Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Siết chặt quản lý xả lũ tại các nhà máy thủy điện

Để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho vùng hạ du, công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy trình vận hành tại các công trình thủy điện đã được các cấp các ngành quan tâm đặt lên hàng đầu.
Ngày 6/5/2016 việc tích nước đột ngột tại Nhà máy thủy điện Chi Khê vào đã làm nhiều diện tích lúa, hoa màu của xã Cam Lâm - huyện Con Cuông bị thiệt hại, một người dân bị chết đuối. Ông Lô Văn Thao - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông khẳng định: Nguyên nhân dẫn đến hậu quả trên là do việc chấp hành của nhà máy thủy điện Chi Khê chưa tốt, trước khi tích nước không hề thông báo nên chính quyền không biết, do đó chính quyền không thông báo cho người dân, từ đó đã dẫn đến thiếu sót, dẫn đến thiệt hại về người và tài sản như trên.
 
images1327782 nh 7
Thủy điện Bản Vẽ có công suất 320MW, vừa phát điện, vừa cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất và đẩy mặn, cắt, giảm lũ cho vùng hạ du sông Lam

Bài học từ địa phương này cho thấy sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa nhà máy với chính quyền địa phương, chưa tuân thủ đúng quy trình vận hành hồ chứa đã dẫn đến những hậu quả nặng nề.

Thông tin về xả lũ đến tận người dân.

Xã Lượng Minh là địa phương nằm sát Nhà máy thủy điện bản Vẽ, nếu xảy ra sự cố sẽ là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Để bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản trong quá trình vận hành xả lũ, nhà máy thủy điện bản Vẽ đã lắp đặt hệ thống loa không dây tại trung tâm xã và các bản dưới hạ lưu. Đồng thời, cắt cử cán bộ trực tiếp xuống từng hộ dân tuyên truyền, vận động thông báo cho người dân nắm rõ lịch xả lũ của đơn vị.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Cụt Văn Liên, bản Côi - Lượng Minh chia sẻ: Trước khi xả lũ, Nhà máy thủy điện bản Vẽ có thông báo trên loa, cử cán bộ đến từng nhà thông báo cho chúng tôi, vận động chúng tôi nói với người nhà không ra bờ sông Nậm Nơn, thu xếp đồ đạc lên cao đảm bảo an toàn không bị lũ cuốn.

 
2images1327783 nh 9
Trong 2 năm qua, với 4 trận lũ lớn, hiệu suất cắt, giảm lũ của thủy điện bản Vẽ cho khu vực hạ du đã lên đến 80%.

Còn ông Cụt Xuân Ninh- Bí thư Đảng ủy xã Lượng Minh nói: Nhà máy cử cán bộ họp dân trước khi xả lũ. Tại buổi họp này, những nội dung liên quan đến việc vận hành xả lũ đã được đại diện của nhà máy trao đổi, giải thích, công khai quy trình cho bà con nắm được. Khi nhà máy xả lũ thì đều thông báo cho chính quyền địa phương trước 2-3 ngày, tiếp đó chính quyền xã sẽ thông báo cho các trưởng bản, từ đó các đồng chí trưởng bản sẽ thông báo cho dân được biết, trong thời gian mấy tiếng xả lũ đó không có ai  được ở dọc khe suối để đảm bảo an toàn.



Đảm bảo đầy đủ hệ thống quan trắc, thủy văn.

Toàn tỉnh hiện có 11 nhà máy thủy điện, với tổng công suất phát điện trên 700 MW. Trong đó, nhà máy thủy điện Bản Vẽ có công suất 320MW là một công trình lớn vừa phát điện, vừa cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất và đẩy mặn, cắt, giảm lũ cho vùng hạ du sông Lam. Đơn vị vận hành xả lũ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả trong mùa lũ hàng năm của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với lắp đặt đầy đủ hệ thống quan trắc, thủy văn, nhà máy đã hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống báo động, thông tin đến các hộ dân vùng hạ lưu nhận biết các tín hiệu khi tiến hành xả lũ. Thủy điện Bản Vẽ cũng là đơn vị duy nhất đã tiến hành lắp đặt camera giám sát việc xả nước hạ lưu và truyền tín hiệu hình ảnh về các cơ quan có liên quan. Chỉ tính trong 2 năm qua, với 4 trận lũ lớn, hiệu suất cắt, giảm lũ cho khu vực hạ du đã lên đến 80%.

Anh Nguyễn Xuân Minh- Trưởng ca Nhà máy thủy điện bản Vẽ cho hay: Ở thủy điện bản Vẽ, tất cả lưu lượng nước đổ về đều được tích lại hồ, phát điện xả lũ khi có lệnh điều độ. Khi nhận lệnh vận hành xả lũ, trưởng ca sẽ nhận lệnh thực hiện theo quy trình liên hồ chứa. Bình thường thì nhận lệnh từ giám đốc nhà máy, khi có thời tiết bất thường thì nhận lệnh từ Trưởng ban PCBL- TKCN tỉnh. Theo đó, sau khi nhận được lệnh, trưởng ca đương ca sẽ điều trưởng kíp tại các cửa tràn để mở van xả lũ theo quy trình. Trước khi mở cửa trưởng ca thủy điện bản Vẽ kéo còi để nhân dân hạ du biết bắt đầu xả lũ.

 
3images1327788 nh 11
Giám sát quy trình vận hành qua camera giám sát tại nhà máy thủy điện Bản Vẽ

Là thủy điện bậc thang dưới của thủy điện bản Vẽ nên Nậm Nơn không có chức năng cắt lũ, mà chỉ điều tiết nước ngày đêm. Để đảm bảo an toàn hồ đập cũng như tài sản, tính mạng nhân dân vùng hạ du, đơn vị đã thực hiện đúng các quy định như: Lắp đặt thiết bị quan trắc, thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, đăng ký an toàn đập, có phương án bảo vệ đập... Khi có lưu lượng nước về hồ thay đổi bất thường, nhà máy thông báo kịp thời cho UBND huyện Tương Dương, xã Xá Lượng, xã Lượng Minh, để biết và chủ động phòng tránh.

Anh Nguyễn Ngọc Đồng- Phụ trách nhà máy thủy điện Nậm Nơn trao đổi: Trong thời gian mưa lũ thủy điện Nậm Nơn phối hợp với các thủy điện liên quan nắm thông tin về mực nước hạ lưu, thượng lưu thủy điện bản Vẽ và thông tin về lưu lượng nước xả. Cập nhật thủy văn liên tục để có kế hoạch thông báo với người dân, sử dụng lực lượng tại chỗ, kiểm tra đánh giá trường hợp lũ lụt về với lưu lượng lớn thì thủy điện Nậm Nơn sẽ thông báo trực tiếp với Ban PCBL huyện Tương Dương, từ đó có phương án giảm thiểu thiệt hại cho hạ lưu.

 
4images1327789 nh 5
Kiểm tra, giám sát công tác vận hành xả lũ tại nhà máy thủy điện Nậm Nơn.

Nghiêm túc vận hành theo quy trình liên hồ chứa

Đợt kiểm tra rà soát mới đây của các ngành chức năng đã đánh giá, hầu hết các địa phương và các nhà máy, các chủ hồ trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc vận hành theo quy trình liên hồ chứa, góp phần nâng cao hiệu quả giảm lũ cho hạ du. Ngoài ra, trách nhiệm của các chủ hồ cũng được đề cao. Đơn cử như các chủ hồ: bản Vẽ, Khe Bố, Nậm Nơn, Chi Khê đã chủ động xây dựng cơ chế phối hợp với nhau trong việc vận hành; tổ chức dự báo lưu lượng đến hồ và đo đạc các yếu tố khí tượng, thủy văn vùng hồ; phối hợp cung cấp thông tin, thông báo xả lũ theo quy định, đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống lụt bão của địa phương.

 
5images1327790 nh 6
Mở cửa van cung xả lũ ở nhà máy thủy điện Nậm Nơn

Trong số 11 công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh, chỉ có thủy điện bản Vẽ có chức năng cắt, giảm lũ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa, đơn vị còn gặp một số vướng mắc nhất định. Theo quy định, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Nghệ An sẽ điều tiết hồ bản Vẽ trong điều kiện thời tiết bất thường. Thế nhưng, quy trình không nêu rõ thế nào là thời tiết bất thường. Do đó, không phân định rõ được ai là người chịu trách nhiệm ra lệnh vận hành hồ. Ngoài ra, quy định khi có dự báo ở lưu vực sông Cả có lũ thì nhà máy phải hạ mức nước để đón lũ, trên thực tế cũng chưa phù hợp. “Sau 24-48h xả lũ thì lượng nước sẽ đổ về đến hạ lưu ở Nam Đàn và nếu xả lũ mà thời điểm ấy ở hạ lưu cũng đang có lũ thì sẽ dẫn đến tình trạng lũ chồng lũ, cần phải xem xét lại quy trình này. Ông Tạ Hữu Hùng - Phó giám đốc Công ty Thủy điện bản Vẽ kiến nghị.

Ngoài các nhà máy lớn như Bản Vẽ, Hủa Na, Khe Bố... thì có một thực tế khá bất cập hiện nay đối với nhiều nhà máy thủy điện bậc thang có công suất nhỏ trên dưới 20MW. Do không có hồ chứa, nên mực nước dâng bình thường chủ yếu được ưu tiên tối đa cho việc vận hành tổ máy, không có khả năng chống lũ, lưu lượng lũ về bao nhiêu sẽ được xả tất cả về hạ du. Chính vì vậy, ngoài việc đảm bảo an toàn hồ đập thì trách nhiệm với hạ du cũng cần phải được các chủ hồ đặt lên hàng đầu. Ông Lô Xuân Thao - Phỏ chủ tịch UBND huyện Con Cuông mong muốn: Chúng tôi kiến nghị thời gian tới các nhà máy, các chủ đầu tư phải có sự phối hợp tốt có thông báo kịp thời, đúng quy trình phê duyệt theo đề án của UBND tỉnh và phương án TKCN ở các hạ lưu, thượng lưu tại các nhà máy thủy điện trên địa bàn huyện Con Cuông nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.

 
6images1327791 nh 2
Bảo dưỡng thiết bị trước mùa mưa lũ taị nhà máy thủy điện Khe Bố

Tăng cường tính dự báo lũ

Để dự báo được mức gây thiệt hại của lũ, tỉnh ta đang triển khai việc lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ và xây dựng bản đồ ngập lụt. Song để giảm bớt thiệt hại nặng nề cho vùng hạ du, không chỉ đòi hỏi trách nhiệm cao của chủ hồ đập, của chính quyền, các ngành các cấp liên quan trong công tác phối hợp. Mà chính các nhà máy cần phải vận hành hợp lý và quản lý quy trình vận hành đó một cách nghiêm ngặt. Ông Nguyễn Sỹ Hưng - PGĐ Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An trao đổi: Để đảm bão việc vận hành, tích nước cũng như xả lũ an toàn, tỉnh Nghệ An đã có văn bản đề nghị Bộ công thương và các ngành chức năng tiến hành lắp camera, giáp sát việc xả lũ sau hạ lưu tại các nhà máy thủy điện, đồng thời cắm mốc ngập lũ với tần suất là bao nhiêu. Mục tiêu là đưa ra cảnh báo kịp thời cho người dân biết, tránh được thiệt hại do xả lũ của các hồ đập sau khi có mưa bão.

 
7images1327792 nh 3
Hồ chứa thủy điện Khe Bố là hồ điều tiết ngày đêm, không có khả năng chống lũ cho hạ du, lưu lượng lũ về hồ bao nhiêu sẽ được xả tất cả về hạ du.

Xung quanh vấn đề này, ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công thương Nghệ An nhấn mạnh: Để tránh thiệt hại, các ngành các cấp đã yêu cầu các chủ đầu tư của các chủ dự án thủy điện Hủa Na, Khe Bố, bản Vẽ và các nhà máy thủy điện trên địa bàn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành đã được các cấp, Thủ tướng CP, các ban ngành, Sở Công thương phê duyệt và phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương để thông báo kịp thời cho nhân dân chính quyền thực hiện tốt không để ảnh hưởng và đặc biệt đối với an toàn hồ đập cũng như an toàn tính mạng nhân dân, tài sản của người dân vùng hạ du.

Để giảm thiểu tác hại của xả lũ đến đời sống người dân, bên cạnh việc siết chặt quy trình vận hành của các nhà máy thủy điện,  cần phải nhận thức rõ trách nhiệm phòng, chống lũ, bão lụt là của toàn xã hội, trong đó, chịu trách nhiệm chính là chính quyền, đơn vị chuyên trách quản lý hệ thống thủy lợi của từng địa phương có công trình và sự ủng hộ, vào cuộc, giám sát thực hiện quy trình quản lý vận hành và chủ động thực hiện phòng, chống lũ của người dân là vô cùng quan trọng.

Tác giả bài viết: Hiến Chương

Nguồn tin: