Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vừa chào đời, bé gái đã có 2 chiếc răng cửa

Chị P. và gia đình vô cùng ngạc nhiên pha lẫn thích thú khi con gái đầu lòng vừa sinh ra đã có 2 chiếc răng cửa ở hàm dưới.
Bé gái vừa chào đời đã có 2 răng sữa.
 
Trưa 22/11, sản phụ N.T.T.P. (27 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) đã sinh con gái đầu lòng tại BV Phụ sản Hùng Vương (TP.HCM). Điều thú vị là bé gái vừa sinh ra đã có 2 chiếc răng cửa ở hàm dưới.

Là người trực tiếp hỗ trợ cho chị P. "vượt cạn", ThS.BS Nguyễn Hữu Trung – Giảng viên khoa Phụ sản, Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, chị P. sinh thường, thai nhi được 29 tuần tuổi, bé gái nặng 3,1 kg.

"Khi đón cháu bé ra, tôi khá ngạc nhiên vì hàm dưới của bé nhú 2 chiếc răng cửa. 18 năm trong nghề, đây là lần đầu tiên tôi gặp trường hợp này.

Hiện tại, sức khỏe sản phụ và cháu bé đều ổn định. Về việc bé có 2 chiếc răng khi vừa mới sinh là trường hợp hiếm gặp chứ không gây nguy hiểm. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sức khỏe cháu trong thời gian tới".

 
2 chiếc răng của bé gái vừa chào đời tuy bị lệch nhưng mọc khá đầy đủ.

Tại bệnh viện, chị P. cho biết, đây là con đầu lòng nên chị và chồng khá cẩn thận trong những tháng mang thai. Khi chị đi khám định kỳ, bác sĩ thông báo, thai nhi vẫn phát triển bình thường, khỏe mạnh. Tuy nhiên, bác sĩ chuẩn đoán chị bị giảm tiểu cầu, có nguy cơ băng huyết cao khi sinh khiến cả nhà rất lo lắng.

Chị P. kể: "Nghe tới băng huyết khi sinh, ai cũng phải sợ, vì vậy khi gần đến ngày dự sinh, chồng tôi đã đưa tôi đến bệnh viện khám lại. Lúc đó, thai nhi cũng không có gì bất thường. Khi tôi "vượt cạn" thành công, bác sĩ thông báo, con tôi có 2 chiếc răng, tôi vô cùng ngạc nhiên.

Ban đầu, tôi rất lo lắng nhưng nghe bác sĩ nói em bé mới sinh có 2 chiếc răng là chuyện hiếm chứ không phải bệnh tật gì, tôi cũng yên tâm. Khi tôi nói với chồng, anh ấy cũng thấy thú vị".

Lần đầu có con, con gái lại có sự đặc biệt, anh H. (28 tuổi, chồng chị P.) cũng hơi sợ khi nghe vợ thông báo.

"Khi hỏi bác sĩ và hiểu về hiện tượng này, tôi cũng đã yên tâm. Bác sĩ nói chỉ cần theo dõi quá trình bé phát triển có gì bất thường hay không chứ về răng thì không đáng lo ngại. Hiện tại, tôi rất hạnh phúc khi vợ và con đều khỏe mạnh.", anh H. bày tỏ.

 
18 năm trong nghề, đây là lần đầu tiên ThS.BS Nguyễn Hữu Trung gặp trường hợp này.

Chia sẻ thêm về trường hợp hi hữu này, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung cho hay, trong y học, răng của trẻ đã bắt đầu hình thành từ giai đoạn phôi thai, ở mức độ mầm răng. Sau khi đứa bé được sinh ra và phát triển đến một giai đoạn nhất định thì răng mới bắt đầu mọc. Trẻ mọc răng sớm hay muộn đều là chuyện bình thường, không đáng lo ngại.

Giai đoạn mọc răng ở trẻ là từ 4-8 tháng, 2 răng cửa hàm dưới sẽ mọc trước rồi đến những răng khác. Cũng có trường hợp trẻ mọc răng không theo quy luật nào, tức là răng trẻ bắt đầu mọc ở những vị trí khác nhau. Tùy theo sự phát triển của từng đứa trẻ mà thời gian mọc răng sẽ có sự chênh lệch.

Thời gian mọc răng của trẻ phụ thuộc vào yếu tố di truyền từ bố và mẹ, dinh dưỡng… Dù vậy, việc mọc răng sớm hay muộn, hoặc vừa mọc ngay khi sinh vẫn không ảnh hưởng đến sự phát triển của đứa bé. Tại BV Phụ sản Hùng Vương cũng đã có vài trường tương tự", bác sĩ Trung cho biết thêm.

 
Trẻ vừa mới lọt lòng đã mọc răng được biết với tên khoa học là Natal Teeth, chiếm tỉ lệ 1/2000 – 1/3000 trẻ. Đôi khi có những trường hợp bé không mọc răng ngay khi sinh, răng cũng có thể mọc trong vòng 30 ngày đầu tiên sau khi em bé ra đời. Đa số răng của bé sơ sinh mọc ở hàm dưới, cấu trúc răng chưa hoàn thiện nên dễ lung lay.

Do mọc sớm, răng chưa được vôi hóa một cách hoàn toàn nên dễ bị gây tổn thương hay mài mòn hơn. Răng có thể đổi màu sang màu vàng, nâu một cách nhanh chóng.

Nguyên nhân của hiện tượng này là di truyền, chế độ dinh dưỡng của bà mẹ trong giai đoạn mang thai, hoặc cũng có thể ngay từ trong bụng mẹ, mầm răng đã được đặt sai và cao hơn vị trí bình thường của nó nên chúng cũng nhú ra sớm hơn.

Việc mọc răng ngay khi sinh là một hiện tượng hiếm xảy ra nhưng không có gì đáng lo ngại cho sức khỏe của bé. Tuy nhiên, bé mọc răng ngay khi được sinh ra có thể gây tổn thương cho em bé khi bú sữa và khiến người mẹ bị đau.

Tác giả bài viết: Phạm An

Nguồn tin: