Gặp cô học trò giỏi Hóa, mê chế tạo máy móc
- 16:47 25-11-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hơn 1 tháng trôi qua, trong căn nhà nhỏ của Nguyễn Việt Trinh (thôn Jang Cách, xã Đắk Đrô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) vẫn râm ran niềm vui. Mọi người trong gia đình, hàng xóm đều vui mừng khi hay tin cô học trò vùng cao này đạt được thành tích đáng ngưỡng mộ: Học sinh giỏi tỉnh Đắk Nông, đặc biệt là Giải ba cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2016.
Cô học trò mê chế tạo máy móc trong lần ra Hà Nội nhận giải ba Cuộc thi sáng tạo toàn quốc 2016
Nhưng hẳn sẽ có nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng, cô bé vừa nhận giải Ba cuộc thi Sáng tạo toàn quốc ấy, chủ nhân của đề tài “phanh điện từ” lại là một dân chuyên Hóa, có niềm đam mê mãnh liệt với máy móc.
Cô học trò giỏi Hóa, mê Lý
Chúng tôi gặp Nguyễn Việt Trinh (học sinh lớp 12A3, trường THPT Krông Nô) trong lúc cả gia đình em đang tất bật chuẩn bị đồ đạc để Trinh bước vào giai đoạn ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, Trinh mời chúng tôi vào nhà nói chuyện. Căn nhà nhỏ nơi Trinh sống cùng bố mẹ và 4 anh chị em được treo đầy những tấm giấy khen, huy chương các loại.
Dường như đã quá quen với việc đứng trước đám đông thuyết trình, Trinh tỏ ra khá bạo dạn khi trò chuyện với những người khách lạ.
Trinh tự hào khoe với chúng tôi, em là một trong năm học sinh xuất sắc của tỉnh Đắk Nông được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi Hóa của tỉnh. Chỉ một vài ngày nữa, em sẽ tạm xa gia đình 2 tháng để bước vào thời kỳ ôn luyện vất vả. Cô bé chia sẻ: “Em chỉ hy vọng mình có thể ôn luyện và làm bài thi tốt nhất để không phụ lòng bố mẹ, thầy cô.”
Nói về cơ duyên đưa em đến giải Ba cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2016, cô học sinh giỏi Hóa cho hay: “Xuất phát từ thực tế địa lý địa phương nhiều đèo dốc nên hay xảy ra tai nạn giao thông. Trong số những tai nạn ấy thì nguyên nhân trực tiếp nhất là hệ thống phanh của những chiếc ô tô. Nhận thấy hệ thống phanh có nhiều nhược điểm nên em nảy ra ý tưởng chế tạo một thiết bị làm hạn chế lực ma sát và giảm bớt nhiệt khi các chi tiết ma sát với nhau.”
Nguyễn Việt Trinh bên cạnh mô hình “Phanh điện từ” do mình làm chủ nhiệm
Nguyễn Việt Trinh nhận giải ba cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên tỉnh Đắk Nông
Trinh mang những ý tưởng trong đầu đề xuất lên Ban giám hiệu nhà trường và được các thầy cô khuyến khích phát triển. Lúc đầu, cô bé chỉ nghĩ đơn giản là tạo ra một mô hình để phục vụ cho việc học tập nên từ những kiến thức học được trong sách giáo khoa, em đã xây dựng ý tưởng trên. Tuy nhiên được sự hỗ trợ của thầy cô nên Trinh đã mạnh dạn thực hiện đề tài này.
Giải thích nguyên lý hoạt động của “phanh điện từ”, Trinh dẫn giải: “Đề tài này em ứng dụng dòng điện Fuco, thay thế những cuộn dây chuyển động trong từ trường bằng một đĩa kim loại dày và đặc. Điểm đặc biệt của mô hình này là kích thước được thiết kế nhỏ gọn, nhưng vẫn đảm bảo được tác dụng của bộ phanh.
Điểm quan trọng nhất, “phanh điện từ” có thể hạn chế tình trạng mất phanh khi xuống đèo dốc, tránh được tình trạng hư hỏng, cháy nổ do va quẹt”, nữ sinh chia sẻ thêm.
Đánh giá về công trình này, ông Trần Mạnh Đương, Chủ tịch Hội liên hiệp khoa học tỉnh Đắk Nông cho biết: “Đề tài chế tạo “phanh điện từ” của Nguyễn Việt Trinh được hội đồng giám khảo đánh giá cao và cử đi thi Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2016. Công trình có tính ứng dụng, phù hợp với địa hình của địa phương Đắk Nông. Tuy nhiên, do mới chỉ là bước đầu nên nếu muốn thử nghiệm thực tế thì phải cải tiến một số vấn đề.”
Nuôi ước mơ trở thành chiến sĩ công an
Tuy giỏi Hóa, đam mê chế tạo máy móc nhưng Trinh cho biết, em không có định hướng theo những trường kỹ thuật. Ước mơ của Trinh là trở thành một chiến sĩ công an, theo chân người anh đi trước của mình, sau này có thể góp sức mình xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước.
Trinh chia sẻ, gia đình em có 5 anh chị em, hai anh chị trước cũng đang học đại học tại TP.HCM. Nhiều năm nay bố em sức khỏe yếu nên hạn chế lao động chân tay, mẹ trở thành trụ cột của gia đình. Một mình mẹ quán xuyến tất cả việc lớn bé trong nhà nên em không muốn học phí trở thành gánh nặng của gia đình.
“Dưới em còn có 2 đứa em khác nữa, trong khi anh chị cũng chưa ra trường nên em dự định thi vào các trường an ninh, quân đội với hy vọng sẽ đỡ đần được mẹ phần nào. Dù biết để được học tại những ngôi trường đó rất khó khăn, đặc biệt với nữ nhưng em sẽ cố gắng học thật tốt để không khỏi hối hận sau này.”
Cô Võ Thị Đào (mẹ của Trinh) chia sẻ với chúng tôi: “Trinh rất đam mê những môn khoa học tự nhiên như Hóa, Lý. Thấy con ngày ngày tập trung vào máy móc, gia đình cũng lo lắng sợ ảnh hưởng tới việc học kiến thức của em, nên nhiều lần cũng khuyên em dừng đề tài lại. Hiện nay, tính cả Trinh thì nhà cô có 5 đứa đi học nên gia đình cũng định hướng cho em theo học trường an ninh, quân đội để đỡ học phí. Tuy nhiên quyết định vẫn là ở em.”
Chia sẻ về dự định của mình, Trinh tâm sự, trước mắt em dành toàn bộ thời gian để chuẩn bị kiến thức tốt nhất cho các kỳ thi quan trọng sắp tới. “Khi đậu đại học, em sẽ cố gắng cải thiện “phanh điện từ” để có thể đăng ký bản quyền và ứng dụng trong thực tế.”
Nhận xét về cô học trò nhỏ của mình, thầy Trịnh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Krông Nô hãnh diện cho biết: “Tuy điều kiện gia đình và trường còn gặp nhiều khó khăn nhưng Trinh luôn cố gắng nỗ lực học tập, nghiên cứu. Thành công của Trinh là niềm tự hào không chỉ riêng với gia đình mà cả với nhà trường.”
Thầy Tiến cũng cho biết, ngoài công trình được nhà trường đầu tư 15 triệu đồng của Nguyễn Việt Trinh thì hàng năm nhà trường đều tổ chức các cuộc thi sáng tạo cấp trường. “Những đề tài tốt, có tính ứng dụng cao đều được trường cấp kinh phí thực hiện. Chủ trương này được đưa ra nhằm khuyến khích học sinh của trường sáng tạo, phát triển khả năng cá nhân”.
Gia đình hiếu học |
Tác giả bài viết: Dương Phong - Ảnh: NVCC
Nguồn tin: