Nỗi ám ảnh nơi những cơn lũ quét đi qua
- 08:01 24-11-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cơn lũ quét kinh hoàng xảy ra ngày 14/9/2016 tại bản làng ở xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã đi qua, nhưng những thiệt hại, sự ám ảnh cùng nỗi lo lắng của những người dân sống nơi miền sơn cước này vẫn đang hiện hữu từng giờ.
Chúng tôi về bản Văng Cuội, xã Yên Tĩnh khi mặt trời đã gác núi từ lâu, song chỉ lác đác vài căn nhà có khói lam chiều vờn quanh gác bếp. Hầu hết những người dân nơi đây vẫn đang mải miết, tất bật trên nương rẫy để thu hoạch vụ gặt cuối năm. Họ đang cố vớt vát lại chút tài sản cuối cùng để bù đắp những mất mát do cơn lũ đã cuốn đi.
Ngôi nhà của vợ chồng anh Moong
Đến đầu bản, đập vào mắt chúng tôi là căn nhà tạm bợ được lợp bằng lá cọ nằm chênh vênh bên dốc đồi của anh Tha Văn Moong. Căn nhà cũ cùng tài sản của gia đình anh đã bị trận lũ quét hồi tháng 9 cuốn trôi sạch. May mắn là không thiệt hại về người do gia đình anh đã kịp thời chạy lên nhà anh họ ở nhờ.
Bế đứa con gái vừa tròn 1 tháng tuổi còn đỏ hỏn trên tay, chị Dần vợ anh Moong vẫn chưa hết bàng hoàng khi hồi tưởng lại ngày bị lũ quét càn qua nhà chị. Tất cả gia tài của 2 vợ chồng tích cóp bao lâu nay, là căn nhà nơi che nắng che mưa, nơi trú ngụ của 5 thành viên trong gia đình, cùng 5 con lợn, 10 con gà trong phút chốc đã bị dòng nước lũ cuốn trôi. Giờ đây, gia đình anh chị đang phải sống trong căn nhà tạm bợ ở vị trí cao hơn với hy vọng không phải đối mặt cùng những cơn lũ quét kinh hoàng nữa, song nỗi lo lắng vẫn còn đó vì chưa có điều kiện để làm lại nhà chắc chắn, kiên cố hơn.
Chị Dần vợ anh Moong gùi củi về nhà
Rời bản Văng Cuội, chúng tôi tìm đến bản Pa Tý, một trong những bản làng chịu thiệt hại nặng nề do cơn lũ quét ngày 14/9/2016 càn qua. Toàn bản có 68 hộ, thì có đến 32 hộ bị ngập, một số hộ bị ngập sâu, nước cuốn trôi nhà và nhiều tài sản có giá trị.
Ông Lô Ba Duy – Trưởng bản Pa Tý cho biết: “Lũ quét từ lâu đã là nỗi ám ảnh, lo sợ đối với những người dân ở đây, lũ quét thường xảy ra nhanh, nước đổ về dồn dập nên người dân trở tay không kịp. Trong đợt lũ vừa rồi, nhờ đoán được sẽ có lũ lớn nên người dân đã kịp thời di dời lên khu vực cao hơn để tránh lũ, nhưng nhà cửa và tài sản thì không thể chuyển kịp. Người dân đành bất lực đứng nhìn tài sản của mình trôi theo dòng nước lũ”.
Dẫn chúng tôi đến nhà anh Lương Văn Thêm, trưởng bản Lô Ba Duy không khỏi ngậm ngùi khi nhắc đến những khó khăn mà gia đình anh Thêm đã và đang phải gánh chịu. Gia đình vốn dĩ đã nghèo với 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào việc làm nương rẫy, vợ lại thường xuyên đau ốm. Vậy mà trong đợt lũ vừa rồi gia đình anh đã bị cuốn trôi tất cả nhà cửa và tài sản. Sau lũ, được sự giúp đỡ của bà con, anh em, làng xóm, cố gắng lắm anh mới dựng tạm lại được căn nhà.
Ngôi nhà gần suối của gia đình ông Thuyết chuẩn bị phải di dời
Cách nhà anh Thêm không xa, gia đình ông Lữ Văn Thuyết 54 tuổi, cũng trong tình trạng tương tự. Trong đợt lũ quét vừa rồi, căn nhà sàn của gia đình ông bị ngập sâu hơn 2m, mọi tài sản trong nhà đều bị lũ cuốn phăng hết. Ông trở nên trắng tay từ sau cơn lũ.
Chỉ lên mảnh đất đồi cao phía trước mặt, ông Thuyết cho biết, đó là nền đất mới gia đình ông sẽ chuyển nhà lên đó ở để tránh mưa lũ. Nhưng để chuyển được lên đó gia đình ông cần 60 triệu đồng mới đủ. Ngoài nguồn kinh phí được hỗ trợ là 20 triệu đồng, ông sẽ phải vay mượn thêm anh em, bạn bè. Theo ông, ông còn may mắn hơn một số hộ khác vì đã có nền nhà mới và vị trí cũng gần nhà cũ. Còn đối với những hộ có vị trí nền nhà mới cách xa nhà cũ khoảng vài km thì kinh phí vận chuyển sẽ còn cao hơn nhiều.
Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, UBND huyện Tương Dương đã có quyết định hỗ trợ các hộ dân vùng rốn lũ di dời đến vị trí mới cao hơn với số tiền 20 triệu đồng/hộ. Theo kế hoạch đến tháng 12 năm 2016, toàn bộ 31 hộ sẽ chuyển đến chỗ ở mới. Song đến nay, vẫn còn nhiều hộ dân ở Yên Tĩnh vẫn chưa đủ điều kiện để di dời. Như ở bản Pa Tý, đợt này 7 hộ có nguyện vọng được di dời, nhưng chỉ 5 hộ có đủ điều kiện để thực hiện. Còn lại những hộ khó khăn như gia đình anh Lương Văn Thêm, Lương Văn Tùng, Vi Văn Dậu – những hộ hầu như mất trắng toàn bộ nhà cửa và tài sản trong đợt lũ quét vừa qua thì giấc mơ đó vẫn còn xa vời.
Chia tay những bản làng heo hút nằm chênh vênh bên con suối Chà Hạ nơi miền biên viễn, chúng tôi không khỏi bị ám ảnh bởi những lớp bùn đất đã khô còn sót lại sau cơn lũ. Ở đó hàng chục ngôi nhà, hằng năm vẫn đang gồng mình chống chọi với lũ dữ với bao khó khăn chất chồng và nỗi ám ảnh khôn nguôi mỗi khi cơn lũ quét đi qua.
Tác giả bài viết: Thảo My-Bảo An
Nguồn tin: Báo Công Lý
Nguồn tin: Báo Công Lý