Căn bệnh khiến 4,5 triệu người Việt luôn cận kề cửa tử
- 15:29 18-11-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến các biến chứng tim mạch, gây đột quỵ, ảnh hưởng thị lực, lở loét tay chân. Ảnh: Medscape.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.hCM, Việt Nam là quốc gia có tốc độ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao thế giới, đặc biệt ở các thành phố lớn. Hiện tại, ước tính cứ 20 người Việt Nam trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh đái tháo đường, chiếm tỷ lệ khoảng 5,7%.
Bác sĩ Diệp cho biết cứ 2 người mắc bệnh đái tháo đường thì có một người không được chẩn đoán kịp thời, chỉ phát hiện khi đã xảy ra các biến chứng nguy hiểm như bệnh tim mạch, đột quỵ, biến chứng thần kinh, ảnh hưởng thị lực. Đó là do ở nhiều khu vực, đặc biệt là các vùng nông thôn, người dân không có thói quen chăm sóc sức khỏe, ít đi khám sức khỏe định kỳ.
Ngoài ra, đái tháo đường là căn bệnh không có biểu hiện cụ thể, các triệu chứng mơ hồ nên khó nhận biết. Một trong các dấu hiệu của căn bệnh là việc người mắc phải thường uống nước liên tục nhưng vẫn khát và đi tiểu nhiều lần.
Bác sĩ Diệp cho biết tiểu đường được xem là bệnh của người già (trên 55 tuổi). Nhưng ngày nay, độ tuổi mắc bệnh đã trẻ hóa nhanh chóng, thậm chí xuất hiện ở cả trẻ em.
Bệnh có liên quan chặt chẽ với các yếu tố như thừa cân, béo phì; chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn nhiều đường, chất béo, thức ăn nhanh; lối sống thụ động, ít tập thể thao hay thức khuya, ăn khuya.
Ông Nhân (52 tuổi, ở quận 8, TP.HCM) cho biết ông chỉ phát hiện mình bị bệnh tiểu đường khi đến bệnh viện vì tắc nghẽn mạch vành tim do mỡ máu cao. Là doanh nhân, ông thường xuyên phải tham gia những cuộc nhậu nhẹt khuya và có thói quen ăn rất nhiều thịt mỡ, đồ chiên xào.
Sau khi trải qua ca phẫu thuật tim, ông Nhân tiếp tục phải tập sống chung với căn bệnh đái tháo đường bằng cách đạp xe tập thể dục mỗi sáng, thay đổi thói quen ăn uống. Sau hơn 2 năm, lượng đường huyết của ông này đã ổn định, giảm được các triệu chứng bệnh.
Tham khảo nhiều bệnh nhân khám sức khỏe tại Phòng khám của Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, nhiều người cho biết họ phát hiện bệnh qua biểu hiện khát nước liên tục, uống nhiều nước vẫn không hết khát mà chỉ đi tiểu nhiều.
Bà Anh (46 tuổi, ở quận 3, TP.HCM) phát hiện bệnh khi chỉ số đường huyết đã rất cao (14 mmol/l) và phải gấp rút điều trị. Từ khi biết mình bị bệnh đái tháo đường, cứ vài tháng bà Anh lại phải đều đặn đi khám bệnh và uống thuốc.
Để hạn chế căn bệnh này trong cộng đồng, chương trình phòng chống bệnh đái tháo đường tại TP.HCM đã được triển khai từ năm 2003, do Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đảm nhiệm. Cho đến thời điểm này, công tác tuyên truyền phần nào đã đạt hiệu quả khi tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường tại thành phố ổn định ở mức khoảng 5,7%.
Đái tháo đường được xem là một trong 4 đại dịch của thế kỷ vì những biến chứng của nó. Số ca tử vong do đái tháo đường thậm chí cao gấp 3-4 lần so với HIV/AIDS và bệnh lao. Tuy vậy, 70% số trường hợp mắc đái tháo đường có thể phòng tránh được, hoặc làm chậm các triệu chứng bệnh nếu phát hiện kịp thời.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Tác giả bài viết: Hải Âu
Nguồn tin: