố lại dân cư, khuyến khích trồng lúa, nuôi tằm dệt vải, nuôi trâu bò, ngựa, động viên nhân dân ven sông, ven biển đóng tàu ra khơi. Để thúc đẩy giao thương, nhiều chợ cũng được lập ra thời kỳ này.

 
6 1479834128165
Núi Hồng sông Lam. Nguồn: Internet

Trong thời gian chưa đầy hai thập kỷ rời đất kinh thành đến với vùng đất xứ Nghệ, Uy Minh Vương đã làm cho vùng đất ông trấn giữ no ấm, thái bình, không còn nổi dậy chống triều đình như trước.

Ông đã làm thay đổi toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh ở lưu vực sông Lam, sông La… và trở thành vị quan của trăm họ, muôn dân. Ân uy của ông để lại cho đời sau thật hiếm có bậc quan nào sánh được, nhất là ở vùng đất xứ Nghệ.

Nhân thần trên khắp xứ Nghệ

Từ những công lao, uy đức to lớn của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang với vùng biên giới phía Nam Đại Việt thế kỷ XI, ngay từ khi ông còn sống, nhiều làng xã ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên (Nghệ An); Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Kỳ Anh (Hà Tĩnh)… ngày nay đã tôn thờ và coi ông như vị thánh sống.

Khi Uy Minh Vương về với đất tổ, trên nhiều làng xã ở Nghệ An, Hà Tĩnh đều lập đền thờ để tưởng nhớ công lao oanh liệt của ông.

Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, những nhà Nghệ An học, đền thời Uy Minh Vương so với các đền thờ nhân vật khác chiếm đa số trên vùng đất này.

Sức ảnh hưởng của Uy Minh Vương không chỉ khi ông tại vị, mà ngay cả khi tạ thế, nhân dân vẫn luôn tin tưởng vào sự giúp đỡ, uy dũng, rộng lượng vì dân, vì nước của Ngài, đem lại những điều may mắn, tránh những tai ương.

Vùng đất xứ Nghệ nổi tiếng với câu nói: Thanh cậy đế, Nghệ cậy thần, trong bốn ngôi đền thiêng bậc nhất Nghệ An, thì đền Quả Sơn thờ Uy Minh Vương xếp vị trí thứ hai (Nhất Cờn, nhị Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng).

 
7 1479834253534
Đền Quả Sơn thờ Uy Minh Vương (xã Bồi Sơn, Đô Lương, Nghệ An). Nguồn: Hùng Trần

Tài liệu tham khảo

Lý Tế Xuyên (1972), Việt điện u linh (bản dịch), Nxb Khoa học Xã hội, HN, Tr 53-54.

Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê (1998), Đại Việt sử ký toàn thư tập I. Bản kỷ quyển II, kỷ nhà Lý, Nxb Khoa học Xã hội, HN, Tr 262, 266.

Nguyễn Quang Hồng (2015), Uy Minh Vương Lý Nhật Quang trong tâm thức người Nghệ, Nxb Nghệ An, NA, Tr 12, 27-55.

Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm Định Việt sử thông giám cương mục. Chính biên, quyển III, Nxb Giáo dục, HN, Tr 124, 127.

Tác giả bài viết: Nhật Minh

Nguồn tin: