Dạy chữ, nghĩa cho trẻ em nghèo
- 14:39 23-11-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cô Thủy đang dạy toán lớp 3. ẢNH: THANH DŨNG
Lớp tình thương giữa lòng thành phố
Nhiều năm qua, một lớp học chỉ rộng hơn 15 m2 nằm sâu trong con hẻm ở khóm Nguyễn Du, P.Mỹ Bình (TP.Long Xuyên, An Giang) ngày nào cũng rộn vang tiếng trẻ ê a học bài. Cô Phan Thu Thủy (52 tuổi, ngụ TP.Long Xuyên) cho biết hơn chục năm trước, thấy trong xóm có nhiều trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn không đi học nên địa phương đã thành lập lớp học tình thương, vận động phụ huynh cho con cháu đi học để biết mặt chữ. Lúc này, cô Võ Thị Giỏi, giáo viên nghỉ hưu ở TP.Long Xuyên đã tình nguyện dạy miễn phí cho các trẻ. Tuy là lớp học tình thương nhưng vẫn tổ chức thi như các trường học khác dưới sự giám sát của Phòng GD-ĐT TP.Long Xuyên.
Lúc đầu, do chưa có phòng học nên địa phương đã sửa sang chốt văn phòng khóm thành lớp học, bàn ghế sách vở thì kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ. Lớp học bắt đầu từ 7 giờ 30 và kết thúc lúc 10 giờ, học 5 buổi từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, thu hút hơn chục trẻ theo học; trong đó có những học sinh tuổi đã 16 nhưng trình độ mới lớp 2, nhiều em tuổi đã lên 10 nhưng đọc chữ cứ đánh vần ấp a ấp úng...
Tới năm 2013, cô Giỏi do tuổi cao, sức yếu nên không thể tiếp tục lên lớp. Hay tin lớp học thiếu người giảng dạy trong nhiều tháng liền, cô Phan Thu Thủy đã tự nguyện đến dạy miễn phí cho đến nay. Cô Thủy cho biết lớp học hiện có 14 học sinh, trình độ cao nhất là lớp 4. Học sinh nhỏ nhất 7 tuổi, lớn nhất là 17 tuổi. Theo cô Thủy, học trò trong lớp rất đáng thương, nghèo đến tận cùng, có em mồ côi cha hoặc mẹ, có em bị ba mẹ bỏ nên từ nhỏ phải sống chung với ông bà, có em sinh ra ở Campuchia nên không có giấy khai sinh…
Dạy các em biết lễ nghĩa
Em Trương Thị Lài (9 tuổi) do hoàn cảnh nghèo nên không thể đến trường, nhờ theo lớp học tình thương nay em đã biết viết. Còn em Trần Thị Ngọc Huyền (13 tuổi) nhưng mới “ì ạch” học lớp 3… Sáng các em đi học nhưng buổi trưa, chiều tối phải giúp đỡ người thân việc nhà hoặc bán vé số kiếm tiền. Trong lớp học này, có cả 2 chị em ruột Trần Thị Thảo (9 tuổi), Trần Văn Hiếu (8 tuổi) cùng theo lớp 2.
Cô Thủy nói lớp học có 14 em nhưng là lớp ghép từ lớp 1 đến lớp 4 nên xem như một mình cô phải đứng 4 lớp nên rất cực. Được một điều là các em đều ý thức được hoàn cảnh của mình nên rất chăm học, ít khi nào nghỉ học mà không có lý do. “Cô Giỏi và tôi khi đứng lớp ngoài dạy chữ còn cố gắng dạy các em lễ nghĩa, đạo lý ở đời. Do vậy, hầu hết các học trò ở đây đã bỏ được các thói quen xấu như hỗn hào, chửi tục, đánh lộn, nghiện game…”, cô Thủy bộc bạch.
Gần đây, lớp học tình thương được cộng đồng quan tâm hơn. Phòng học được lắp đặt quạt máy nên bớt nóng nực, còn các học trò quá khó khăn nghèo thì được phát cơm miễn phí mỗi ngày. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên Trường ĐH An Giang cũng hay đến đây phụ cô Thủy kèm cặp, chỉ bảo thêm các em. Vào các ngày thứ bảy, chủ nhật các em còn được dạy thêm môn kỹ năng sống nên lớp học ngày càng vui nhộn…
Cô Thủy tâm sự: “Vào các ngày lễ phụ nữ hay ngày Nhà giáo VN, nhiều em còn tự tay thiết kế thiệp tặng cô giáo. Với tôi, những tấm thiệp mang dòng chữ nguệch ngoạc như “Con yêu cô Thủy lắm”…là món quà vô giá, nó khiến lòng mình ấm áp vô cùng. Bởi vậy, tôi tâm niệm ngày nào còn sức vẫn còn đứng lớp dạy các học trò nghèo biết cái chữ, cái nghĩa ở đời”…
Vào các ngày lễ phụ nữ hay ngày Nhà giáo VN, nhiều em còn tự tay thiết kế thiệp tặng cô giáo. Với tôi, những tấm thiệp mang dòng chữ nguệch ngoạc như “Con yêu cô Thủy lắm”... là món quà vô giá, nó khiến lòng mình ấm áp vô cùng. Bởi vậy, tôi tâm niệm ngày nào còn sức vẫn còn đứng lớp dạy các học trò nghèo biết cái chữ, cái nghĩa ở đời Cô Phan Thu Thủy |
Tác giả bài viết: Thanh Dũng
Nguồn tin: