Bị "tố" bóc lột thí sinh, Vietnam’s Next Top Model đã đến lúc dừng lại?
- 16:21 19-11-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thí sinh "lỗ nặng"?
Xuân Lan, Nam Trung, Phạm Hoài Nam, Đỗ Mạnh Cường từng là "bộ tứ quyền lực" gắn bó với nhiều mùa thi Vietnam’s Next Top Model. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, một số cựu thành viên giám khảo này đã chính thức "đối đầu" với chương trình.
Trước đó, siêu mẫu Xuân Lan đã viết "tâm thư" chia sẻ chuyện học trò của mình bị chèn ép và mới nhất là NTK Đỗ Mạnh Cường tiếp tục "vạch mặt" sân chơi này đồng thời ám chỉ một người phụ nữ quyền lực đứng sau Vietnam's Next Top Model đã "chơi không đẹp".
Đáng chú ý hơn, sau tiết lộ của Xuân Lan, Đỗ Mạnh Cường... những người trong nghề, đặc biệt là danh sách "black list" đã đồng loạt bày tỏ sự đồng tình với "phe tố cáo". Cao Thiên Trang - "chân dài" từng thẳng thắn "tố" BTC Vietnam’s Next Top Model cũng chia sẻ rằng khi mình còn ở dưới quyền quản lý của ê-kíp này thì thường xuyên bị rơi vào tình trạng "lỗ nặng" về tài chính vì các khoản chi phí như ăn ở, đi lại... đều đắt đỏ.
Bộ tứ quyền lực của Vietnam's Next Top Model
Chia sẻ chi tiết hơn, Thiên Trang cho biết, khi đang làm việc với BTC cuộc thi cô 2 lần nộp đơn tham dự Asia’s Next Top Model nhưng đều không được chọn vì thiếu tiêu chuẩn. Nhưng sự thật là bất cứ người mẫu nào cũng đều có quyền đăng ký tham dự Asia’s Next Top Model mà không cần đơn vị nào đề cử.
Quán quân Vietnam’s Next Top Model mùa đầu tiên - Trang Khiếu - nhân vật được nhắc tới trong chia sẻ của NTK Đỗ Mạnh Cường cũng từng vướng vào không ít lùm xùm với chương trình. Sau khi đăng quang, người mẫu này đã gặp trục trặc trong việc nhận thưởng cũng như không được chương trình hỗ trợ như đã cam kết.
Mới đây, trao đổi với báo giới, đại diện Vietnam’s Next Top Model đánh giá cao tâm huyết, đóng góp của NTK Đỗ Mạnh Cường, siêu mẫu Xuân Lan đã góp phần tạo nên thành công cho các mùa giải mà họ tham gia với vai trò giám khảo. Tuy nhiên, hiện tại, phía BTC cuộc thi không còn bất cứ công việc nào liên quan đến 2 cựu giám khảo này nên mọi phát ngôn từ các cựu giám khảo nằm ngoài kiểm soát, BTC không có nghĩa vụ bình luận, giải thích thêm.
Đã đến lúc dừng lại?
Theo dõi chặng đường của chương trình truyền hình thực tế này sẽ thấy rằng ngay khi kết thúc mùa thi đầu tiên vào năm 2010, Vietnam’s Next Top Model đã rơi vào lùm xùm vì nghi vấn "ngược đãi", bỏ rơi quán quân. Dù sự việc được khép lại rất nhanh nhưng những mâu thuẫn, khúc mắc dường như vẫn âm ỉ kéo dài trong suốt nhiều năm qua cho đến khi các giám khảo đồng loạt lên tiếng. Không chỉ "mất lòng" giám khảo, thí sinh... chương trình còn vướng nhiều scandal về kiểm duyệt nội dung, bị khán giả nghi ngờ lợi dụng các thử thách mạo hiểm để câu rating...
Tại Vietnam’s Next Top Model 2015, công chúng đã được phen sửng sốt, bức xúc với câu chuyện hậu trường xung quanh danh hiệu Quán quân của Hương Ly. Cụ thể, mẹ thí sinh cao 1m90 Hồng Xuân đã "tố" Hương Ly chơi xấu, cố tình giẫm vào chân con gái bà đến ba lần khiến chân Hồng Xuân sưng vù phải chườm đá, bôi thuốc trước chung kết. Trước lời "buộc tội", Quán quân Hương Ly đã lên tiếng giải thích và đại diện nhà sản xuất khẳng định chuyện Hương Ly giẫm chân Hồng Xuân là có thật, nhưng không phải do cố tình, đó chỉ là sự cố rất bình thường khi tập luyện.
Thí sinh cuộc thi ngất vì quá căng thẳng
Khách quan nhìn nhận, từ khi lên sóng mùa đầu tiên, Vietnam’s Next Top Model đã đóng góp cho làng thời trang nước nhà nhiều gương mặt tiềm năng với những cái tên như: Hoàng Thùy, Trang Khiếu, Lê Thúy... nhưng so sánh chất lượng các mùa thi có vẻ như phong độ, cá tính của những chân dài mùa sau đang đuối dần.
Đáng lo ngại hơn, sức hút của chương trình với khán giả chủ yếu xoay quanh chuyện hậu trường như: tố cáo, đấu đá, tai nạn, sự cố, tin đồn... và mọi đối tượng liên đới tới cuộc thi từ ban tổ chức, giám khảo, thí sinh đến người nhà thí sinh... đều vướng vào rắc rối.
Nếu so sánh Vietnam’s Next Top Model với các phiên bản quốc tế, có thể nhận thấy những mâu thuẫn, cạnh tranh là một trong các yếu tố tạo nên sức hút cho chương trình. Ở khía cạnh nào đó, nó còn góp phần làm nổi bật ý chí, cá tính thí sinh và giúp khán giả hình dung rõ hơn về sự phức tạp của nghề mẫu. Lần lượt trải qua các mùa thi, nhiều quốc gia đã "khai tử" chương trình này nhường sóng cho các chương trình truyền hình thực tế khác.
Cách đây 1 năm, Tyra Banks đã tuyên bố dừng sản xuất chương trình America's Next Top Model sau 22 mùa phát sóng. Đó là quyết định táo bạo nhưng đã qua sự cân nhắc, tính toán kĩ lưỡng của Tyra Banks và cộng sự. Dừng lại vì những ồn ào, tranh cãi hay dừng lại để rẽ sang một con đường khác mới hơn... đều thể hiện tinh thần cầu thị.
Vậy có nên chấm dứt luôn chương trình gây ồn ào này để nhường sóng cho những chương trình khác? Để trả lời được câu hỏi ấy không hề đơn giản bởi nếu đo đếm bằng những thị phi, ồn ào để buộc một chương trình truyền hình thực tế "khai tử" thì e đối tượng không chỉ mỗi Vietnam’s Next Top Model. Mục đích chính của chương trình là tìm ra gương mặt sáng giá, tôi luyện để khi bước ra từ cuộc thi, họ đủ khả năng tỏa sáng, vươn đến đẳng cấp quốc tế. Và nếu bên cạnh những ồn ào, nếu Vietnam’s Next Top Model không làm được điều này thì đó thực sự mới là thất bại nặng nề nhất.
Tác giả bài viết: T.Phương
Nguồn tin: