Các 'ông lớn' muốn gì ở Trump?
- 11:03 15-11-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lo ngại từ đồng minh
Đồng minh của Mỹ là Liên minh châu Âu (EU) và Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lo sốt vó khi Trump thắng Hillary hôm 8/11.
Tổng thống đắc cử Donald Trump
Mỹ luôn coi châu Âu là đối tác kinh tế lớn nhất của Mỹ, và lợi ích kinh tế của Mỹ phải gắn liền với một châu Âu ổn định và thịnh vượng. Nhưng các lãnh đạo châu Âu giờ đây hết sức lo ngại với chủ nghĩa biệt lập mà tỷ phú Donald Trump hô hào trong lúc tranh cử.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker có lời lẽ cứng rắn, nói rằng việc bầu nên Trump gây ra ‘nguy cơ đổ vỡ quan hệ liên lục địa từ nền tảng lẫn cấu trúc’. Juncker lo rằng có khi phải cần tới 2 năm để giải thích cho Trump hiểu châu Âu làm việc ra sao.
Về quốc phòng, tờ Tấm Gương (Đức) tiết lộ các nhà chiến lược của NATO đang bí mật chuẩn bị các tình huống xử lý nếu ông Trump ra lệnh cho quân đội Mỹ rút khỏi châu Âu. Nếu Mỹ rời khỏi NATO, tổ chức này có nguy cơ tan rã.
Trump từng tuyên bố Mỹ có thể rút khỏi NATO nếu các đồng minh trong NATO không đóng góp nhiều hơn và tôn trọng cam kết với Mỹ.
Trước mắt, các lãnh đạo châu Âu sẽ phải khiến Trump đảm bảo sẽ không rút khỏi NATO, ngay cả khi ông muốn từng nước trong EU phải chi thêm tiền cho ngân sách quốc phòng.
Trụ sở của NATO
Hiện tại, Mỹ đang đóng góp 70% ngân sách chi tiêu cho NATO. Trong thời gian tới, các ngoại trưởng EU sẽ thảo luận xem liệu Trump có tiếp tục áp đặt trừng phạt với Iran nữa hay không, nhằm buộc Tehran từ bỏ vũ khí hạt nhân.
EU cũng muốn Trump cam kết rằng việc Trump cải thiện quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không dẫn tới việc hủy bỏ trừng phạt nhằm vào Moscow.
Tại châu Á, Donald Trump đã nói với Hàn Quốc rằng sẽ cam kết bảo vệ nước này theo liên minh an ninh hiện thời. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nói sẵn sàng rút 28.500 lính Mỹ đóng ở Hàn Quốc nếu Seoul không tăng phần đóng góp cho việc triển khai quân này.
Với Hàn Quốc cũng như Nhật, điều trước nhất họ muốn ở chính quyền Trump là đảm bảo tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Nhưng với Nhật, Tokyo có lẽ mong muốn Washington duy trì thế ‘xoay trục’ như từ thời Obama, do bối cảnh tại biển Hoa Đông, biển Đông rất cần tới sự can dự của Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh Bắc Kinh đang trỗi dậy theo cách không mấy hòa bình.
Nga đắc lợi
Nga là bên phấn khởi nhất khi Trump đắc cử. Chính sách của Washington đối với Nga suốt 3 thập kỷ qua đều dựa trên hai hy vọng: Một là đánh bại Nga hoàn toàn, hai là Nga phải chuyển đổi thành nền dân chủ. Cả hai điều này Putin không bao giờ chấp nhận.
Donald Trump và Vladimir Putin
Nhưng với một niềm ái mộ cho cá nhân Putin của Trump, Moscow vẫn có thể “phát triển một cuộc đối thoại hợp tác với chính quyền mới trên các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi bên – như Putin mong muốn, khi điện đàm với Trump vào hôm 13/11.
Mối quan hệ nồng ấm ‘bền vững và lâu dài’ Trump – Putin có thể khiến Moscow thoát khỏi cấm vận mà chính quyền Obama áp đặt, sau vụ sáp nhập Crưm và nội chiến ở Ukraina.
Moscow còn có thể nghĩ tới việc đẩy lui binh sĩ NATO cách xa khỏi biên giới Nga như hiện nay. Một NATO bị vô hiệu, hoặc thậm chí có thể bị sụp đổ - nếu Mỹ rút khỏi NATO – sẽ là lá số độc đắc mà Trump dành cho Putin.
Phát ngôn viên Quốc hội Nga Vyacheslav Volodin nói rằng các lãnh đạo Nga Mỹ chưa từng có nhiều quan điểm chung như vậy đối với các vấn đề then chốt trong nền chính trị thế giới.
Điều này có nghĩa là Putin có thể hối thúc Trump tạo đà cho thỏa thuận Minsk thực thi trên thực tế tại đông Ukraina. Từ đó, Nga có thể cùng rút vũ khí hạng nặng khỏi miền đông và hồi sinh hòa đàm này.
Mặt khác, Trump từng nói sẵn lòng cùng làm việc với Nga và Assad để đánh bại phiến quân IS. Nếu làm giữ lời, Trump sẽ tạo bước ngoặt hoàn toàn trong cục diện tại Syria theo cách chưa ai ngờ tới.
Trung Quốc hợp tác
Dù Trung Quốc là đề tài công kích của Trump trong suốt chiến dịch tranh cử, nhưng Bắc Kinh tỏ vẻ tích cực đón nhận kết quả bầu cử Mỹ 2016.
Donald Trump dịu giọng với Trung Quốc sau khi thắng cử.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết nước này đã sẵn sàng cải thiện quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Trong cuộc điện đàm hôm 13/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống đắc cử Donald Trump nhất trí rằng các quan hệ song phương giữa hai cường quốc này có vai trò “quan trọng” và hai bên sẽ tăng cường hợp tác.
“Thực tế cho thấy, hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất cho Trung Quốc và Mỹ" - ông Tập nói.
Trong chiến dịch tranh cử, Trump cho rằng các thỏa thuận thương mại không công bằng với Bắc Kinh làm suy yếu diện rộng sức sản xuất và nền kinh tế Washington. Ông cáo buộc Trung Quốc trợ cấp xuất khẩu phi pháp, thao túng tiền tệ và trộm cắp tài sản trí tuệ.
Ông cam kết sẽ áp thuế 45% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, hứa sẽ gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ trong ngày đầu tiên làm việc tại Nhà Trắng. Trump từng gây lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Nhưng khi nói với ông Tập Cận Bình, ông Trump cho biết sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để củng cố sự hợp tác Mỹ-Trung. Ông Trump bày tỏ tin tưởng các quan hệ Mỹ-Trung có khả năng “chắc chắn đạt được phát triển lớn hơn”.
Tác giả bài viết: Lê Thu
Nguồn tin: