Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bắt giữ hơn 3 tấn mỡ và da bò bốc mùi “đi” trên xe tải

Kiếm tra xe tải chạy hướng Nam – Bắc, cơ quan công an thị xã Thái Hòa (Nghệ An) phát hiện hơn 3 tấn mỡ, da bò đã bốc mùi hôi thối.
Thông tin từ  Đội Hình sự - Kinh tế- Ma túy thuộc Công an thị xã Thái Hòa (Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với lực lượng CSGT 1.48 phát hiện và bắt giữ  hơn 3 tấn mỡ động vật, da bò vận chuyển trên xe tải.

Theo đó, vào khoảng 9h ngày 24/11, Tổ công tác Công an thị xã cùng lực lượng CSGT 1.48 tiến hành tuần tra kiểm soát tại Km26 trên QL48 thuộc địa phận xóm 5A, xã Nghĩa Thuận thì phát hiện một xe tải có dấu hiệu nghi vấn.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện trên thùng tải mang BKS: 29C – 396.95 do lái xe Đỗ Văn Dũng (SN 1966), trú tại huyện Thường Tín, TP Hà Nội điều khiển đang vận chuyển 2,1 tấn mỡ bò; 1,3 tấn da bò đã bốc mùi hôi thối.

 
da dv 2411
Xe tải chở hơn 3 tấn mỡ và da bò bốc mùi hôi thối.

Tổ công tác sau đó đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu lái xe đưa xe và tang vật về trụ sở Công an thị xã Thái Hòa để điều tra, làm rõ.

Trước đó, Công an huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cũng đã bắt và xử lý một cơ sở chế biến mỡ bẩn trên địa bàn.

Vào chiều ngày 21/11, nhận được tin báo từ người dân, tại hộ gia đình ông Phạm Xuân Liên, trú xóm Đông Phong, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đang sản xuất mỡ bẩn và gây ô nhiễm môi trường, công an đã có mặt kiểm tra.

Tại đây, cơ quan chức năng đã thu giữ 17 bao tải dầu, mỡ thành phẩm với trọng lượng hơn 700kg; hai thau chứa dầu, mỡ đang sản xuất chưa đóng bao bì và nhiều kg mỡ nước đang chế biến. Cơ sở không xuất trình được bất cứ giấy tờ liên quan như: giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng minh nguồn gốc, xuất xứ mỡ động vật.

Ông Liên khai nhận đã thu gom mỡ bẩn từ các lò mổ trong vùng, sau đó nấu thành phẩm và chở đi tiêu thụ tại Hà Nội.

 
Điều 3. Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả (Nghị định Số: 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm)

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

b) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

3. Ngoài hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm d, đ, e, g và h Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật trên cạn chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y trước khi sản xuất, chế biến thực phẩm;

b) Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa vi phạm;

c) Buộc hủy bỏ kết quả kiểm nghiệm được thực hiện từ mẫu thực phẩm bị đánh tráo hoặc giả mạo hoặc phiếu kết quả kiểm nghiệm được cấp sai quy định;

d) Buộc tiêu hủy giấy tờ giả;

đ) Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.
 

Tác giả bài viết: Tiến Thành

Nguồn tin: