Hà Tĩnh: Những “bông hoa” rực sáng nơi rốn lũ
- 07:40 20-11-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vượt qua được những ngày khó khăn nhất, giành được nhiều niềm yêu thương, động viên của xã hội, những cô giáo ở trường mầm non ở rốn lũ Phương Mỹ (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) có thêm động lực để phấn đấu trong công việc nuôi dưỡng, dạy dỗ trẻ. Các cô như những bông hoa khoe sắc giữa mảnh đất đầm ấm tình người.
Hết mình “chiến đấu” với dòng lũ
Một trong số hình ảnh khiến cộng đồng mạng cảm phúc nhất, mến yêu nhất về cô giáo ở rốn lũ Phương Mỹ (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) là hình ảnh về cô giáo nhỏ bé, mặc chiếc áo thun đen dầm mình sâu dưới nước lũ để vận chuyển đồ đạc, lau chùi bùn đất bám vào cột, vào tường khi nước lũ đang rút dần. Cô Ngô Thị Hà, hiệu trưởng nhà trường thông tin với tôi, cô giáo trong bức ảnh gây xúc động đó là cô Nguyễn Thị Trang, sinh năm 1993, người sinh ra ngay ở rốn lũ Phương Mỹ này.
Một trong số hình ảnh khiến cộng đồng mạng cảm phúc nhất, mến yêu nhất về cô giáo ở rốn lũ Phương Mỹ (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) là hình ảnh về cô giáo nhỏ bé, mặc chiếc áo thun đen dầm mình sâu dưới nước lũ để vận chuyển đồ đạc, lau chùi bùn đất bám vào cột, vào tường khi nước lũ đang rút dần. Cô Ngô Thị Hà, hiệu trưởng nhà trường thông tin với tôi, cô giáo trong bức ảnh gây xúc động đó là cô Nguyễn Thị Trang, sinh năm 1993, người sinh ra ngay ở rốn lũ Phương Mỹ này.
Hình ảnh "cô giáo dầm mình trong lũ" khiến cộng đồng mạng cảm phục, mến yêu cách đây hơn 1 tháng là cô giáo Nguyễn Thị Trang, SN 1993, trường mầm non Phương Mỹ.
“Cô Trang là người trẻ nhất, vừa tốt nghiệp Sư phạm Mầm non trường Đại học Hà Tĩnh, về công tác ở đây được đúng 20 ngày thì xảy ra liên tục hai trận lũ lớn” - cô Hà giới thiệu ngắn gọn về cô giáo từng gây sốt cộng đồng mạng.
Trang bận cùng một cô giáo khác đi nhận hàng cứu trợ từ một đoàn tự thiện cho nhà trường, nên phải mất hơn 30 phút chờ đợi, tôi mới có dịp tiếp xúc, chuyện trò cùng với cô. Nếu như trong lũ cô giáo trẻ mang đến cho tôi hình ảnh về một cô giáo đầy can đảm, hết mình với nhà trường, học sinh, thì trước mặt tôi lúc này là một cô giáo trẻ xinh xắn, đáng yêu với nụ cười luôn thường trực trên môi.
Cô giáo Trang xinh tươi, là một "hoa khôi" của trường mầm non Phương Mỹ.
Trang lảng tránh khá nhiều câu hỏi của tôi về hình ảnh cô dầm mình, ướt đẫm trong lũ, bởi như cô giáo trẻ tâm sự, đó là một việc làm rất đỗi bình thường. “Hôm đó không mỗi mình em mà còn nhiều cô giáo khác ở đây cũng dầm mình trong lũ. Nước lúc đó đang rút dần, nếu không lợi dụng nước kịp thời lau chùi lớp bùn đất dày 1-2cm bám vào tường, vào các vật dụng thì sau này sẽ rất mất công, có khi khối lượng công việc sẽ gấp 4, gấp 5 lần. Bọn em trẻ hơn, nên xuống nước lau chùi là chuyện bình thường thôi anh ạ” - Trang mỉm cười trò chuyện.
Đúng như lời hiệu trưởng Nga, hình ảnh mà cộng đồng mạng thấy về cô Trang và các chị đồng nghiệp lớn tuổi ở đây dầm mình trong lũ chưa nói hết những câu chuyện khó khăn, hết mình của các cô trong việc “chiến đấu” với dòng lũ để bảo vệ chỗ ăn học của các cháu nhỏ. Hai trận lũ lớn vừa rồi cô Trang không về nhà, mà ở lại trực lũ luôn ở trường với nhiều cô giáo khác. Nhiệm vụ của cô và các chị, các mẹ ở đây rất nặng nề. Nước rút đến đâu phải dọn, phải rửa đến đó, thế nên suốt nhiều đêm Trang và nhiều cô không ngủ, cứ nửa tiếng lại dầm nước, lau dọn làm sạch bùn một lần.
“Lũ đi qua rồi, nhìn lại em thấy rất vui anh ạ. Vui vì không phải cứ mỗi lần lên mạng được thấy nhiều lời động viên, chia sẻ của mọi người, mà em vui vì những nỗ lực của em, của các cô ở đây mà sau lũ không lâu các cháu lại được đến trường, đến lớp. Ai cũng hạnh phúc vì điều đó” - cô giáo Trang bày tỏ niềm vui.
Trường lại rộn ràng tiếng trẻ nhỏ
Hai trận lũ lớn tràn về, khó khăn chồng chất, phòng học bị nước ngâm quá lâu, rất ẩm thấp, bếp ăn bán trú hư hỏng quá nặng, đồ đạc bị cuốn trôi rất nhiều... tất cả đã khiến ban giám hiệu, các cô, các mẹ ở ngôi trường có 165 em học sinh lo lắng phải mất rất nhiều thời gian, công sức thì ngôi trường mới rộn ràng tiếng trẻ trở lại.
Trước cả núi khó khăn, ngay khi nước lũ rút, với sự giúp đỡ của chính quyền, phụ huynh học sinh, các đoàn tình nguyện, các cô giáo ở trường mầm non Phương Mỹ đã bắt tay vào công tác khắc phục hậu quả. Việc trường cũng là việc nhà, các cô từ trẻ đến già, ai cũng cố hết sức mình có thể trong việc thu dọn bùn đất, sửa sang lại vườn tược, sắp xếp lại đồ chơi. Nhiều cô còn huy động cả chồng con, người thân đến hỗ trợ sửa chữa lại bàn ghế hỏng hóc để các em có chỗ ngồi khi quay trở lại lớp học.
Hai cô giáo Hoàng Thị Loan (đứng trước), Lê Thị Trâm Oanh trong lũ (ảnh trái) và sau lũ.
Thêm một niềm vui, sự động viên rất lớn đối với các cô giáo ở trường mầm non Phương Mỹ khi có nhiều đoàn cứu trợ trên khắp cả nước đã ghé thăm, hỗ trợ. Chứng kiến cảnh trường thiệt hại nặng nề sau lũ, một số đoàn khi quay trở về đã gom góp, huy động mua đồ chơi, chăn gối để giúp nhà trường bổ sung cho các cháu học sinh.
Những nỗ lực không ngưng nghỉ của các cô, của chính quyền, người dân, của những tấm lòng thơm thảo đến từ mọi miền đã giúp ngôi trường mở cửa đón học sinh trở lại sớm hơn rất nhiều so với những lo ngại trước đó. Đến ngày 14/11, đúng 1 tháng sau trận lũ lớn đổ về Phương Mỹ, ngôi trường đã rộn ràng tiếng trẻ nhỏ trở lại.
Sau đúng 1 tháng phải đóng cửa do hai trận lũ dữ đổ về, từ ngày 14/11, trường mầm non Phương Mỹ đã mở cửa trở lại. Các cô giáo nơi vùng đất chịu nhiều thiên tai này đã trở lại với công việc nuôi dạy trẻ của mình bằng tất cả niềm say mê, trách nhiệm.
Với nghề giáo, có gì vui hơn là học trò quay trở lại các lớp học. Bên dòng Ngàn Sâu, giữa mảnh đất sâu trũng nhất của huyện miền núi Hương Khê, những đứa trẻ lại được vui đùa với các cô, các bạn, những lớp học lại rộn ràng, vang vang tiếng nói cười của cô trò.
Thoát chết trong gang tấc, giờ thì nụ cười đã trở lại của cô giáo Hồ Thị Thu Lan khi những nỗ lực của cá nhân và tập thể đã giúp trường đón học sinh trở lại học tập, vui chơi.
Hơn một ngày ở lại ngôi trường mầm non Phương Mỹ, trò chuyện với các cô, nhìn khối lượng công việc mà cô đã làm từ khi lũ dữ ập về, tôi nhất quyết rằng, thiên nhiên có thể lấy đi nhiều sức lực, làm gián đoạn công tác dạy dỗ, nuôi dưỡng trẻ ở rốn lũ, nhưng nó đã không đánh bại được tinh thần, lòng nhiệt huyết của các cô giáo thân thương. Các cô như những bông hoa đang tỏa sắc ở rốn lũ nghèo khó này.
Tác giả bài viết: Văn Dũng - Tiến Hiệp
Nguồn tin: