Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Putin muốn gì từ Trump?

Mối quan hệ hứa hẹn tốt đẹp giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đang khiến nhiều đồng minh của Mỹ chú ý.
Đáng chú ý nhất là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai người. Tuần trước, Donald Trump đã trò chuyện với Vladimir Putin. Theo Kremlin, cuộc hội thoại rất nồng ấm. Ông Putin chúc mừng Tổng thống đắc cử Mỹ về chiến thắng bầu cử vang dội và cả hai nhất trí mối quan hệ Nga - Mỹ hiện đang ở tình trạng "hoàn toàn không hài lòng".
 
Ảnh: TASS
 
Nga và Mỹ sẽ bắt đầu một cuộc đối thoại mới dựa trên "sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào các công việc nội bộ của nhau". Kremlin thông báo hai nhà lãnh đạo sẽ liên lạc và sớm gặp nhau. Vài giờ sau đó, các chiến cơ Nga nối lại chiến dịch oanh kích ở Syria.

Chiến thắng bầu cử của tỷ phú Trump là điều Tổng thống Putin hẳn rất mong đợi.

Theo báo The Guardian, bản chất cuộc gặp đầu tiên giữa Trump và Putin sẽ định hình các mối quan hệ quốc tế. Nó cũng sẽ trấn an một lực lượng an ninh ở phương Tây mà vốn đã rất choáng trước cách thức ông Trump không tiếc lời khen ngợi nhà lãnh đạo Nga.

Không khó để nhận ra ông Putin có thể muốn gì ở ông Trump. Tổng thống Nga vốn có nhiều yêu sách đối với Mỹ, nhưng mối quan hệ của ông với Barack Obama và cả với George W. Bush rất căng thẳng.

Thứ nhất, Kremlin muốn Mỹ phải dỡ bỏ cấm vận áp đặt lên Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crưm năm 2014. Các lệnh trừng phạt này - vốn được EU hùa theo - còn liên quan đến những cáo buộc về vai trò của Nga ở miền đông Ukraina, nơi lực lượng nổi dậy đang chiến đấu đòi li khai khỏi Kiev.

Thứ hai, ông Putin muốn ông Trump công nhận chủ quyền của Nga đối với Crưm. Liệu Trump có đồng ý? Hiện chưa biết câu trả lời thế nào nhưng xu hướng là có thể.

Tiếp đến là Syria. Nga sẽ muốn Mỹ từ bỏ mục tiêu hạ bệ Tổng thống Bashar al-Assad. Và ông Putin muốn ông Trump hợp tác trong cuộc chiến quốc tế chống lại "những tên khủng bố".

Cuối cùng là cách thức thế giới bị chia rẽ trong thời kỳ mới. Kremlin cảm thấy Nga được quyền gây ảnh hưởng, đặc biệt là với các nước thuộc Liên Xô cũ, và cả miền đông và trung châu Âu.

Lý tưởng nhất là Putin sẽ muốn một phiên bản mới của hiệp ước Yalta năm 1945, trong đó Mỹ, Liên Xô và Anh chia nhau châu Âu thời hậu Thế chiến II. Nhưng ông sẽ đạt tới một thỏa thuận mà Tổng thống Trump sẽ công nhận Nga có "các lợi ích hợp pháp" ở sân sau một thời của nước này.

Tỷ phú Mỹ vốn đã đặt thành vai trò của NATO; ông nói rằng Mỹ sẽ không bảo vệ những nước không đóng góp tài chính đầy đủ cho NATO. Do vậy, ngay sau khi Trump thắng cử ngày 8/11, các ngoại trưởng EU đã nhóm họp khẩn cấp và lo lắng đã xuất hiện ở các nước giáp biên giới với Nga.

Theo Dmitry Peskov, phát ngôn viên phụ trách truyền thông của Tổng thống Nga, hai ông Putin và Trump có chung một "cách tiếp cận mang tính khái niệm" với chính sách đối ngoại, và quan điểm của họ "gần gũi đến kỳ lạ".

Trong khi đó, một nhà ngoại giao cấp cao của Nga thừa nhận chính phủ nước này đã biết rõ đội ngũ của Donald Trump và họ đã liên lạc trong thời gian tranh cử. Vậy phía ông Trump muốn gì từ ông Putin? Đây là một câu hỏi kích thích sự tò mò, nhưng đến nay vẫn chưa rõ giải đáp.

Một nhượng bộ mà ông Putin có thể đã sẵn sàng là về Edward Snowden, cựu nhà thầu an ninh Mỹ đã rò rỉ nhiều thông tin mật về chính quyền Washington đang trú ẩn tại Nga. Thời gian tạm trú của Snowden sẽ hết hạn vào mùa hè tới, và có thể Kremlin sẽ thông báo Snowden vi phạm quy định cư trú rồi cho dẫn độ về Mỹ.

Tuy vậy, viễn cảnh này không giúp ích trong việc giải thích sự ủng hộ mà ông Trump vẫn dành cho Putin. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Putin là nhân vật quốc tế duy nhất mà ông Trump liên tục ca ngợi, thậm chí khẳng định là "nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn" Obama.

Trump còn khuyến khích tin tặc Nga tấn công Hillary Clinton. Chính quyền Obama tin rằng Nga đứng sau vụ rò rỉ email của Ủy ban quốc gia Đảng Dân chủ.

Tác giả bài viết: Thanh Hảo

Nguồn tin: