Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thực hiện đề án ngoại ngữ ở Nghệ An: Chủ động vượt khó

Dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông được xem là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa đạt như kỳ vọng, đặc biệt việc triển khai chương trình tiếng Anh mới theo đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 trên thực tế còn nhiều bất cập.


Đội ngũ giáo viên thiếu và yếu

Là trường có chất lượng giáo dục hàng đầu các huyện miền núi phía Tây Nghệ An, trong đó, tiếng Anh là thế mạnh nhưng đến thời điểm này, Trường THCS Trà Lân chưa triển khai dạy tiếng Anh theo chương trình 10 năm của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, chủ yếu do khả năng đáp ứng của đội ngũ giáo viên.

Ở Trường Tiểu học Chi Khê 1, huyện Con Cuông, năm học này là năm thứ 9 trường tiếp tục được công nhận là trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2. Thế nhưng, hiện HS của trường vẫn chưa được học tiếng Anh theo chương trình 10 năm. HS khối 3, khối 4, khối 5 đang học tiếng Anh theo chương trình tự chọn với số lượng 2 tiết/tuần. Nguyên nhân theo Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Dung là do thiếu giáo viên. Hiện trường đang phải “nhờ” giáo viên tiếng Anh của Trường THCS Chi Khê dưới hình thức dạy liên trường.

Toàn huyện Con Cuông, hiện mới có 17/47 trường (THCS và tiểu học) tổ chức dạy tiếng Anh cho HS và chỉ duy nhất Trường Tiểu học Mậu Đức dạy tiếng Anh theo chương trình 10 năm. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, phụ trách môn Tiếng Anh, Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông: Nguyên nhân chính do giáo viên tiếng Anh của huyện vừa thiếu, vừa chưa đạt chuẩn theo như yêu cầu. Việc thi lấy chứng chỉ cũng còn nhiều khó khăn và hiện tại chỉ mới 10/29 giáo viên tiếng Anh có chứng chỉ B1 hoặc B2.

Trên địa bàn cả tỉnh, tính đến cuối năm 2015, mới chỉ có 36,4% giáo viên tiểu học đạt chuẩn Khung năng lực ngoại ngữ châu Âu hoặc Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam, 14,6% giáo viên THCS và thậm chí THPT chỉ có 5,6% giáo viên đạt trình độ C1 nội bộ để có thể giảng dạy tiếng Anh theo đề án.

Sở GD&ĐT Nghệ An cũng liên kết với một số cơ sở, Trung tâm ngoại ngữ uy tín, mời giáo viên người nước ngoài có kinh nghiệm để giảng dạy, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho trên 200 giáo viên tiếng Anh các cấp học. Tuy nhiên, do kỹ năng nghe - nói của GV hạn chế nên kết quả khảo sát đánh giá năng lực ngoại ngữ còn thấp, chưa đạt 50%. Riêng bậc THPT chỉ có 18/60 giáo viên được công nhận.

Tình trạng giáo viên tiếng Anh vừa thiếu lại yếu đã không đạt được mục tiêu Đề án đã đành mà còn là nguyên nhân dẫn đến chất lượng yếu kém của môn học này trong trường phổ thông. Một minh chứng cho kết quả đó chính là điểm thi môn Tiếng Anh trong 2 Kì thi THPT quốc gia năm 2015 và 2016, Tiếng Anh là môn thi có phổ điểm thấp nhất.

Nỗ lực khắc phục khó khăn

Một trong những nguyên nhân quan trọng nữa ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thực hiện đề án Ngoại ngữ là sự hạn chế về cơ sở vật chất. Huyện Thanh Chương là một huyện đồng bằng nhưng hiện mới chỉ có 15/81 trường học được trang bị phòng học tiếng theo đúng tiêu chuẩn. Tại Trường THCS Thanh Khai vẫn chưa có phòng học phục vụ môn Ngoại ngữ. Để hạn chế việc dạy - học chay, cô giáo Nguyễn Thị Hoài – giáo viên Ngoại ngữ của trường đã tự trang bị một chiếc loa mini, một chiếc điện thoại lưu file tiếng để cho HS học nghe.

Tại TP Vinh, việc đầu tư cho ngoại ngữ được cả nhà trường, phụ huynh quan tâm. Hầu hết các trường đều trang bị môn Tiếng Anh với đầy đủ phòng Lab, hệ thống máy chiếu, loa… Tuy nhiên, số lượng các phòng học đảm bảo tiêu chuẩn như vậy không nhiều, nên ngoài các giờ học chính, HS ít được thực hành tại phòng máy để nhường cho lớp khác. Trường Tiểu học Trung Đô là một trong những trường dạy học thí điểm theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Cô Nguyễn Thị Liên – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Trường được hỗ trợ xây dựng phòng Lab và giáo viên bản ngữ, nhưng số lượng ít nên hiện đang liên kết với một số trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn để mời thêm giáo viên nước ngoài về dạy cho HS.

Ông Nguyễn Hoàng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An - cho biết: Vừa qua, Sở GD&ĐT tổ chức sơ kết Đề án dạy và học Ngoại ngữ trong nhà trường 2008 - 2020, đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể bám sát thực tế thực trạng dạy - học Ngoại ngữ, nhất là môn Tiếng Anh hiện nay ở trường phổ thông.

Trong đó, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh để đưa giáo viên bản ngữ giảng dạy kỹ năng nghe – nói ở trường phổ thông. Tăng cường trang bị các phòng học tiếng cho các trường, ưu tiên cho các trường miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Từ đó, nhằm từng bước thay đổi môi trường dạy - học Ngoại ngữ, nâng cao chất lượng dạy học bộ môn này.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Matthew John Kane - Giáo viên Trung tâm Anh ngữ AMA - người trực tiếp tham gia giảng dạy nhiều khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên Nghệ An, chia sẻ: “Tôi đánh giá cao kỹ năng ngữ pháp của các GV Nghệ An. Tuy nhiên, do quá chú trọng ngữ pháp mà xem nhẹ luyện nghe - nói và có ít môi trường để sử dụng nên trong quá trình bồi dưỡng cho GV, chúng tôi sẽ tập trung vào những điểm yếu đó”.

Tác giả bài viết: Hồ Lài
Nguồn tin: Báo Giáo Dục và Thời Đại