Fidel Castro và những lần thoát chết: 'Đơn giản là số mệnh'
- 08:03 27-11-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Fidel Castro: Từ anh hùng dân tộc đến huyền thoại thế kỷ 20: Cựu lãnh tụ Cuba Fidel Castro vừa qua đời ở tuổi 90, kết thúc một cuộc đời biến động, gắn liền với những biến cố quan trọng của nhân loại trong thế kỷ 20.
"Nếu thoát khỏi ám sát là một môn thi đấu Olympic, tôi sẽ giành được huy chương vàng", cố lãnh tụ Fidel Castro từng nói. Trong gần nửa thế kỷ, nhà lãnh đạo huyền thoại của Cuba được coi là một trong những mục tiêu ám sát hàng đầu của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và các nhóm lưu vong người Cuba.
Fabian Escalante, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Cuba (DI), từng khẳng định rằng cơ quan này nắm được 638 âm mưu ám sát Chủ tịch Fidel. Escalante là người chịu trách nhiệm bảo vệ ông Fidel trong suốt 49 năm.
'638 cách để tiêu diệt Castro'
Trong những nỗ lực ám sát bất thành nói trên, một số được CIA trực tiếp tiến hành, đặc biệt là trong nửa đầu thập niên 1960. Từ những năm 70 trở đi, các vụ ám sát hầu hết được thực hiện bởi những nhóm người Cuba lưu vong do CIA huấn luyện.
Câu chuyện nói trên là nội dung của bộ phim tài liệu "638 ways to kill Castro"(638 cách để tiêu diệt Castro) dài 75 phút trình chiếu trên kênh Channel 4 của Anh hồi năm 2006. Cuốn sách cùng tên viết bởi Escalante, người đóng vai trò quan trọng trong việc đập tan nhiều âm mưu ám sát nói trên, cũng đã được giới thiệu.
Nhà lãnh đạo Fidel Castro là mục tiêu ám sát hàng đầu của CIA trong gần nửa thế kỷ. Ảnh: Shutterstock.
Tuy nhiên theo Guardian, đa số các âm mưu ám sát đều "kỳ dị" và "khó tin" đến nỗi "phim James Bond cũng không thể nào có chuyện như vậy".
Biết Chủ tịch Fidel yêu thích lặn biển, CIA được cho là từng đầu tư nuôi một số lượng lớn động vật thân mềm. Ý định của CIA là nuôi được một con sò lớn để chứa được đủ lượng thuốc nổ làm chết người. Sau đó, họ sẽ sơn vỏ sò thật bắt mắt thu hút sự chú ý của ông Fidel khi ông ở dưới nước.
Câu chuyện trên được biết đến như là âm mưu "vỏ sò phát nổ". Tuy nhiên, các tài liệu được công bố dưới thời Tổng thống Bill Clinton cho thấy kế hoạch này đã được đem ra xem xét nhưng cũng như nhiều kế hoạch khác, đã không thành công trên thực tế.
Một âm mưu khác cũng có liên quan đến đam mê lặn biển của cố chủ tịch Cuba là "bộ đồ lặn nhiễm độc". Theo đó, bộ đồ lặn của ông Fidel sẽ bị làm nhiễm một loại nấm gây ra một căn bệnh mãn tính về da khiến ông từ từ suy yếu và chết.
Từ bom xì gà đến mafia
Cựu giám đốc tình báo Escalante nói từ năm 1960 đến năm 1965, CIA đã xem xét ít nhất 8 âm mưu để ám sát Chủ tịch Fidel. Trong số những nỗ lực đầu tiên này, CIA từng lên kế hoạch lén cho vào túi lãnh đạo Cuba một hộp xì gà bên trong chứa toàn thuốc nổ để giết chết ông trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
Tất nhiên, những nỗ lực trên đều bất thành, ngay cả khi Washington vạch ra chiến dịch Mongoose vào năm 1962 để lật đổ chính quyền tại Cuba. Nỗ lực được cho là tiến gần đến mục tiêu nhất của CIA là vụ cơ quan này thuê mafia đầu độc ông Fidel những năm 1963.
Theo một tập tài liệu mật 700 trang được tiết lộ vào năm 2007, CIA đã tiếp cận hai tên tội phạm nằm trong danh sách truy nã hàng đầu ở Mỹ là Salvatore Giancana và Santos Trafficant. Cho đến khi ông Fidel tiến hành lật đổ chính quyền Batista vào năm 1959, giới mafia Mỹ thường hối lộ quan chức Cuba để kinh doanh khách sạn, sòng bài... ở đảo quốc này.
Xì gà là món yêu thích của Chủ tịch Fidel và từng trở thành công cụ ám sát ông. Ảnh: AFP.
Thế nhưng ông Fidel đã làm đảo lộn tất cả. Ông tịch biên các cơ sở làm ăn của giới mafia Mỹ và trục xuất họ về nước. Việc này khiến những kẻ như Giancana và Trafficant bất mãn và hình thành nên mối quan hệ "bất thường" giữa họ và CIA.
Năm 1961, CIA giao cho 2 tên tội phạm tổng cộng 6 viên thuốc độc. Sau đó, 2 tên này nhờ vả Juan Orta, một quan chức Cuba nhận hối lộ từ giới mafia và là người được quyền tiếp cận Chủ tịch Fidel. Tuy nhiên, Orta được cho là quá nhát gan nên nỗ lực đầu độc bất thành, dù phi vụ được kéo dài suốt nhiều tháng.
Tài liệu nói trên cho biết âm mưu đầu độc đã được CIA gỡ bỏ sau sự kiện Vịnh Con Lợn vào tháng 4/1961. Tuy nhiên, Escalante nói sau đó nhiều nỗ lực đầu độc khác đã được giới mafia tiến hành. Năm 1963, một số viên thuốc độc được giấu trong lọ thuốc aspirin được mafia đưa đến khách sạn Havana Libre để cho vào ly chocolate đá xay của ông Fidel.
Thế nhưng, viên thuốc con nhộng bị kẹt trong tủ đông và hỏng khi người nhân viên bồi bàn đến lấy để tiến hành âm mưu. "Đó là lúc CIA tiến gần nhất đến mục tiêu ám sát ngài Fidel", ông Escalante nói với Reuters.
Ám sát hụt bởi nhân tình
Một trong những câu chuyện nổi tiếng là lần CIA thuê Marita Lorenz, nhân tình cũ của ông Fidel, để cô này chuốc thuốc độc nhà lãnh đạo vào năm 1960.
Lorenz, người Mỹ gốc Đức, là người tình của ông Fidel vào năm 1959 cho đến khi cô có thai và đột nhiên bị ốm. Khi cô quay về Mỹ, CIA nói rằng ông Fidel đã bí mật sắp xếp cho cô phá thai.
CIA đã thuyết phục Lorenz trở lại Cuba ám sát người tình của mình vì "lợi ích của nước Mỹ". Vai trò của cô rất đơn giản: cho viên thuốc độc đã được CIA chuẩn bị vào ly nước của ông Fidel rồi "chuồn êm".
Do lo sợ bị phát hiện, Lorenz đã giấu viên thuốc trong cốc kem của mình. Thế nhưng, viên thuốc bị tan chảy và Lorenz đã có quyết định không sáng suốt là đút kem vào miệng người tình khi ông đang ngủ.
Bà Marita Lorenz bên cạnh bức ảnh chụp bà và Chủ tịch Fidel Castro. Ảnh: AP.
Theo Lorenz, ông Fidel đã sớm nhận ra kế hoạch của cô. Nhà lãnh đạo đưa cô khẩu súng và bảo cô bắn ông. Dĩ nhiên, Lorenz đã không làm được.
"Tôi nghĩ ông ấy sẽ bắn tôi nhưng ông ấy đã đưa tôi khẩu súng và hỏi 'Em đến để giết tôi ư?'. Sau đó ông ấy rít một hơi xì gà và nhắm mắt lại. Ông ấy làm thế bởi vì ông ấy biết tôi không thể làm được điều đó. Ông ấy vẫn yêu tôi và tôi vẫn yêu ông ấy", Lorenz kể lại.
Cuối cùng, Lorenz sà vào vòng tay người tình.
'Đơn giản chỉ là số mệnh'
Theo Escalante, các đời tổng thống Mỹ từ Eisenhower đến Bill Clinton đều cố gắng loại bỏ nhà lãnh đạo Cuba. Trong đó, chính quyền Eisenhower thực hiện 38 lần, Kennedy 42 lần, Johnson 72, Nixon 184, Carter 64, Reagan 197, Bush "cha" 16 và Clinton 21 lần.
Tuy nhiên, tính chính xác của những con số này, nhất là từ thời Nixon trở đi, cũng như con số 638 nỗ lực ám sát đã nói, vẫn luôn là điều tranh cãi.
Nỗ lực ám sát ông Fidel được biết đến gần đây nhất là vào năm 2000 trong thời gian ông ở thăm Panama. Khoảng 90kg thuốc nổ có sức công phá lớn được đặt bên dưới khán đài nơi ông Fidel dự kiến phát biểu.
Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra hiện trường, lực lượng an ninh của chủ tịch Cuba đã kịp thời ngăn chặn âm mưu này. 4 người bị bắt, trong đó có Louis Posada, một người Cuba từng lưu vong rồi trở thành nhân viên của CIA. Họ bị tống giam nhưng sau đó được ân xá và ra tù.
Nhà lãnh đạo Fidel Castro qua đời hôm 25/11, hưởng thọ 90 tuổi. Ảnh: Shutterstock.
Dù không thành, những nỗ lực ám sát nói trên rõ ràng đã thay đổi thói quen sinh hoạt của Chủ tịch Fidel. Theo Guardian, những năm đầu lên nắm quyền, ông thường xuyên đi dạo một mình nhưng sau đó không làm vậy nữa. Người đóng thế được sử dụng và bản thân vị lãnh đạo phải chuyển nơi ở khoảng 20 lần trên toàn đất nước Cuba để sát thủ khó xác định vị trí.
Cho đến trước khi qua đời vào hôm 26/11, hưởng thọ 90 tuổi, nhà lãnh đạo huyền thoại dường như vẫn ngạc nhiên rằng mình có thể nhiều lần thoát chết đến vậy.
"Chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể sống đến từng này tuổi", Chủ tịch Fidel nói vào dịp sinh nhật năm nay. "Đó không phải là kết quả của bất kỳ sự cố gắng nào, đó chỉ đơn giản là số mệnh".
Tác giả bài viết: Đông Phong
Nguồn tin: