Tại sao Công Phượng càng "chìm nghỉm", Hữu Thắng càng mừng thầm?
- 10:57 22-11-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một hình ảnh trong trận đấu với Myanmar khiến nhiều CĐV thắc mắc: Công Phượng khởi động nhiệt tình, sau đó ngồi trên ghế dự bị suốt 90 phút nhìn đồng đội giành chiến thắng 2-1.
Khi Công Phượng "tàng hình"
"Nếu Công Phượng được vào sân thì...", "Nếu Hữu Thắng để Công Phượng thay Văn Toàn...", rất nhiều giả thiết được người hâm mộ đưa ra. Nhưng sự thật là Phượng đã ngồi dự bị trọn vẹn 90 phút. Trong khi đó, cả 2 tiền đạo của Việt Nam là Công Vinh và Văn Quyết đều "nổ súng".
Trong màu áo U19 và U23, Công Phượng là ngôi sao hàng đầu. Tuy nhiên, ở tầm ĐTQG, cầu thủ xuất thân từ HAGL Arsenal JMG vẫn chỉ là quân bài dự phòng. Cơ hội ra sân không nhiều, dấu ấn để lại cũng khá ít ỏi. Thế nên mới có chuyện ngôi sao của Malaysia Safee Sali khi được hỏi chỉ nhắc tới Công Vinh, Thành Lương.
Cũng phải thừa nhận, Phượng gặp khá nhiều trắc trở trên con đường lên tuyển dưới thời HLV Hữu Thắng. Đợt tập trung đầu tiên, Tuấn Anh và Xuân Trường "quẩy" tưng bừng còn anh phải ở lại Nhật điều trị chấn thương. Hồi tháng 6, tiền đạo xứ Nghệ cũng lại chấn thương sát ngày diễn ra AYA Bank Cup tại Myanmar.
Công Phượng chưa có suất đá chính ở ĐTQG (ảnh: Zing).
Cách vận hành lối chơi của HLV Hữu Thắng cũng khiến Công Phượng có phần lúng túng. Với sơ đồ 4-1-4-1, nhà cầm quân người Hà Tĩnh chẳng biết nên đặt Phượng vào vị trí nào. Còn khi đội tuyển đá 4-4-1-1, Văn Quyết lại vượt trội về quá nhiều mặt, từ phong độ cho đến kinh nghiệm.
Fourfourtwo, một tờ báo nước ngoài theo sát AFF Cup, cũng chỉ nhắc đến Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh như là những ngôi sao trẻ đáng để kỳ vọng của ĐT Việt Nam chứ không quá quan tâm tới Phượng.
"Con bài trong tay áo" của Hữu Thắng
Trước mỗi giải đấu của ĐT Việt Nam, người thường nhắc đến chuyện "giấu bài". Nhưng giữa thời đại của vô số thiết bị công nghệ, việc khai thác thông tin từ đối thủ không phải chuyện gì đó quá khó khăn. Hữu Thắng có InStat, những HLV cũng có. Băng ghi hình cũng rất đa dạng, từ các trận đấu ở cấp CLB cho đến ĐTQG, thậm chí cả đá giao hữu, đá tập.
Việc tạo bất ngờ cho đối thủ chính vì thế trở thành bài toán không đơn giản. Các nhà cầm quân làm tốt việc này sẽ giúp đội bóng của mình đạt những thành công.
"Lột xác" cầu thủ là một cách thức được sử dụng nhiều. Ví dụ như trường hợp của Gareth Bale. Nhận thấy việc phải chơi hậu vệ làm cầu thủ này không thể hiện hết khả năng, HLV Harry Redknapp liền kéo anh lên chơi tiền vệ cánh. Bale nhanh chóng thích nghi và biến thành một "quái vật" bên hành lang trái. Đến khi sang Real, anh còn chơi gần khung thành hơn nữa ở vị trí tiền đạo phải.
Bên cạnh đó, việc đưa cầu thủ vào sân đúng thời điểm cũng rất quan trọng. Trước khi được vào sân ở trận chung kết, Eder chỉ mới xuất hiện vỏn vẹn 13 phút tại Euro 2016. Kỹ năng của anh thế nào, chắc chắn người Pháp biết thừa. Song họ đã không thể cản Eder ghi bàn quyết định.
Công Phượng là cầu thủ có tính đột biến cao, đi bóng, dứt điểm rất tốt. Không ít thì nhiều, người ta đã có những phương án riêng để ngăn chặn anh. Giữ Công Phượng bên ngoài sân, Hữu Thắng vẫn đang chờ thời cơ chín muồi. Để tới khi số 16 xuất hiện, hiệu quả sẽ là cao nhất.
Công Phượng vẫn luôn sẵn sàng để bùng nổ trên sân.
Sau trận gặp Myanmar, ông Phan Anh Tú - Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Hà Nội - nhận xét: "HLV Hữu Thắng vẫn giữ được rất nhiều bài, còn nhiều năng lượng và cảm hứng để thể hiện". Hãy tin rằng, Công Phượng nằm trong số những "vũ khí bí mật" đó.
Bàn thắng đầu tiên của Công Phượng trong màu áo ĐT Việt Nam.
Tác giả bài viết: Lupo
Nguồn tin: