Chính sách đối ngoại mang màu sắc doanh nghiệp của Donald Trump
- 09:31 21-11-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Theo truyền thống, chính sách đối ngoại của một quốc gia luôn dựa trên hai nguyên tắc là bảo vệ nhân quyền và tương quan lực lượng giữa các bên. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ tạo ra con đường thứ ba bằng tầm nhìn của ông dưới góc độ tài chính về các mối quan hệ quốc tế, theo Nouvel Observateur.
Giám đốc điều hành nước Mỹ
Giáo sư Gregor Mathias, thuốc đại học Sorbone, Paris nhận định nếu bỏ qua những phát ngôn cực đoan có thể chỉ là mánh khóe thu hút cử tri của ông Trump, đồng thời phân tích những tuyên bố và chương trình tranh cử của ông, có thể nhận thấy những quy tắc kinh doanh chính là nền tảng cho chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Mỹ trong thời gian tới.
Trên tư cách là doanh nhân lớn, ông Trump sẽ tiến hành các cuộc đàm phán quốc tế giống như cách ông điều hành công việc kinh doanh bằng việc vận dụng tương tự những nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp, như nắm bắt cơ hội, thương lượng nhưng không bỏ qua bất cứ tiểu tiết nào, từ chối đưa ra mọi nhượng bộ, tranh luận với tất cả đối tác ngoại trừ những kẻ thù của nước Mỹ.
Để đạt được mục tiêu, ông Trump có thể không ngần ngại can thiệp quân sự một khi "ranh giới đỏ" mà Mỹ đặt ra bị vi phạm, cũng như đình chỉ, thậm chí chấm dứt các cuộc đàm phán thương mại nếu những quyết định đưa ra có thể gây bất lợi cho đất nước của ông.
Tổng thống đắc cử Mỹ muốn đàm phán lại mọi hiệp định thương mại tự do đã ký kết với các đối tác như Trung Quốc và Mexico để bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ hoặc ủng hộ việc đưa hoạt động chế tạo công nghiệp về lại nước này.
Với cách hành xử mạnh tay này, những đồng minh và đối tác thương mại của Mỹ có nguy cơ phải nhượng bộ trước mọi yêu cầu của ông để có thể tiếp tục được hưởng lợi từ mối quan hệ với Mỹ.
Một số nước khác có thể tính đến việc tìm kiếm một lựa chọn thay thế cho nước Mỹ bằng cách thắt chặt mối quan hệ của họ với các đối tác tại châu Âu, Nam Mỹ hay châu Á.
Chính sách mới của ông Trump chắc chắn sẽ làm đảo lộn thế cân bằng của trật tự thế giới nhưng sẽ mở ra cơ hội xuất hiện những lựa chọn thay thế ngoài Mỹ nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế hay theo đuổi sự phát triển kinh tế mà không chịu ảnh hưởng của Mỹ hoặc các tổ chức thương mại và tài chính quốc tế do Mỹ kiểm soát.
Chính sách có đi có lại
Theo ông Mathias, nếu tiếp tục quan tâm tới việc bảo vệ đồng minh, Mỹ cần xem xét lại vấn đề đóng góp tài chính của tất cả đối tác và bạn bè muốn được Mỹ bảo vệ.
Theo lập trường của ông Trump, hành động can thiệp quân sự của Mỹ ở nước ngoài sẽ được quyết định trên cơ sở những lợi ích của Mỹ, chứ không phải dựa trên các quyết định đa phương.
Liên quan tới NATO, Tổng thống đắc cử Mỹ muốn xác định lại kỹ càng những nhiệm vụ của nước này trong khối.
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump từng đề xuất khối này nên hoạt động theo hình thức một chương trình bảo hiểm, theo đó Mỹ đóng vai trò như doanh nghiệp và các đồng minh trên tư cách khách hàng, nếu không chi trả hợp lý sẽ tự phải bảo vệ chính mình.
Ông Trump muốn loại bỏ hoàn toàn những quy tắc cũ của NATO và mong muốn liên minh quân sự gần như "lỗi thời" này thích ứng với các loại hình xung đột mới. Ông mong muốn những nhiệm vụ mà Mỹ thực hiện sẽ phục vụ lợi ích của nước này, chứ không phải để bảo vệ châu Âu chống lại một kẻ thù giả định ở hướng Đông.
Ngoài ra, các căn cứ quân sự ở châu Âu, châu Á sẽ tiếp tục được duy trì vì những lợi ích của nước Mỹ, hoặc để đổi lấy những bù đắp về tài chính.
Ba Lan có thể ủng hộ việc duy trì căn cứ quân sự mới của Mỹ tại Redzikowo bằng việc tăng cường các đơn đặt hàng vũ khí như mua máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ (thay vì các máy bay tiêm kích Mirage 2000-5 của Pháp), hoặc tăng thêm các đơn đặt hàng máy bay trực thăng Sikorsky của tập đoàn Lockheed Martin (thay vì các máy bay trực thăng Caracal của Pháp).
"Donald Trump cho rằng hành động can thiệp quân sự chỉ nên được sử dụng như là 'phương tiện cuối cùng' và trong trường hợp xuất hiện mối đe dọa trực tiếp tác động đến những lợi ích quốc gia của Mỹ. Ngoài ra, hành động can thiệp đó phải mạnh mẽ và nhanh chóng để tránh bị sa lầy", giáo sư Mathias nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng
Nguồn tin: