Phụ nữ chúng tôi xinh đẹp giỏi giang là vậy, sao lại dùng từ "đồ đàn bà" khi nhắc đến những gã trai kém cỏi?
- 14:45 10-11-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ khi nào “đàn bà” đã dần mang nghĩa yếu đuối, nhỏ nhen hay thiếu bản lĩnh?
Từ trong tiềm thức, ai trong chúng ta cũng cho rằng đàn bà là giống loài yếu đuối. Bởi nàng chỉ được tạo ra từ một chiếc xương sườn của chàng Adam, bởi từ thuở sơ khai, phụ nữ luôn là người ở nhà trồng trọt, hái lượm và chờ đợi người đàn ông của mình đi săn trở về. Đàn bà từ xa xưa đã được gắn với những gì êm dịu, nhẹ nhàng, mong manh, lúc nào cũng cần được che chở, bảo vệ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, video "Đồ đàn bà" thuộc dự án cùng tên của một nhóm bạn trẻ đã được cộng đồng đón nhận tích cực với hơn 10 ngàn lượt yêu thích và chia sẻ. Clip khiến cho mỗi người trong chúng ta đều giật mình bởi thói quen dùng từ "đồ đàn bà" trong những tình huống tiêu cực.
Vậy là lâu dần, người ta tự định nghĩa rằng “đồ đàn bà” là một tính từ để chỉ những người có tính cách ẻo lả, yếu đuối, thiếu chính kiến, lúc nào cũng như cây tầm gửi phải dựa dẫm, bấu víu vào người khác. Tất cả những người đàn ông không may có một vài tính cách xấu xí một chút, là y như rằng sẽ bị phán là “Đồ đàn bà!”, “Thằng kia hay buôn chuyện như đàn bà”, “Thằng kia lươn lẹo, thảo mai y như đàn bà!”.
Đàn bà cũng mạnh mẽ không kém gì đàn ông, chỉ là họ có muốn thể hiện ra hay không thôi.
Ơ, thế chỉ có đàn bà mới có tính xấu hay sao? Tại sao một người phụ nữ chém to kho mặn, ăn thùng uống vại, nói bậy không gớm mồm lại không bị nói là “Khiếp, sao mà ăn nói thô thiển như đàn ông”? Tại sao chỉ có “đồ đàn bà” mới là một tính từ mang đầy tính tiêu cực, còn “đồ đàn ông” tự dưng lại có cảm giác tư chất ngời ngời phong độ lẫy lừng vậy? Tại sao lại bất công như thế?
Thế giới này không nên có định kiến cho những lựa chọn
Rất nhiều phụ nữ vì quá uất ức khi bị coi thường, bị rẻ rúng hơn đàn ông, đã đứng lên để đòi lại quyền lợi cho chính mình. Thế nhưng “nữ quyền” hay “bình quyền” đã bị hiểu sai, hiểu nhầm không ít. Từ khi sinh ra và bắt đầu hình thành ý thức, chúng ta đã được dạy dỗ, phân biệt rằng “Con gái phải để tóc dài, mặc váy, chơi búp bê; con trai phải cắt tóc ngắn, mặc quần áo thể thao và chơi đá bóng”.
Chính những định kiến, thói quen về suy nghĩ ấy đã khiến tất cả những đứa trẻ thích thú những điều ngược lại hay vượt ra khỏi ranh giới phân biệt nam - nữ đều bị coi là bất bình thường. Một bé trai ba tuổi chơi búp bê sẽ bị đánh giá là “có vấn đề”, và ngay lập tức sẽ bị bố mẹ cấm đoán, dúi vào tay những ô tô và súng ống đồ chơi. Đứa bé ấy lớn lên, thích mặc áo màu hồng, thích chơi đồ trang điểm, vậy là bị xã hội xì xào bàn tán “Thằng này bóng lộ ha!”. Từ bao giờ chúng ta tự cho mình cái quyền mặc định rằng con trai phải luôn luôn mạnh mẽ, và con gái phải nữ tính đầy mình?
Phụ nữ có thể làm bất cứ điều gì không hề thua kém nam giới, thậm chí làm tốt hơn khi họ đặt vào đó sự quyết tâm đến cùng.
Bên cạnh đó, không ít các bạn trẻ sinh ra và lớn lên trong những gia đình có suy nghĩ phong kiến và cổ hủ, lúc nào cũng trọng nam khinh nữ. Vô hình chung, khi trưởng thành, họ sẽ vô tình hình thành suy nghĩ trong đầu rằng “À, nhà mình toàn trọng nam khinh nữ, vậy nữ quyền có nghĩa là trọng nữ khinh nam. Bình đẳng giới nghĩa là con gái có quyền làm những điều con trai làm, ăn mặc như con trai, nói năng như con trai, được coi trọng như con trai”.
Chúng ta đang sai ở đâu vậy? Sai ở chỗ: Tại sao chúng ta lại lấy con trai, hay đàn ông nói chung, làm điểm so sánh để định danh “nữ quyền”? Tại sao đàn ông lại là thước đo chuẩn mực cho cái gọi là bình đẳng giới? Tại sao đàn ông cũng vô tình bị tước đi quyền được bộc lộ cảm xúc của bản thân, quyền được là chính mình chỉ vì những tư tưởng rập khuôn kiểu “Đàn ông không được khóc”? Chính điều đó đã khiến phụ nữ luôn ghen tỵ với đàn ông, còn đàn ông thì không dám thở mạnh, không dám buồn, không dám yếu đuối vì sợ mất đi hình ảnh “chuẩn men” của mình trong mắt mọi người. Và từ đó, “đồ đàn bà” bỗng trở thành ba từ cực kỳ kinh khủng và đáng sợ, với bất cứ một gã trai nào.
Hãy thôi bảo đàn ông kém cỏi là “đồ đàn bà”, bởi "đàn bà" là từ rất đẹp
Không có ngôn ngữ nào hay như tiếng Việt! Khi Tây họ muốn bỉ bai một gã đểu, họ sẽ dùng những từ xấu xí như “bastard”, “jerk” hay thậm chí là “scumbag”, “a**hole”, nhưng tuyệt đối không thấy ai bảo một gã đểu có nhiều tính xấu là “womanly guy” cả! “Womanly” là một tính từ rất đẹp. Nó nói về những người phụ nữ thật sự nữ tính, với những đường cong hấp dẫn, với sự đàn bà, mềm mỏng toát ra ngay từ hơi thở hay ánh mắt lúng liếng gợi tình.
Đã đến lúc, chúng ta nên gọi những anh chàng không đúng nghĩa đàn ông là “đồ mặc váy”, bởi chiếc váy cũng thậm thượt mềm mại tung bay trong gió ấy có phần phù hợp với tính cách “lụa là” của các chàng đó hơn.
Hãy trả lại vẻ đẹp và sự quyến rũ đúng nghĩa cho từ "đàn bà".
Hơn thế nữa, đàn bà thực ra là giống loài vô cùng mạnh mẽ. Mạnh mẽ khi làm vợ, một mình “khiêu vũ giữa bầy sói”. Mạnh mẽ khi làm mẹ, một mình vượt cạn chống chọi với nỗi đau. Mạnh mẽ vượt qua những định kiến của xã hội để dần khẳng định vai trò, vị trí và giá trị của mình, ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tính từ chỉ giới nào, hãy chỉ dùng cho giới đó. Hãy trả lại vẻ đẹp và sự hấp dẫn, quyến rũ đúng nghĩa cho từ “đàn bà”. Ví dụ như sáng nay, tôi vừa nhận được tin nhắn từ người đàn ông của mình: “Đêm qua em đẹp lắm. Ngọt và rất đàn bà. Yêu em, đồ đàn bà hư hỏng!”.
Tác giả bài viết: M.S
Nguồn tin: