'Út Ráng' Kim Hiền tiếc thương cố diễn viên Huỳnh Long Hải
- 07:34 21-11-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
►Diễn viên phim 'Hương phù sa' đột ngột qua đời
Tin diễn viên Huỳnh Long Hải đột ngột mất tại nhà riêng ở TP HCM vào ngày 19/11 khiến nhiều đồng nghiệp, khán giả bàng hoàng thương tiếc.
Nhận vai trên sân khấu hoặc phim ảnh, cố diễn viên luôn hết mình với nhân vật.
Trong số nhiều vai diễn từng thể hiện trên sân khấu và màn ảnh, cố diễn viên được khán giả nhớ đến qua vai ông Ba Rằn trong phim Hương phù sa (2005) của đạo diễn Võ Tấn Bình. Đó là người đàn ông mạnh mẽ, gia trưởng nhưng có tính cách phóng khoáng, nhiệt tình của người miền Tây.
Nghe tin ông qua đời, từ Mỹ, diễn viên Kim Hiền Mỹ xúc động kể, từ trước đến nay, cô thường gọi cố diễn viên là "bố Hải" như là cách để lưu kỷ niệm thời cả hai cùng đóng trong phim Hương phù sa. Lúc đó, Kim Hiền vào vai Út Ráng còn Tăng Thanh Hà đóng vai Út Nhỏ. Cô nhớ mãi cảnh quay hai người con gái bắt ông chạy vòng vòng quanh sân sau cạnh chiếc ghe để "phạt"cha tội say rượu và ngủ trên ghe. "Cảnh đó phải quay từ sáng sớm, bố tuổi cao nhưng diễn nhiệt tình, rất thật. Tôi còn nhớ cảnh sau một hồi chạy, ông dừng lại vì hụt hơi, thấy rất thương", Kim Hiền chia sẻ.
Video: Kim Hiền, Tăng Thanh Hà trong cảnh phim với cố diễn viên
Hồi tưởng chuyện hậu trường phim hơn 10 năm trước, đạo diễn Võ Tấn Bình nhớ nhất khi ông "Ba Rằn" bị công an bắt và còng tay đưa lên ghe. Lúc đoàn quay cảnh rộng, ghe chạy với tốc độ cao đưa nhân vật ra giữa sông. Đáng lẽ ở cảnh này, diễn viên được tháo còng ra vì không cần quay cận nhưng đạo diễn và thư ký trường quay đều quên. Thực hiện xong, đoàn phim một phen hú hồn vì nếu lỡ ghe bị lật giữa dòng, không ai có thể cứu Huỳnh Long Hải vì ông khá to con.
"Khi đó, tôi hỏi vì sao không nhắc mọi người tháo còng ra, ông bảo: 'Tôi nhớ chứ nhưng cứ để im vậy để nhập tâm hơn vào vai diễn. Tôi muốn cảnh quay dù lớn hay nhỏ đều phải tốt nhất' ", Võ Tấn Bình kể.
Huỳnh Long Hải là một người rất chịu khó trong công việc và có tính cách hiền lành, dễ thương hiếm thấy. Ở cảnh Ba Rằn ngồi xe lăn rớt xuống dòng kênh khi nước ròng khá nguy hiểm, ông vẫn kiên nhẫn quay đến 10 lần để đạo diễn có được đoạn phim ưng ý nhất. Quay xong, ông quay sang bảo đạo diễn: "Mày hành tao quá, tí nữa nhớ đãi tao bình rượu cho ấm người nghe chưa".
Trong phim Lục Vân Tiên của đạo diễn Phương Điền, Huỳnh Long Hải vào vai lão ông. Để tiết kiệm chi phí cho đoàn phim, cố diễn viên dưỡng râu dài nhiều tháng, ra phim trường, ngoại hình của ông hoàn toàn phù hợp với nhân vật. Trước cảnh quay, cố diễn viên đã thức suốt một đêm để học lời thoại trong phim. Ông không muốn bị chê là quên thoại và luôn đối đáp lưu loát cùng dàn diễn viên trẻ như Hồng Ánh, Cao Minh Đạt, Nguyên Vũ... Do còn giữ vai trò chủ nhiệm bên cạnh làm diễn viên, hàng ngày, ông thức dậy rất sớm để lo lắng việc hậu cần.
Huỳnh Long Hải đến với nghề chủ nhiệm phim từ phim Người đàn bà yếu đuối (2002). Khác với tính cách khó chịu, dữ dằn vốn thường thấy ở những người giữ vai trò này, Huỳnh Long Hải không bao giờ than phiền hay la hét với ai trong hậu đài. Ông cũng chưa bao giờ siết chặt về mặt kinh phí, lỡ có hao hụt ở phần nào ông đều cố tìm cách giải quyết. Mỗi khi đoàn khó khăn ông chỉ nhẹ nhàng thông báo: "Hết tiền rồi bây ơi" hay "Gói ghém chút để tao biết đường tính".
Diễn viên Huỳnh Long Hải được đồng nghiệp yêu mến vì tính tình hiền lành, tận tâm.
Đạo diễn Phương Điền còn giữ ấn tượng sâu sắc với ông Huỳnh Long Hải khi cùng làm việc trong hai phim Cải ơi, Những năm tháng yêu dấu. Ngày mới ra trường, Phương Điền được hãng TFS giao thực hiện phim truyền hình Cải ơi. Anh còn thiếu kinh nghiệm trong khi đó Huỳnh Long Hải là người kỳ cựu. Nhưng ông không tỏ ra chảnh chọe mà rất trân trọng đàn em. Biết Phương Điền chưa dám thể hiện trên trường quay, ông trao đổi với anh: "Lời nói của em là 'pháp lệnh'. Em cần gì muốn gì, anh sẽ làm cho em bằng được. Nếu không được thì em cũng đợi đến khi nào anh làm em hài lòng mới thôi".
Đức tính khiêm nhường, trân quý đàn em của Huỳnh Long Hải khiến ông được mọi người khâm phục và yêu mến. Trong quá trình quay phim Những năm tháng yêu dấu ở tỉnh An Giang, cố diễn viên tận tình hỗ trợ Phương Điền thực hiện cảnh quay trận đánh ở bối cảnh đồi Tức Dụp. Từ khách sạn di chuyển đến chân đồi là 4 km, từ chân núi lên hang động cũng mất hơn 200 m đường dốc. Những người trẻ nhìn đoạn đường đều lắc đầu ngán ngẩm vậy mà cố diễn viên leo lên xuống như con thoi, vận chuyển đạo cụ vũ khí và mọi đồ đạc đầy đủ cho đoàn.
"Cảnh đó quay từ 17h đến 22h mới xong. Đến lúc mở máy, trời đổ cơn mưa lớn. Anh Huỳnh Long Hải ngồi nhìn trời cười. Cả đoàn chờ đến 24h vẫn chưa hết mưa. Hơn 1h sáng hôm sau, chúng tôi quyết định đóng máy. Lúc này anh cõng từng đứa trẻ trong cảnh quay từ hang động xuống chân núi trong khi đường trơn trượt, không một ngọn đèn. Anh ấy phục vụ mọi người rồi mới nghỉ ngơi", đạo diễn Phương Điền bùi ngùi kể.
Nhà sản xuất phim Bích Ngọc xúc động viết: "Nhớ thương chú, một người chủ nhiệm luôn hết lòng vì anh em. Phim Cha và con là kỷ niệm làm phim đẹp đẽ cuối cùng với chú. Hồi đó biết đoàn phim mình chẳng có nhiều tiền, chú hay đi chọn cảnh bằng xe máy chả quản ngại đường xa xôi. Có lần mình phải bịa ra biết bao lý do để chú chịu đi ôtô từ Sài Gòn xuống Long Hải. Chỉ một cái vỗ vai, một ánh mắt nhìn hiền lành của chú là mọi căng thẳng tan biến hết...".
Cố chủ nhiệm phim Huỳnh Long Hải (phải).
Trong khi đó, diễn viên Trương Minh Quốc Thái ấn tượng về gia đình Huỳnh Long Hải khi cả nhà ông đều làm công việc gắn bó nhiều đoàn phim. Ông làm chủ nhiệm kiêm diễn viên còn con trai ông theo nghề phó đạo diễn. Vợ ông làm phục trang.
Theo Quốc Thái, mỗi lần nghe có Huỳnh Long Hải làm chủ nhiệm đoàn phim, ai nấy đều mừng. Bởi ông chu đáo các công việc hậu cần, chăm lo chuyện ăn ở từng chút cho diễn viên, êkíp sản xuất. Hơn 10 năm gắn bó với ông qua nhiều đoàn phim, Quốc Thái cảm nhận ông là một con người nhân hậu. "Bất cứ làm việc với ai, êkíp nào, cố diễn viên cũng để lại ấn tượng khó phai về hình ảnh người nghệ sĩ tận tâm, yêu nghề", anh chia sẻ.
Tác giả bài viết: Tâm Giao
Nguồn tin: