Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuyện những anh hùng thầm lặng đã đặt cược tính mạng của chính mình để cứu người

Người hùng thầm lặng không giàu, không nổi tiếng, mỗi khi làm việc tốt, họ cũng không màng được trả ơn. Họ có thể xuất hiện đâu đó trên một vài bài báo nhưng khi mọi thứ qua đi, tất cả lại trở về với cuộc sống bình dị, lặng thầm cống hiến điều tốt đẹp cho xã hội.

Trong mắt bạn, anh hùng là người như thế nào? Liệu hình tượng ấy có giống như những chàng X-men trong phim hành động Mỹ, vừa lực lưỡng lại có sức mạnh siêu nhiên, chuyên làm nhiệm vụ giải cứu thế giới?

Ở đời thường, thật khó để tìm thấy hình mẫu như thế. Nhưng bạn hãy tin rằng, người tốt trong xã hội này thực sự có rất nhiều. Chẳng có sức mạnh thần tiên, chẳng có thân hình lực lưỡng, họ chỉ có một thứ duy nhất làm nội lực, đó là lòng thương người và tình yêu đặt vào giữa cuộc sống mà chính họ cũng nhận ra nó đem đến thật nhiều mạo hiểm, thậm chí phải đánh cược cả tính mạng của mình.

Người hùng thầm lặng không giàu, không nổi tiếng và đôi khi cũng không "soái ca" như người ta mong đợi. Mỗi khi làm việc tốt, chính họ cũng chẳng cần được trả ơn. Họ có thể xuất hiện đâu đó trên một vài bài báo nhưng khi mọi thứ qua đi, tất cả lại trở về với cuộc sống lặng lẽ. Ở nơi đó, dù chẳng còn được nhiều người nhớ mặt, gọi tên, họ vẫn tiếp tục âm thầm cống hiến, đóng góp cho xã hội bao điều tốt đẹp.

Khi mọi người chạy ra khỏi đám cháy, những anh hùng lại xông vào

Mỗi năm thường có không ít vụ hỏa hoạn lớn, nhỏ xảy ra. Chứng kiến cảnh khói lửa bốc lên ngùn ngụt, ai đó có thể chỉ lo tìm cách thoát thân, chạy càng xa càng tốt nhưng có những người, họ lại chuyên làm điều ngược lại. Không ai khác, ấy chính là các chàng lính cứu hỏa với tuổi đời có khi chỉ vừa 18-20.

 

Những người lính cứu hỏa xả thân xông vào đám cháy
 

Nếu sống ở Hà Nội, bạn hẳn vẫn chưa quên vụ cháy lán trại, cây xăng Sang Mạn ở Hoàng Mai, quán karaoke tại Nguyễn Khang (Cầu Giấy) hay gần đây nhất là vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra tại đường Trần Thái Tông. Trong bất cứ vụ việc nào, đám cháy dù lớn hay nhỏ, bạn đều thấy những anh lính mặc áo đen xuất hiện.

Họ ở đó, từ khi đám cháy nổ ra đến khi lửa tắt rụi hoàn toàn. Chữa lửa nhìn vậy nhưng đó thực sự là một công việc vô cùng nguy nan. Nhớ lại cảm giác khi bị thương trong lần tham gia chữa cháy tại vụ lán trại (Hoàng Mai), anh Bùi Tuấn Mạnh (Phòng cảnh sát PCCC số 8) vẫn chưa hết xúc động. "Lúc đó mình bị đinh sắt đâm xuyên qua giày, bị thương. Vì việc dập lửa quá gấp gáp nên cũng chẳng kịp để ý đến bản thân, chỉ mong sao chữa cháy càng nhanh, càng tốt".

 

Hình ảnh lính cứu hỏa chữa cháy tại cây xăng Sang Mạn.
 

 


Nỗi sợ hãi lớn nhất của họ không phải là cái chết mà chính là việc nhìn thấy nạn nhân mắc kẹt. Tuấn Mạnh từng chia sẻ, cậu đã vô cùng đau đớn khi chứng kiến cảnh 5 mẹ con đều thiệt mạng trong vụ cháy ở đường Hoàng Mai năm 2015. 

Tất cả những người lính cứu hỏa đang làm nhiệm vụ dập lửa ấy, họ chiến đấu không vì mong chờ sẽ có ngày được vinh danh hay đền ơn. Rất đơn giản, lửa đã bùng lên, họ nhất định phải dập cho tắt. Nhiệm vụ khi đã kề trên vai, chẳng thể nào thoái thác, bởi dập lửa cứu người, bấy lâu chính là mục đích sống của các chàng trai trẻ.

Người hùng lái xe tải dìu xe khách, cứu sống cùng lúc 30 mạng người

Hồi đầu tháng 9 vừa qua, tại quốc lộ 20 qua thị trấn Đạm Ri (Đạ Huoai, Lâm Đồng), xe khách do anh Phan Duy Toàn (40 tuổi, ngụ tỉnh Long An) chở 30 người bị mất phanh. Khi đổ đèo tại đoạn gần cuối đèo Bảo Lộc, anh Toàn vì cứu hành khách, đã nảy ra ý định đâm vào chiếc xe tải cỡ lớn do anh Phan Văn Bắc lái để giảm tốc độ.

 

Hiện trường vụ va chạm giữa xe khách của anh Toàn và xe tải của anh Bắc.
 

Dù bị xe khách đâm móp phần đuôi, tài xế Bắc vẫn tinh ý nhận ra chiếc xe này bị mất lái. Vì cứu người, anh đã dùng hết bản lĩnh, khéo léo điều khiển xe tải chạy cùng tốc độ để đuôi xe tiếp xúc với mũi ô tô khách, dìu phương tiện này xuống hết đoạn dốc khoảng 500m trên đèo Bảo Lộc cho đến khi cả hai dừng lại an toàn.

Việc làm của anh Bắc đã nhận được rất nhiều lời khen và cảm ơn của cộng đồng mạng vì hành động dũng cảm và ấm áp nghĩa tình. Để ghi nhận công lao của anh Bắc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã quyết định đặc cách trao cúp Vô lăng vàng 2016.

Tài xế Bắc - người hùng đã cứu sống hơn 30 hành khách trên xe khách.
 

Ngoài thái độ cảm kích, anh Bắc cũng nhận được sự công kích của không ít người. Họ tố anh đòi bồi thường, dùng dằng trong việc cứu người. Đáp lại tất cả những điều đó, anh Bắc chỉ bình tâm nói rằng: Điều quan trọng nhất là 30 hành khách đã an toàn.

Gặp lúc khó khăn, anh Bắc chính là vị cứu cánh của rất nhiều người. Làm điều tốt không vì đợi trả ơn, ai đó có thể cảm ơn, ai đó có thể nhớ đến anh hoặc cũng có thể buông lời gièm pha nhưng với anh Bắc, mọi thứ vẫn thế, cuộc sống và lòng tốt của anh không thay đổi. Đối với anh, chuyện có thể giúp 30 người an toàn thoát hiểm, đó chính là niềm vui không tiền bạc, danh vọng nào sánh kịp.

 

Tài xế Bắc nhận được cúp Vô lăng vàng và phần quà trị giá 450 triệu đồng. Nhưng có lẽ với anh, phần thưởng quan trọng nhất là 30 hành khách trên xe khách được an toàn.
 

Những người hùng thầm lặng trong vụ chìm tàu trên sông Hàn (Đà Nẵng)

Nhiều người hẳn vẫn chưa quên vụ chìm tàu kinh hoàng xảy ra hồi tháng 6 vừa qua. Chiếc tàu du lịch Thảo Vân 2, khi đó chở 56 hành khách (gồm cả người lớn và trẻ em) chìm trên sông Hàn. Một khung cảnh tan tác lập tức diễn ra, tiếng la ó, khóc nấc vang lên khi nhiều người phải bất lực nhìn người thân của mình bị nước sông nhấn chìm.

Vụ việc xảy ra, chính quyền Đà Nẵng đã dốc toàn lực để cứu chữa và giúp đỡ các nạn nhân. Nhưng ít ai biết rằng, trong giây phút sinh tử ấy đã xuất hiện không ít người hùng thầm lặng lao ra sông cứu người. Họ chính là các chủ tàu, thuyền viên làm việc gần hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn - những người mang đến cuộc sống thứ 2 cho nhiều nạn nhân.

 

Hiện trường vụ chìm tàu sông Hàn - Ảnh: FB Phi Trần
 

Nhớ lại những gì đã xảy ra, ông Đặng Ngọc Anh, một trong những người dân đầu tiên tham gia ứng cứu các nạn nhân mất tích kể: "Nghe tiếng kêu cứu, tôi thả phao và kêu gọi những tàu du lịch gần đó chạy tới tham gia giúp đỡ. Trong lúc vật lộn giữa sự sống và cái chết, tôi đã cứu được 5-7 người, chủ yếu là trẻ em. Các cháu hốt hoảng khóc thét, tôi vừa cứu vừa động viên". 
 

Ông Đặng Ngọc Anh kể lại lúc cứu được 5-7 người gặp nạn. Ảnh: Gia đình & Xã hội.
 

Ngoài ông Anh, hai anh em Lê Văn Phú (SN 1979) và Lê Văn Hoa (SN 1993) chủ tàu du lịch Phú Quý ĐNa 0577 cũng là những người tích cực nhất trong công tác cứu hộ. Thấy có tàu chìm, họ nhanh chóng lấy áo phao quẳng xuống để các nạn nhân bấu víu. Sau đó lần lượt đưa được khoảng 20 người vào bờ, rồi tiếp tục quay ra để tìm kiếm những nạn nhân còn lại.
 

Anh Lê Văn Phú cùng em trai đã cứu được 20 người gặp nạn. Ảnh: Gia đình & Xã hội.
 

Tất cả những người chủ tàu, thuyền viên ấy, ngày thường, họ đều là những con người bình thường nhưng vào khoảnh khắc sinh tử, họ như đều vụt biến hóa, trở nên thật lớn lao, phi thường, làm thay nhiệm vụ của lính cứu hộ một cách tuyệt vời.

Người đàn ông một mình cứu hơn chục mạng người trong vụ cháy Trần Thái Tông

Trong vụ cháy lớn xảy ra tại đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy), lính cứu hỏa cũng đã có 9 giờ liên tục chiến đấu với ngọn lửa. Hàng trăm chiến sĩ cảnh sát PCCC được huy động nhưng vì đám cháy quá lớn mà sức lực họ cũng chỉ có hạn. Nếu bạn nhìn lại những bức ảnh trên mặt báo, bạn hẳn sẽ thấy họ trở nên nhỏ bé như thế nào giữa biển khói mênh mông. Đám cháy quá lớn còn những chiếc lăng phun nước, phủ bọt của họ dường như quá nhỏ.

 

Hình ảnh về đám cháy xảy ra trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy - Hà Nội). Ảnh: Zing
 

Không chỉ đứng ngoài và trông chờ vào cảnh sát PCCC, có một người đàn ông khi đó đã hiên ngang xông vào vụ hỏa hoạn, cứu thoát khoảng hơn 10 người.

Người đàn ông đó tên là Phạm Đức Nhân (27 tuổi, quê Nghệ An). Nhớ lại sự việc, anh Nhân kể khi đó mình đi qua quán karaoke 68 và ngồi nói chuyện với bảo vệ ngay ngoài đường thì thấy một đám cháy ở tầng 2 nhưng chỉ mới chớm cháy nhỏ.

 

Anh Nhân - người cứu hơn 10 khách thoát ra khỏi quán karaoke.
 

"Tôi liền bảo với bảo vệ lên trên kiểm tra, vừa lên tới tầng 2 thì ngọn lửa bắt đầu bốc lên cháy biển quảng cáo. Lúc này, chúng tôi dùng bình cứu hỏa nhưng không biết cách sử dụng nên vứt ra rồi chia nhau đập cửa các phòng đang hát bên trong và hô hoán mọi người chạy thoát ra ngoài".

Theo anh Nhân, chỉ vài phút sau lửa cháy rất to, thang máy dừng hoạt động nên anh và nhiều người không thể lên được tầng trên hô hoán. Anh đưa được khoảng hơn 10 người thoát nạn ra ngoài.

Những tấm gương trên chỉ là vài mảnh ghép nhỏ trong số rất nhiều câu chuyện đẹp mà chúng tôi may mắn được biết. Trong cuộc sống này, chúng tôi luôn tin rằng, đâu đó vẫn còn rất nhiều người hùng thầm lặng khác. Họ có thể lo chuyện cứu người, bắt cướp, giúp sơ cứu người gặp tai nạn hoặc âm thầm cống hiến sức mình các công việc thiện nguyện.

Bạn có thần tượng một người hùng thầm lặng nào không? Hãy kể cho chúng tôi nghe về họ, những con người bình dị nhưng có một lúc nào đó, bỗng vụt trở nên lớn lao, cao thượng bởi lòng tốt, yêu thương con người tự đáy lòng.

Tác giả bài viết: THU HƯỜNG

Nguồn tin: