Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bé bỏng nước sôi: Bố mẹ nên sơ cứu thế nào để an toàn cho con?

“Việc sơ cứu sau khi bé bị bỏng là rất cần thiết và không thể chậm trễ. Vì thế, cha mẹ cần phải có sự hiểu biết nhất định”.

Sau khi câu chuyện bé Q.T (3 tuổi, Định Hóa, Thái Nguyên) bị bỏng nặng do ngã vào chậu nước đun sôi được đăng tải đã khiến không ít người lo lắng, hoang mang. Ai cũng cho rằng, việc sơ cứu cho bé sau khi ngã nước sôi là rất cần thiết. Từ đó, dấy lên những câu hỏi “nên sơ cứu thế nào sau khi bé bị bỏng?”, “cần phải làm gì sau khi con bị bỏng”?

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, bác sĩ Nguyễn Thái Dũng (Trung tâm Da Liễu Nghệ An) cho hay: “Việc sơ cứu sau khi bé bị bỏng là rất cần thiết và không thể chậm trễ. Vì thế, cha mẹ cần phải có sự hiểu biết nhất định”.

Theo bác sĩ Thái Dũng, để đảm bảo an toàn cho con, chăm sóc bé đúng cách, bố mẹ bé cần phải nắm rõ quy trình sau:

Trước tiên cần làm mát vết bỏng: Cha mẹ cần đưa trực tiếp phần bị bỏng của bé vào vòi nước sạch. Cha mẹ vặn vòi nước cho vòi nước chảy chậm, chảy nhẹ để bé không bị xót. Bố mẹ cứ giữ như thế khoảng 15 phút nhằm mục đích giảm bớt nhiệt độ bỏng, giảm phù nề, tránh viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết bỏng, ngăn không để vết bỏng lan rộng ra.

 

Hình ảnh bé T bị bỏng khiến không ít người xót xa (Ảnh: Hùng Sơn).

Trong trường hợp vết bỏng nằm dưới lớp quần áo, giày, dép cha mẹ nên nhẹ nhàng cởi quần áo, cũng như giày dép của bé. Tốt nhất bố mẹ nên lấy kéo cắt nhẹ quần áo để tránh việc quần áo dính quá chặt vào vết bỏng gây đau, rát. Phải từ từ để tránh việc làm bóc da, hay tổn thương vết bỏng, gây nhiễm trùng và đau con.

Quá trình xử lý vết bỏng cho con, các bậc cha mẹ nên nhớ không nên dùng các phương pháp như dùng kem đánh răng làm mát vết bỏng, càng không được chườm đá lạnh lên vết bỏng. Bởi việc chườm đá quá lạnh sẽ gây nên phản ứng ngược.

Dùng gạc sạch, vải mỏng che phủ vết thương: Sau khi làm mát sơ cứu vết thương bố mẹ nên dùng gạc sạch, vải sạch để phủ lên vết bỏng. Cha mẹ nên nhớ không nên băng quá chặt làm tổn thương vết bỏng.

Khi đã có những bước sơ cứu trên, cha mẹ nên đưa bé tới bệnh viện hoặc Trung tâm y tế gần nhất để bác sĩ chuyên khoa điều trị cho bé kịp thời.

Các bậc cha mẹ cũng nên lưu ý, trong quá trình điều trị cho bé bị bỏng nước sôi, bố mẹ cũng nên quan sát xem con có bị sốc hay không. Bởi trẻ nhỏ rất dễ hoảng loạn, vì thế nếu thấy bé có dấu hiệu sốc, sau khi sơ cứu cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện để bác sĩ theo dõi và điều trị kịp thời. Trong quá trình di chuyển bố mẹ cũng nên dỗ dành con, trấn an tâm lý cho con.

Tác giả bài viết: Thanh Bình

Nguồn tin: