Góc chiến thuật: ĐT Thái Lan & đòn hiểm mang tên 3-4-1-2
- 14:58 19-11-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
HLV Kiatisak nhấn mạnh sẽ không thay đổi sơ đồ chiến thuật quen thuộc gồm 4 hậu vệ ở AFF Suzuki Cup 2016. Tuy nhiên không loại trừ trong những trận đấu quan trọng, ông có thể mang đòn hiểm mang tên 3-4-1-2 để khiến đối thủ bất ngờ.
Quân bài chiến lược Chanathip và hành lang biên
Sơ đồ 3 hậu vệ đang nổi lên như một thứ vũ khí mới ở giải Ngoại hạng Anh. Bằng chứng là những CLB như Liverpool (3-4-2-1) hay Chelsea (3-4-3) đang lên như diều gặp gió. Việc thay thế sự đơn điệu trong các kiểu mẫu lên bóng và thiếu khoảng rộng của các sơ đồ 4 hậu vệ dạng cây thông như 4-2-3-1 hay 4-3-2-1 bằng sự cơ động đến từ hai hậu vệ biên và bổ sung thêm trung vệ thứ 3, theo như cách phân tích của Jonathan Wilson của tờ The Guardian đã mang đến những luồng gió mới trong nhiệm vụ áp sát khung thành đối thủ.
Ở trận đấu với Australia tại lượt trận thứ 5 – Vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á, HLV Kiatisak bất ngờ thay thế sơ đồ quen thuộc 4-3-2-1 bằng chiến lược sử dụng 3 hậu vệ. Chưa rõ ông có chịu ảnh hưởng từ xu hướng đang lên ở Ngoại hạng Anh – giải đấu vốn dĩ tác động sâu tới bóng đá Thái Lan trong khoảng nửa thập kỷ trở lại đây hay không, nhưng việc dám thử nghiệm sơ đồ 3-4-1-2 cho các học trò trong một trận đấu lớn cũng đã cho thấy sự mạnh dạn của Kiatisak.
Sơ đồ 3-4-1-2 của Thái Lan - Ảnh: Dũng Lê & Bóng đá
Chanathip (số 18) đá lệch trái, sát với hậu vệ trái Theerathon Bunmathan (số 3)
Zico Thái có lý do để sử dụng sơ đồ 3 hậu vệ. Dù nói về số lượng, nó khiến người ta có cảm giác phòng thủ mỏng hơn so với bộ tứ phòng ngự thường thấy. Nhưng thực chất khi phòng ngự, Thái Lan đá 5-3-2. Ngược lại khi chuyển hoá tấn công, họ chuyển thành 3-4-2-1. Trong tay Kiatisak là hai hậu vệ biên rất đa năng và có thể lực (đá cả trận).
Hậu vệ phải Tristan Do và hậu vệ trái Theerathon Bunmathan được đẩy lên rất cao khi Thái Lan phát động tấn công chiến lược. Vô hình trung ngoài 2 tiền đạo phía trên, họ còn có thêm sức mạnh từ những pha tấn công ở biên ngoài và đường biên trong từ hai hậu vệ cánh. Đặc biệt khi họ dâng lên, mặc định các hậu vệ đối phương cũng sẽ bị kéo giãn ra để nhằm phong toả. Vô hình trung ở khoảng trung lộ hàng thủ bỗng dung bị kéo dãn.
Các hậu vệ biên sẽ lùi lại khi mất bóng, tạo thành bức tường 5 cầu thủ phòng ngự
Ngược lại khi chuyển trạng thái từ tấn công sang phòng ngự, họ có thể tổ chức pressing từ xa ở ngay phần sân đối phương. Trong đó một cầu thủ đóng vai trò một đấu một với đối phương và phần còn lại có nhiệm vụ hỗ trợ cũng như cắt đứt sự liên lạc nếu cầu thủ đội bạn có ý định chuyền bóng.
Video: Thái Lan pressing sát phần sân đối phương, Tristan Do tham gia phòng ngự từ xa
Sự có mặt trong vai trò số 10 tự do của Chanathip Songkrasin trở thành sợi dây kết nối giữa hai biên của Thái Lan. Ở trận đấu với Australia, “Messi J” đá lệch trái để tổ chức tấn công liên tục với Theerathon Bunmathan. Tuy nhiên khi đã khiến đối phương bị lệch về cánh đó thì bất ngờ anh có đường chọc khe sắc lẹm cho Tristan Do trống trải băng lên bên cánh phải trước khi căng ngang cho Teerasil Dangda.
Chanathip Songkrasin đá lệch trái phối hợp với Bunmathan. Do đó tỷ lệ tấn công bên cánh trái của Thái Lan lớn hơn tấn công trung lộ và biên phải. Số đường chuyền cho nhau giữa Chanathip và Bunmathan cũng là nhiều nhất (18) - Số liệu: InStat
Tất nhiên vai trò của hai tiền đạo Dangda và Siroch Chatthong không chỉ dừng lại ở vòng cấm để chờ “cơm đến miệng”. Sự khác biệt lớn giữa tiền đạo Thái và phần nhiều ở khu vực là họ luôn tự coi mình như một số 9 ảo làm nhiệm vụ thu hút hậu vệ đối phương để từ đó Chanathip hay Siroch có khoảng trống trung lộ để xâm nhập.
Video: Chanathip phát động tấn công cho Tristan Do trước khi Thái Lan gỡ hoà
Chưa hoàn thiện 3-4-2-1
Không phủ nhận sơ đồ 3 hậu vệ mà Thái Lan sử dụng trong trận đấu đầu tiên có điểm ở vòng loại World Cup 2018 là rất tiềm năng. Nhưng không phải ngẫu nhiên đội hình này được đánh giá ở diện kén đội dùng. Sai số ở 3-4-2-1 của Thái Lan trước Australia là có.
Cụ thể vai trò của người tổ chức thu hồi bóng là Sarach Yooyen là mờ nhạt. Trong tình huống đầu tiên dẫn đến bàn thua, chính anh là người để mất bóng ở giữa sân khiến đối phương tổ chức phản công nhanh trước khi có quả Penalty.
Việc pressing từ xa của Thái Lan hòng tránh tình trạng mất bóng ở khu vực sân nhà (điểm đỏ là mất bóng, hầu như diễn ra ở phần sân Australia) - Ảnh: InStat
Video: Australia không cần đoạt bóng bên sân đối phương, họ cũng tìm ra cách phá pressing của Thái Lan bằng những đường chọc khe trung bình
Việc tranh chấp yếu ở khoảng giữa sân của Yooyen hay Pokklaw Anan khiến đội tuyển Thái Lan buộc phải đá thấp đội hình nhằm hạn chế sức ép từ Australia. Nhưng dù xây hai lớp tường, Thái Lan vẫn để hở những khoảng trống ở nách hai biên. Đấy là chưa kể việc hai hậu vệ cánh dâng cao nhưng không đánh chặn thành công từ xa có thể vô tình tạo ra khoảng trống để đối phương khai thác.
Video: Yooyen mất bóng dẫn đến bàn thua. Không có sự bọc lót từ Anan trong pha phản công của Australia
Đồng ý là việc phải đối đầu với một đội bóng có trình độ cao hơn như Australia khiến việc đá pressing của Thái Lan trở nên khó khăn hay việc nhập cuộc với sơ đồ lạ khiến cầu thủ không tránh khỏi chuyện lúng túng nhưng rõ ràng những không thể phủ nhận những điểm yếu còn tồn tại trong sơ đồ 3 hậu vệ mà Kiatisak sử dụng.
Biến hoá giữa 3-4-5 hậu vệ
Kiatisak khẳng định khi gặp các đối thủ ở AFF Suzuki Cup, ông sẽ sử dụng sơ đồ quen thuộc với Thái Lan là 4-2-3-1 và 4-3-3. “Các cầu thủ quen với hệ thống được sử dụng trong thời gian dài. Lối chơi của đội sẽ trở nên cân bằng hơn”.
Tuy nhiên thực tế khi diễn ra trên sân, Thái Lan hoàn toàn có thể chuyển từ 3 hậu vệ sang 5 hậu vệ. Tương tự sự xuất hiện của một cầu thủ đá được tiền vệ trụ và trung vệ là Tanaboon Kesarat cũng sẽ giúp Thái Lan chuyển mình thành 4 hậu vệ khi cần thiết.
Nói một chút đến Việt Nam. Lối đá ngắn, nhỏ, triển khai từ hậu vệ lên tiền vệ rồi tiền đạo mà HLV Hữu Thắng xây dựng cho đội tuyển sẽ gặp nhiều khó khăn trước sự vây ráp liên tục từ xa của Thái Lan. Và có lẽ những đường chuyền dài của Ngọc Hải hay Xuân Trường sẽ là hướng xử lý phù hợp hơn nếu chúng ta đối đầu người Thái.
Tác giả bài viết: Trí Công
Nguồn tin: